Tại sao lại là New Zealand và Australia?
Trang bách khoa toàn thư Anh là Britannica cho biết rugby có xuất xứ được công nhận rộng rãi là từ cách chơi bóng do William Webb Ellis từ trường Rugby ở Anh tạo ra năm 1823. Thế nhưng, những nước thống trị bóng bầu dục bây giờ là New Zealand và Australia, chứ không phải Anh hay Scotland và Wales.
Và người ta vẫn đang cố tìm hiểu tại sao New Zealand và Australia lại có thể thành công như vậy dù dân số ít, với New Zealand chỉ có 4 triệu người và Australia là 23 triệu người. Vì tổ tông, vì truyền thống, vì gen hay chỉ đơn giản là vì thời tiết?
Cuối tháng 10 năm ngoái, trận chung kết bóng bầu dục thế giới tại Twickenham, Anh đã diễn ra giữa New Zealand và Australia, một trong những đối thủ lớn nhất trong môn bóng bầu dục nói riêng và thể thao thế giới nói chung. New Zealand đã chiến thắng sau đó với tỷ số 34-17 và trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch sau danh hiệu họ có được vào năm 2011.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao hai quốc gia chỉ có vỏn vẹn 27 triệu dân lại thống trị môn thể thao sức mạnh có nguồn gốc từ Anh, đặc biệt là New Zealand. All Blacks - biệt danh của đội tuyển bóng bầu dục New Zealand - đã thắng 413 trong 538 trận đấu quốc tế, nghĩa là tỷ lệ thắng gần đạt 80% và họ chỉ thua 3 trong 54 trận kể từ chức vô địch World Cup năm 2011.
Hay kể từ khi bảng xếp hạng thế giới được áp dụng trước World Cup 2003, All Blacks dẫn đầu trong hơn 80% thời gian và chỉ có Anh, Nam Phi đánh bật họ khỏi vị trí này.
Cũng nên nói thêm là Australia hoặc New Zealand đã có mặt ở 7 trong 8 trận chung kết World Cup kể từ năm 1987 và cùng nhau giành tới 5 danh hiệu vô địch. All Blacks là những nhà vô địch đầu tiên vào năm 1987 và họ thống trị trong 4 năm qua, trong khi lần cuối cùng Wallabies - biệt danh của Australia - vô địch là năm 1999 sau khi thua ở chung kết năm 2003, 2015 và đứng thứ 3 năm 2011.
Để so sánh thì ở bóng đá, hai trong số các đội tuyển thống trị thế giới, Đức và Brazil, đều là những quốc gia lớn tại châu Âu và Nam Mỹ. Họ cũng có nền kinh tế đứng thứ 4 và thứ 9 thế giới. Trong bóng đá, có thể xem đây là những nhân tố giải thích cho thành công mà Đức và Brazil có được.
Tổ tông, gen và thời tiết
Tuy nhiên, để giải thích cho sự thống trị của New Zealand và Australia, người ta không thể căn cứ vào những lý do trên. Thay vào đó, họ có sự kết hợp của tổ tông, gen, thời tiết và văn hóa thể thao ở những quốc gia tương đối nhỏ và xa xôi.
“Tôi đã ôm bóng trong tay trước khi tôi biết đi và đến năm 3-4 tuổi, tôi đã bắt đầu thực hiện những cú đá của mình.” Đó là những gì Chris Brown, một người New Zealand hiện là trợ lý cho đội Eagles Rugby Sevens của Mỹ sẽ tham dự Olympic Rio vào tháng 8 năm nay, chia sẻ.
Thực tế thì khi một quốc gia coi trọng một môn thể thao, điều này sẽ tạo ra khác biệt rất lớn. Chẳng hạn như Na Uy chỉ có 5,1 triệu dân nhưng họ thành công ở môn trượt tuyết Nordic. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là một lý do. Những lý do còn lại ở trường hợp của New Zealand và Australia là lịch sử, gen…
Cụ thể hơn, để vượt trội trong môn bóng bầu dục đòi hỏi có sự kết hợp giữa thể hình, tốc độ, sự dũng cảm và chai lì. Cũng vậy, đôi lúc người ta cũng cần có những hành vi phản xã hội vốn chỉ thường thấy ở các cuộc ẩu đả như đánh đấm, cào xé, chộp. Trong trường hợp này, tất cả đều nhận ra rằng, nguồn gốc của Australia liên quan đến trại trừng phạt. Trong thế kỷ 18 và 19, Anh đã đưa khoảng 150.000 tội phạm đến đây và phần lớn trong số họ đều gắn bó với vùng đất này. Có thể hành vi con người không lưu truyền qua các thế hệ nhưng ít nhất, những người đàn ông, những người phụ nữ đã sống sót qua hành trình hơn 22.000 km trên biển chắc chắn phải rất gan góc và bản lĩnh. Đó là một phần tính cách của người Australia qua hàng thế kỷ và được họ cho thấy trong trận gặp Argentina ở bán kết khi Scott Fardy, một cầu thủ có thể chơi được ở nhiều vị trí, thi đấu cùng với khuôn mặt chảy máu ròng ròng.
So với họ, New Zealand thậm chí còn có nhiều điểm mạnh hơn. Chẳng hạn như All Blacks có tốc độ, có thể lực với những vóc dáng đậm, chắc, to ngang rất phù hợp ở môn bóng bầu dục. Theo Steve Hansen, HLV đội tuyển New Zealand, cả họ và Australia đều có lợi thế là được tập luyện, thi đấu bóng bầu dục trong điều kiện thời tiết đẹp nếu so với các đội bóng ở châu Âu và thậm chí là Nam Phi, những người vẫn phải thi đấu trong điều kiện mưa lạnh và tuyết. Nói ngắn gọn, thời tiết ấm áp giúp các cầu thủ hoàn thiện phong cách thi đấu nhanh và kỹ thuật.
Thời tiết lạnh, ẩm ướt “không có lợi cho thi đấu bóng bầu dục,” ông Hansen đã phân tích như vậy khi so sánh giữa các đội bóng ở châu Đại Dương với các đội bóng ở phía bắc bán cầu.
Mặc dù vậy thì cũng không phủ nhận rằng, ở New Zealand và Australia, trẻ con lớn lên cùng với bóng bầu dục và giải thích tại sao họ có nhiều cầu thủ giỏi đến vậy. Nói như Brown là “bóng bầu dục luôn luôn phát triển. Chúng tôi thần tượng những ngôi sao và cố gắng bắt chước những gì họ đang làm.”
Ngày nay, không chỉ các nước nói tiếng Anh và nhiều nước châu Âu như Pháp, Italia có truyền thống chơi rugby mà ở châu Á môn này cũng ngày càng phổ biến. Chẳng hạn Trung Quốc, Hong Kong (TQ), Đài Loan (TQ), Malaysia, và cả Lào, Campuchia đều có đội rugby là thành viên của Liên đoàn châu Á (theo trang asiarugby.com).
Cho đến nay cách chơi bóng bầu dục theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn không thống nhất như bóng đá. Loại “rugby union” (bóng bầu dục liên minh) thì cần 15 cầu thủ mỗi bên, còn “rugby league” lại chỉ có 13 người. Ngoài ra, tính tự phát cũng khiến cho tới tận năm 1987, các liên đoàn rugby mới tổ chức giải World Cup - Rugby World Cup đầu tiên.