Linda Trương: 10 năm và một bi kịch

thứ năm 7-1-2016 22:25:08 +07:00 0 bình luận
Trương Mai Nhật Linh là VĐV Việt kiều duy nhất từng dự SEA Games, giữ kỷ lục gắn bó với TTVN 10 năm trên một hành trình đơn độc và rất nhiều thua thiệt…

Yêu đơn phương

Sự gắn bó sâu đậm và bền bỉ đến mức khó tin của cô gái 20 tuổi có bố mẹ quê gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên tại Ukraine này có thể ví như một tình yêu đơn phương.

Linda Trương

Linda Trương không phải là trường hợp do ngành thể thao mời gọi mà chính VĐV này và gia đình chủ động “ngỏ lời”. Cũng kể từ giải VĐQG thể dục nghệ thuật (TDNT) 2006, năm nào Linda Trương cũng thu xếp để về nước tranh tài. Thậm chí, Trương còn “xin phép” đăng ký thi đấu các cuộc đấu quốc tế trong màu áo của ĐTVN, và từng giành cả chục huy chương các loại, nổi bật là ngôi đầu giải Hungary mở rộng 2012.

Điều đặc biệt, mỗi chuyến trở về hay du đấu của Linda Trương đều do gia đình tự lo kinh phí hoàn toàn. Chỉ tính riêng số tiền để chị đều đặn góp mặt ở giải VĐQG hàng năm cũng đã lên tới cả tỷ đồng. Ngay năm 2015, cô gái này cũng đã tự bỏ tiền để tham dự SEA Games 28, trở thành tuyển thủ Việt kiều đầu tiên của đoàn TTVN tại một đấu trường lớn nhất khu vực.

Chính chị đã giúp cho TDNT Việt Nam hồi sinh sau nhiều năm “chết chìm”, không có bất cứ hoạt động tập huấn thi đấu quốc tế nào. Tuyển thủ có tên Việt rất dễ thương này được ví như “người Mohican cuối cùng”.

Thua thiệt đủ đường

Đã “đơn phương”, tình yêu của Linda Trương dành cho TDNT Việt Nam lại đen đủi, thua thiệt đủ đường, phần nào đó là một bi kịch kéo dài. Chị nên duyên đúng thời điểm TDNT Việt Nam bước vào giai đoạn thoái trào cùng cực.

Môn này không hề được quan tâm đầu tư, và duy nhất Hà Nội cố gắng duy trì cho có. Mỗi giải VĐQG mà VĐV trở về từ Ucraine này dư sức để giành HCV ở tất cả các nội dung, chỉ có lèo tèo 10-15 đấu thủ, hầu hết đều có trình độ ở mức “chưa sạch nước cả”. Thế nên dù tốn cả trăm triệu, màn trình diễn của Linda Trương chỉ mang tính biểu diễn, chưa kể còn phải cố tình “nhường” lại một vài nội dung cho các em vì “phong trào chung”.

Linda Trương

Càng khốn khó hơn bởi TDNT còn sa sút nghiêm trọng trên cả bình diện Đông Nam Á. Các nước chủ nhà thi thoảng mới đưa môn Olympic truyền thống này vào chương trình, với số nội dung ở mức tối thiểu. Và cơ hội cho Linda Trương thể hiện tài năng của mình gần như không có. Ngay lần hiếm hoi TDNT xuất hiện, tại SEA Games 28, sự nghiệt ngã lại vẫn đeo bám Linda Trương khi Singapore chỉ tổ chức 2 nội dung đồng đội và toàn năng. Việt Nam không thi đồng đội vì chỉ có 2 VĐV, còn toàn năng lại không phải là thế mạnh của chị. Trong khi đó, nếu có đủ các nội dung đơn môn, chị chắc chắn sẽ giành được vài huy chương, kể cả Vàng.

Tuy nhiên, mọi người phải cảm thấy xót xa, cay đắng nhất cho “mối tình 10 năm” của Linda Trương ở chỗ, những người có trách nhiệm của TTVN lại coi đó như một chuyện đương nhiên, và ở một góc độ nào đó là sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Linda Trương chưa từng nhận được một khoản đầu tư, hỗ trợ hay bất cứ một hình thức khen thưởng như đáng ra phải thế. 

Linda Trương hiện đang là sinh viên trường Đại học Odesa và gia đình chị khẳng định sẽ còn tiếp tục quyết tâm, nỗ lực cao nhất có thể cho TDDC Việt Nam. Tình cảm đặc biệt với quê hương và nỗi niềm đau đáu với TDNT Việt Nam sẽ giúp Linda Trương vượt qua mọi trở ngại. Thậm chí, chị còn bày tỏ ý định sẽ về nước để sinh sống, lập nghiệp tại Việt Nam trong vai trò của một HLV. Thế nhưng ý nguyện đó của người con gốc Việt rất khó thành hiện thực, do thiếu sự ủng hộ.

Linda Trương

Đến nay, Linda Trương đã tham gia tranh tài ở 20 giải đấu quốc tế các loại trong màu áo của ĐTVN và đoạt rất nhiều huy chương. Nhờ có Linda Trương, TDNT Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới. Tại các giải đấu tham dự, VĐV Việt kiều này đều tự đăng ký, chuẩn bị và một mình lên đường thi tài. 

Hiện tại các nhà quản lý, huấn luyện đang liên hệ để mời một VĐV Việt kiều nữ tại Canada khoác áo ĐTQG tại các giải đấu quốc tế. VĐV được đánh giá có trình độ ngang ngửa với các tuyển thủ hàng đầu Việt Nam này được phát hiện trong lần ĐTVN sang Canada tập huấn năm ngoái. Đây được coi như một giải pháp tình thế phù hợp trong tình cảnh đội hình nữ đang thiếu hụt nghiêm trọng sau khi Đỗ Thị Ngân Thương giải nghệ và có thể “trắng” thành tích nếu Phan Thị Hà Thanh chia tay thảm đấu vào cuối năm nay. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm