Làm việc từ xa là điều cực kỳ hiếm thấy tại các công ty ở Nhật, bất chấp người lao động nước này thường cảm thấy rất áp lực do phải làm việc nhiều giờ trong văn phòng. Những trường hợp được đặc cách làm việc tại nhà là ngoại lệ hiếm hoi.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của một hãng truyền thông hàng đầu thế giới từ 30/1-12/2/2020, 83% công ty Nhật cho biết họ hiện không cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Đồng thời, 73% các công ty được khảo sát khẳng định họ không có kế hoạch áp dụng biện pháp làm việc từ xa trong kỳ Olympic 2020.
Ác cảm mà các công ty Nhật dành cho ý tưởng làm việc tại nhà thật sự là điều mà chính phủ nước này hiện không mong thấy nhất. Chính quyền Nhật đang kêu gọi các công ty hãy cho nhân viên được làm việc từ xa trong thời gian diễn ra Tokyo 2020. Phương án này nhằm giúp du khách và khán giả đón tàu và đi bộ trên những con phố nổi tiếng của Tokyo dễ dàng hơn.
Đồng thời, người Nhật làm việc ở nhà còn là giải pháp tình thế nhằm ngăn ngừa lây lan COVID-19. Tại những nước khác, các công ty đều đang chủ động cho nhân viên khỏi cần đến văn phòng nhằm phòng chống COVID-19. Ở Nhật, các công ty sẽ phải làm điều đó với tâm lý ức chế.
Thế nhưng, đừng trách Thủ tướng Shinzo Abe. Quyết tâm thay đổi thói quen đến văn phòng làm việc của người Nhật không đơn giản chỉ nhằm ứng phó với Olympic 2020 và đại dịch COVID-19.
Chính quyền Nhật không chỉ khuyến khích làm việc tại nhà, mà còn kêu gọi sắp xếp giờ làm việc linh hoạt hơn để phụ nữ có con cũng dễ dàng nhận việc. Đây cũng là một trong những việc cần làm ngay nhằm chống lại tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng vì dân số Nhật già quá nhanh.
Parissa Haghirian - giáo sư khoa Quản lý quốc tế tại Đại học Sophia ở thủ đô Tokyo - thừa nhận cô không ngạc nhiên với kết quả khảo sát phần nào do hiểu rõ quan điểm tuyển dụng nhân viên của các công ty Nhật: Họ thích thuê người có nhiều kỹ năng, thay vì thuê chuyên gia do cứ vài năm là các bộ phận lại điều chuyển nhân sự.
Parissa đánh giá việc điều chuyển này khiến nhân viên cần sự hỗ trợ của tập thể nhiều hơn. Tuy nhiên, tệ nạn là các quy trình làm việc không được xác định rõ ràng và chưa ghi nhận đúng đóng góp của nhân viên trên hồ sơ.
Ngoài ra, nhân viên thường cảm thấy khó khăn khi phải làm việc độc lập. "Mọi người đều đến văn phòng và cùng nhau làm mọi thứ. Điều đó ảnh hưởng mạnh tới cách mà mọi người nhận thức công việc của mình như thế nào và thực hiện ra làm sao," Parissa phân tích. "Nhưng quá khó để thay đổi thói quen đó."
Nhưng cũng trong cuộc khảo sát này, một số công ty thú nhận họ không cho nhân viên làm việc tại nhà chẳng qua là vì không có chính sách làm việc linh hoạt hoặc không thiết lập công nghệ cho phép mọi người làm việc từ xa. "Chúng tôi không có bất cứ bí quyết làm việc từ xa nào," một quản lý tại một nhà sản xuất máy móc đã viết khi trả lời khảo sát.
Dù vậy, hiện có một số công ty Nhật đã đón đầu xu hướng làm việc mới như tập đoàn đồ uống khổng lồ Asahi Group Holdings và tập đoàn công nghệ Fujitsu. Thậm chí công ty dịch vụ nhân sự Pasona đã triển khai chương trình làm việc linh hoạt vào năm 2017, cung cấp dịch vụ viễn thông từ nhà hoặc văn phòng vệ tinh cho khoảng 10.000 nhân viên làm việc theo nhóm.
Akiko Hosokawa, Tổng giám đốc bộ phận nhân sự của Pasona cho biết để được tạo điều kiện làm việc thuận lợi như vậy, nhân viên nhận một mách tính xách tay yêu cầu có xác thực bằng dấu vân tay, phải tham gia một khóa đào tạo trực tuyến và cần vượt qua bài kiểm tra mới được.