Ở ngay kỳ Đại hội cách đây 2 năm, những môn đo – đếm điện tử như bơi, điền kinh, đua thuyền cũng không “thoát”.
Tuyển thủ đi bộ hay nhất ĐNÁ Nguyễn Thị Thanh Phúc từng thất bại tại SEA Games 27 trước đối thủ chủ nhà vừa đi bộ kết hợp với chạy.
Lặn quá 15m vẫn được công nhận HCV
Bơi Việt Nam và chính Ánh Viên không thể không lo bởi việc nước chủ nhà đưa ra những quy định kỳ lạ ấy thực ra mới chỉ báo hiệu một phần rất nhiều nguy cơ khó lường khác. Cách đây 2 năm, tại SEA Games 27, tuyển thủ quê Cần Thơ từng mất “oan” 1 tấm HCV nội dung 100m ngửa nữ. Xét về thông số, Ánh Viên về nhì, sau Tao Li (Singapore). Thế nhưng, như theo dõi của giới chuyên môn, được ghi lại bằng hình ảnh hẳn hoi, Tao Li đã vi phạm nghiêm trọng luật khi lặn quá 15m sau khi xuất phát, thay vì phải nổi lên mặt nước trước vạch giới hạn.
HLV ĐT bơi VN Đặng Anh Tuấn đã lập tức nộp đơn khiếu nại kèm theo 100 USD lệ phí. Chỉ có điều, sau nửa tiếng họp bàn, BTC môn bơi, mà Singapore đông nhất, vẫn kết luận trao HCV cho Tao Li. Thậm chí, họ không “thèm” xem lại băng hình như đáng ra phải thế, và chỉ dựa vào báo cáo của một số trọng tài.
Đi bộ kết hợp với chạy và bay
Có một sự cố đáng xấu hố cho đấu trường mang danh lớn nhất khu vực đã xảy ra ở nội dung đi bộ của môn điền kinh. Các trọng tài, được sự hỗ trợ của đầy đủ công nghệ điện tử, trước ống kính truyền hình, đã làm ngơ cho 2 nữ VĐV của nước chủ nhà Myanmar độc diễn và độc chiếm đường đi bộ 20km nữ. Trong đó, một người kèm sát nhà ĐKVĐ Nguyễn Thị Thanh Phúc dùng đủ mọi cách gây áp lực, khiêu khích nhằm khiến tuyển thủ Việt Nam sập “bẫy” phạm luật. Còn người được chọn “lấy” HCV Saw Mar Lar Nwe thoải mái thể hiện các kỹ năng “tổng hợp” kết hợp giữa đi bộ với chạy để băng băng cán đích đầu tiên. Phải rất tỉnh táo, Phúc mới có thể hoàn thành hành trình an toàn, dù chị sớm hiểu rằng kiểu gì mình cũng chỉ xếp thứ 2.
Càng bi hài hơn, sau SEA Games, Nhà Quán quân Saw Mar Lar Nwe có phản ứng dương tính với chất bị cấm, và bị tước HCV, trao lại cho Phúc. Có nghĩa là, chỉ riêng VĐV này đã hai lần vi phạm trắng trợn các quy định tối thiểu của một cuộc đấu thể thao.
Kiểu “gió lạ” ở hồ bơi đua thuyền
Canoeing và Rowing là hai môn Olympic hiện đại, gắn với các tiêu chuẩn chặt chẽ về hồ bơi, thuyền, hệ thống điện tử xác định thành tích. Tuy nhiên, về đến SEA Games, người ta vẫn có thể “lách” được theo cách khó tin. 2 năm trước, tay đua các nước đều đã không kịp trở tay trước điều kiện hoàn toàn khác lạ ở hồ bơi Nga Laik Dam không chỉ có gió quá mạnh mà còn được Myanmar thiết kế để tạo thành kiểu gió ngang thay vì xuôi, hay ngược như bình thường. Kết quả các VĐV chủ nhà đại thắng, còn các đối thủ đều từ bại đến đại bại. Riêng ở môn canoeing, Việt Nam không giành nổi HCV nào, nhất là khi cả đội còn bộc lộ sự chuẩn bị và thích ứng quá yếu kém.
Cũng tại SEA Games 27, võ sĩ muay từng vô địch thế giới Nguyễn Trần Duy Nhất trong trận bán kết đã liên tục dồn ép, tấn công đối thủ người Lào đến “sã cánh” bằng những cú đánh mạnh mẽ, chính xác. Và tất cả từ giới chuyên môn đến khán giả đều không tin vào mắt mình khi kết quả được công bố với phần thua cho Duy Nhất. Như chứng kiến của BHL ĐTVN, các trọng tài đã có tới 2 biên bản trận đấu, 1 có tỷ số 4-1 cho Nhất thắng, 1 là 5-0 nghiêng về võ sĩ Lào. Song chỉ có biên bản thứ 2 được công bố.
Tại SEA Games 28, Việt Nam có tổng số 32 trọng tài được BTC mời tham gia điều hành các cuộc đấu của các môn. Điều đáng nói, so với mặt bằng chung các nước, số lượng trọng tài của Việt Nam ở một số môn, đặc biệt nhóm võ vốn rất nhiều vấn đề, có phần khiêm tốn. Như silat chỉ có 2 trọng tài, wushu 2 trọng tài. Đây có thể là một thiệt thòi không nhỏ ở một sân chơi siêu đặc thù như SEA Games.
HÀ THẢO