Câu chuyện thể thao: Cái bắt tay giữa Hitler và nhà vô địch da màu

thứ hai 4-1-2016 22:44:58 +07:00 0 bình luận
Jesse Owens chuẩn bị giành chiến thắng ở cuộc đua cuối cùng của ông, sau khi gia đình ông mở cuộc tổng tấn công ba mũi nhằm tìm lại sự thật cho huyền thoại Olympic 1936.

Câu chuyện của 80 năm trước sắp được khai quật và nó có thể khiến cả nước Mỹ sửng sốt và bất ngờ. Bởi 80 năm qua, họ vẫn và luôn tin vào những gì báo chí đã đưa, thay vì là một sự thật giấu kín được chính người trong cuộc mà ở đây là gia đình Owens kể lại.

Jesse Owens

Hitler bẽ mặt

Khi VĐV điền kinh người Mỹ giành chiến thắng ở đường chạy 100m tại Olympic 1936 ở Berlin, anh có lẽ đã phá tan giấc mơ thống trị của người Aryan mà Adolf Hitler theo đuổi. Thú vị ở chỗ, anh đã làm điều này trước sự chứng kiến của ông ta từ trên khán đài.

Ngày hôm sau, con trai của một người lĩnh canh và cháu trai của một nô lệ, có tấm HCV thứ hai, lần này là ở nội dung nhảy xa. Một ngày sau nữa, anh về nhất trên đường chạy 200m. Bốn ngày sau, Owens giành chiếc HCV Olympic thứ tư ở nội dung tiếp sức 4x100m.

Jesse Owens

Thế nhưng, trong nhiều năm sau, câu chuyện được tất cả kể lại là Hitler đã từ chối bắt tay VĐV người Mỹ, chỉ đơn giản vì ông ta thuộc về chủng tộc thuần chủng Aryan, còn Owens là người da màu.

80 năm trôi qua, sự thật về câu chuyện cái bắt tay này mới được tiết lộ trong “Race”, một bộ phim nói về cuộc đời thật của Owens.

Trong Race, các nhà sản xuất có nói về vụ bán đấu giá một trong những chiếc HCV của Owen khi có người mua trả tới 1,47 triệu USD. Trong khi đây được xem là kỷ vật Olympic đắt nhất trong lịch sử, gia đình Owens bày tỏ “nỗi buồn” về vụ bán đấu giá này và đặt câu hỏi về nguồn gốc của tấm huy chương.

Bởi theo bà vợ của Owens, Ruth, những chiếc huy chương cũ đã bị đánh cắp và đã được thay thế, còn một chiếc từng được VĐV người Mỹ tặng cho Freedom Train, chuyến tàu đi quanh nước Mỹ nhân kỷ niệm 200 năm độc lập, vào năm 1976.

Jesse Owens (phải) và vợ, Ruth Owens

Jesse Owens (phải) và vợ, Ruth Owens

Tuy nhiên, câu chuyện đáng chú ý hơn cả trong “Race” là những gì xảy ra tại Olympic 1936 như đã nói ở trên và sự thật được kể ra sau 80 năm. Sự thật ở đây là không có chuyện Hitler từ chối bắt tay Owens. Đúng hơn, ông ta đã bắt tay tất cả những VĐV Đức giành chiến thắng trong ngày thi đấu đầu tiên, với ba VĐV người Phần Lan vô địch ở nội dung 10.000m, và với những đồng minh tương lai trong Thế chiến 2 trước khi được thông báo rằng, để duy trì tinh thần trung lập của Olympic, ông sẽ phải chúc mừng tất cả hoặc không ai cả. Và Hitler chọn không ai cả.

“Tôi không nghĩ ông ấy cảm thấy ông ấy bị Hitler từ chối”, Marlene Owens Rankin, một trong những con gái của Owens cho biết. “Ông ấy biết Hitler đã chúc mừng những VĐV giành huy chương khác và ông ấy biết Hitler sẽ chúc mừng tất cả hoặc không ai cả. Vì thế, về mặt cá nhân, ông ấy không cảm thấy mình bị từ chối hay phải quan tâm quá về chuyện đó”.

Thực tế thì bất chấp sự phân biệt chủng tộc ở Đức giai đoạn này, Owens đã được đón tiếp nồng hậu tại Berlin. Đám đông luôn hô vang “Yesseh Oh-vens, Yesseh Oh-vens” và bám theo ông để xin chữ ký.

Ngoài ra, trong thời gian ở Berlin, ông còn được di chuyển và ở lại những khách sạn như bất cứ người da trắng nào, trong khi tại nước Mỹ quê hương ông, điều này là không thể.

Cũng vì thế mà sau Olympic 1936, Owens chỉ nhận được sự im lặng từ tổng thống Franklin Delano Roosevelt. “Hitler không từ chối tôi - chính FDR đã từ chối tôi. Tổng thống thậm chí còn không gửi cho tôi một lời chúc mừng nào”, Owens đã cho biết như vậy trong Triumph, cuốn sách viết về Olympic 1936 của Jeremy Schaap.

Điều tồi tệ hơn nữa là Avery Brundage, một người có cảm tình với chủ nghĩa phát xít và là chủ tịch của Uỷ ban Olympic Mỹ (USOC), lúc đó đã chấm dứt sự nghiệp sau Olympic của Owens bằng cách loại anh khỏi Liên đoàn điền kinh nghiệp dư (AAU).

Thực tế thì ở giai đoạn nước Mỹ vẫn còn kỳ thị người da màu như lúc đó và trong nhiều thập kỷ sau, việc Owens phải vào rạp xiếc để đua với ngựa và làm nhân viên bảo vệ, phục vụ bơm xăng trước lúc tuyên bố phá sản là rất bình thường. Hay ngay cả sau Olympic 1936, anh thậm chí phải sử dụng thang máy phía sau khách sạn Walforf-Astoria ở New York để tới bữa tiệc được tổ chức nhằm tôn vinh… anh.

Sự thật đã được làm sáng tỏ?

Vậy còn cái gọi là sự từ chối như tất cả đã nói về Hitler và Owens?

Không phủ nhận là chế độ phát xít hoàn toàn không hài lòng về việc Owens giành 4 HCV - “người da trắng nên tự thấy xấu hổ”, Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của phát xít đã viết như vậy trong cuốn tự tuyện của ông ta - nhưng Rankin thừa nhận không có chuyện Hitler từ chối bắt tay cha bà.

Thực tế thì vấn đề này đã tạo ra nhiều tranh cãi trong hàng thập kỷ qua vì người ta đều không có một bằng chứng cụ thể nào để khẳng định Hitler có từ chối bắt tay hay bắt tay Owens hay không. Cách đây vài năm, Siegfried Mischner, một nhà báo kỳ cựu của Đức, đã làm tất cả bất ngờ khi ông khẳng định có nhìn thấy Hitler bắt tay với Owens phía sau một khán đài của sân Olympic. Mischner còn cho biết Owens có giữ một tấm hình chúc mừng này và trong những năm 1960, ông cố gắng thuyết phục giới báo chí đính chính lại sai lầm lịch sử đó. Tuy vậy, không một ai quan tâm.

Trong khi đó, theo bà Hildegard Fraser, 92 tuổi, người từng chứng kiến Owens thi đấu ở Olympic 1936 khi bà mới 13 tuổi, kể lại thì “Tôi nhớ rất rõ Hitler đã bỏ đi khi Jesse Owens nhận giải thưởng. Tôi không biết tại sao. Một số người la ó. Tôi còn quá trẻ để hiểu được chuyện gì. Chỉ về sau này, tôi mới biết vấn đề là như thế nào”.

Ở trường hợp này, rất có thể bà Fraser đã nhầm với Cornelius Johnson, VĐV da màu người Mỹ đã bị Hitler từ chối bằng cách rời sân trước lúc trao huy chương. Về sau, người phát ngôn của Đức giải thích chuyện Hitler rời sân đã có kế hoạch từ trước nhưng không ai tin.

Jesse Owens (phải) và Luz Long

Jesse Owens (phải) và Luz Long

Một điều chắc chắn như Rankin khẳng định là Owen luôn có một tình cảm và mối quan hệ tốt với nước Đức từ khi ông tham dự Olympic 1936. Thậm chí, ông có một người bạn Đức rất thân là VĐV nhảy xa Luz Long.

Với các diễn viên Jeremy Irons, William Hurt và Stephan James trong những vai của Owens, “Race” dự kiến sẽ được trình chiếu trên các rạp ở Mỹ vào ngày 19/12 tới. Mặc dù thế, với 3 bộ phim về Owens ra mắt trong năm Olympic Rio này, người ta cũng chưa biết tin vào câu chuyện nào về một trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất trong lịch sử Olympic.

Jesse Owens sinh năm 1913 và mất năm 1980 vì ung thư phổi do ông hút thuốc tới 35 năm. ESPN xếp ông ở vị trí thứ 6 trong danh sách những VĐV Bắc Mỹ vĩ đại nhất thế kỷ 20 và ở vị trí cao nhất ở môn điền kinh.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm