Bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 Việt Nam: “Chỉ khả thi khi hội đủ các điều kiện cốt tử”

thứ bảy 3-10-2015 15:00:35 +07:00 0 bình luận
Theo PCT khóa VI Nguyễn Quốc Quân, người cũng là Tổng thư ký kỳ cựu của cả 2 nhiệm kỳ trước, mục tiêu đưa bóng rổ thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam có thể đạt được song đòi hỏi hội đủ những điều kiện mang tính cốt tử, trước hết là sự đoàn kết và đổi mới.

– Thể thao 24h: Với tư cách của một người trong cuộc cùng bề dày hàng thập kỷ quản lý, điều hành trực tiếp, ông nghĩ gì về đích phấn đấu trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam của bóng rổ Việt Nam?

Ông Nguyễn Quốc Quân: Đây là một mục tiêu rất cao mà qua đó có thể thấy rõ khát vọng, quyết tâm, động lực lớn của Liên đoàn trong nhiệm kỳ mới. Tôi cho rằng, nó khả thi nếu xét trên tiềm năng, phong trào, xu hướng phát triển. Thực tế ở một vài phương diện, bóng rổ đã đứng trong Top 3 hay Top 2, rõ nhất như tỷ lệ người chơi bóng thường xuyên trong giới trẻ. Tuy nhiên, để có thể vươn tới đích số 2 ấy cần phải có quỹ thời gian nhất định và hội đủ rất nhiều điều kiện mang tính cốt tử.

Bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 Việt Nam: “Chỉ khả thi khi hội đủ các điều kiện cốt tử”
Bóng rổ Việt Nam đã lãng phí phong trào từng nở rộ trong giới trẻ.

– Đó là những điều kiện gì, thưa ông?

Theo tôi, Liên đoàn trước hết phải đảm bảo đúng tiêu chí đoàn kết và đổi mới đặt ra tại Đại hội vừa rồi. Phải thực sự đoàn kết và nêu cao tinh thần đổi mới – đổi mới một cách toàn diện, mạnh mẽ và phù hợp trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và thành quả đã đạt được, chúng ta mới có thể giải quyết được hàng loạt bài toán khó, cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, có những việc coi như phải làm lại từ đầu như tạo nguồn kinh phí, hệ thống đào tạo cầu thủ  trẻ, chế độ chính sách đối với HLV, VĐV hay kết nối giữa mảng phong trào với đỉnh cao… Riêng về phía Liên đoàn, cũng phải tổ chức lại mô hình và phương thức, với một Văn phòng cùng các Phòng – Ban chuyên trách theo mô hình chuyên nghiệp.

– Về mặt phong trào, hoàn toàn có thể tin  bóng rổ sẽ sớm vươn tới nhóm dẫn đầu tại Việt Nam, nhất là khi có sự nhập cuộc chủ động của ngành giáo dục. Thế nhưng, người ta vẫn không biết Liên đoàn sẽ gỡ như thế nào trước thực trạng bi đát của mảng “mũi nhọn” thành tích cao và chuyên nghiệp hóa?

Tôi hiểu rằng mảng trọng yếu này nan giải nhất với bóng rổ Việt Nam với nguy cơ tụt hậu đang hiển hiện. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã rơi vào tình cảnh lực bất tòng tâm, vì nhận thức thiếu thống nhất, sự buông lỏng, cũng như quá khó khăn về kinh phí. Không còn cách nào khác, chúng tôi sẽ phải cùng các địa phương, từng đội bóng làm lại quyết liệt, với sự tập trung và nỗ lực cao nhất có thể.

Rất đáng mừng vì đã có những tín hiệu thay đổi cơ bản và tích cực khi ngành thể thao đã bắt đầu đặt bóng rổ vào đúng vị thế của nó, một số nơi có truyền thống như Yên Bái bắt đầu xây dựng lại đội bóng từ tuyến trẻ, hay Hà Nội đã có kế hoạch đưa đội bóng trở lại.

Tôi rất mong, ngoài việc củng cố lại ĐTQG, hệ thống thi đấu, đặc biệt nâng chất Lượng giải VĐQG, Liên đoàn sẽ có nguồn lực đảm bảo để hỗ trợ các địa phương, đội bóng cả về kinh phí lẫn chuyên môn trong tập huấn thi đấu hay đào tạo trẻ.

– Ông đánh giá như thế nào về Saigon Heat, CLB chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và tác động của nó tới cả môn?

Tôi vẫn hay ví Saigon Heat là một làn gió mới mang tới những cảm giác mát mẻ cho bóng rổ Việt Nam đang bức bối.  Cũng chính từ đó, nó đã thực sự  tạo ra một cú hích cho phong trào và NHM. Dù vậy, tôi cho rằng, về lâu dài, Saigon Heat cần phải phát huy được nội lực, tận dụng được nguồn lực dồi dào tại TP.HCM, cũng như kết nối tốt với các đội bóng khác, thì mới có thể có  vị thế và sức lan tỏa của một “đầu tàu”.

– Xin cảm ơn!

Hà Thảo (thực hiện)

Bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 Việt Nam: “Chỉ khả thi khi hội đủ các điều kiện cốt tử”

“Điều tôi lo lắng nhất kể cả khi chúng ta có nguồn lực đầu tư dồi dào chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng cầu thủ có chất lượng. Ngay ở giải VĐQG, số lượng cầu thủ của 12 CLB nam/nữ đạt trình độ đáp ứng ở mức tương đối cũng chỉ vài chục, trong khi đội ngũ kế cận gần như không có”.

“Riêng về thành tích quốc tế, bóng rổ Việt Nam sẽ phấn đấu có một vị trí ổn định trong Top 3 Đông Nam Á,  từng bước tiếp cận trình độ châu lục. Theo tôi, nếu làm thật tốt, chúng ta cũng phải mất khoảng 5 năm mới có thể đạt được  mục tiêu, bởi hiện tại đang xếp ở nhóm cuối. Rất đáng tiếc và đáng buồn vì kể từ năm 2005, cả 2 ĐTQG nam/nữ đã không còn được tập huấn, thi đấu quốc tế. Tiếc vì ĐTQG nữ đã từng đoạt HCĐ giải vô địch Đông Nam Á 2004”.

PCT Khóa VI Nguyễn Quốc Quân

Chắc chắn sẽ đạt được

“Tôi hoàn toàn tin tưởng bóng rổ Việt Nam có thể sớm trở thành môn thể thao Olympic số 2 tại Việt Nam. Từng nhiều năm gắn bó với phong trào, các giải đấu học sinh; tôi thấy rõ niềm đam mê đặc biệt của đối tượng này, cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng học sinh chơi thường xuyên, số CLB trong nhà trường.

Bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 Việt Nam: “Chỉ khả thi khi hội đủ các điều kiện cốt tử”

Chỉ riêng một giải thường niên cho học sinh cấp tiểu học ở Hà Nội đã thu hút tới 70 trường nô nức tham dự. Thậm chí trước đó, từng trường còn tổ chức cuộc đấu của riêng mình. Ngoài sức hấp dẫn của một môn Olympic hiện đại và đại chúng, như theo dõi của tôi, các gia đình và bản thân các em vô cùng hứng thú với bóng rổ bởi nó có một ưu thế lớn trong việc cải thiện chiều cao.

Trong nhiệm kỳ mới của Liên đoàn lần đầu tiên có một đại diện có vị trí của ngành giáo dục, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh – Sinh viên, Ngũ Duy Anh được bầu làm Phó Chủ tịch. Chúng tôi đã thống nhất phương án về một chương trình phổ cập bóng rổ mang tính toàn quốc, đưa bóng rổ vào trường học, trước mắt là một môn học ngoại khóa cũng như tạo mô hình khung và có chính sách khuyến khích các CLB trong nhà trường. Theo tôi, chắc chắn phong trào bóng rổ, nhất là trong học sinh – sinh viên sẽ có bước đột phá cả về số lượng, chất lượng.

Còn mảng đỉnh cao và chuyên nghiệp, đúng là sẽ gặp nhiều khó khăn vì một thời gian dài chúng ta thiếu sự đầu tư cần thiết, và nói thẳng ra là có làm gì đâu. Vấn đề đặt ra giờ đây là phải bắt tay vào làm, và tôi cho rằng chúng ta sẽ có đủ nguồn lực để có thể làm đến nơi đến chốn. Một mô hình của Saigon Heat ra đời trong bối cảnh cả làng bóng rổ đang giậm chân tại chỗ đã chứng tỏ rằng, bóng rổ Việt Nam chỉ bế tắc khi chúng ta tự bó tay. Làm gì có một môn nào mà hàng chục năm không có ĐTQG, còn giải VĐQG chỉ èo uột vài đội?”.

Phó Chủ tịch LIÊN ĐOÀN bóng rổ Việt Nam, Vũ Quang Vinh

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm