Bi hài chuyện thuê dùng chuyên gia ngoại của TTVN: Một người từ chức, trăm người… bó tay

thứ sáu 18-9-2015 15:19:40 +07:00 0 bình luận
Hàng trăm ông thầy ngoại trong 2 thập kỷ mới có duy nhất một trường hợp chủ động xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là chuyên gia người Hàn Quốc, Kim Jae Sik của ĐTQG taekwondo.

Ông thầy duy nhất xin từ chức

Chuyên gia xứ Hàn sinh năm 1981 từng là nhà VĐTG này đã thực sự gây sốc với quyết định xin từ chức khi hợp đồng năm thứ 3 được ký không lâu trước đó. Ông thầy trẻ dứt áo ra đi ngay sau thất bại thảm hại của taekwondo Việt Nam tại giải châu Á vào tháng 5/2011, cho dù có thể bám trụ đến hết năm.

Ông đã thẳng thắn nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình và thừa nhận bản thân còn hạn chế về phương pháp, kỹ năng huấn luyện. Vì thế, ông chủ động chia tay để ngành thể thao tìm một chuyên gia mới tốt hơn mình, với một cách tiếp cận, cách làm mới.

Một người từ chức, trăm người... bó tayKhẳng định có quyết tâm, nỗ lực thêm nhiều năm nữa cũng không làm gì nổi, ông Kim chỉ rõ taekwondo Việt Nam có quá nhiều khác biệt  với thế giới như chuẩn bị Olympic hay ASIAD chỉ trong 1 tới 2 năm, việc phân tán nguồn lực vào quá nhiều mục tiêu thời vụ cho đến sự thiếu thốn nghiêm trọng về trang thiết bị dụng cụ, đặc biệt là áo giáp điện tử…

Qua 4 năm kể từ cú sốc Kim Jae Sik, cách thuê dùng chuyên gia ngoại, cũng như việc tập huấn đào tạo của môn này vẫn không có bất kỳ thay đổi gì, thậm chí còn tệ hơn.

Đẳng cấp thế giới sang VN cũng… bó tay

Ông thầy taekwondo xứ Hàn là một điển hình cho sự thất bại của nhiều chuyên gia ngoại gắn với một môi trường không chỉ khó khăn, thiếu thốn về điều kiện mà còn có rất nhiều… đặc thù.

Các chuyên gia cử tạ đến từ châu Âu như Tupurov hay Deikov được thuê sang cho mục tiêu tranh Olympic và ASIAD lúc đầu đều choáng vì không hiểu tại sao TTVN lại “máu” SEA Games như thế. Chuyên gia điền kinh như Misa và Vadim sau một thời gian dài làm việc phát hoảng trước thực tế ĐTQG mỗi năm gần như mất tới 2 tháng nghỉ. Hầu như ai cũng phải đau đầu để giải quyết mối quan hệ với các trợ lý người Việt, chuyện “quân anh quân tôi”, rồi những thói quen sinh hoạt nghiệp dư của không ít học trò… Chuyên gia cử tạ Tupuruv từng thẳng thừng từ chối dẫn dắt nhà Á quân Olympic Thạch Kim Tuấn, đòi thay các trợ lý.

Và dĩ nhiên, họ còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hàng ngày từ kinh phí, cơ sở vật chất, dinh dưỡng đến tập huấn thi đấu. Không ông thầy ngoại nào của môn điền kinh không than trời khi nhìn đường chạy tồi tàn ở Nhổn hay Từ Sơn. Chuyên gia Trung Quốc, Cao Vân Đoạn của thể dục dụng cụ lúc nào cũng lo ngay ngáy nguy cơ chấn thương xảy ra với Hà Thanh, Ngân Thương trong từng buổi tập khi các trang thiết bị dụng cụ đã cũ kỹ, hỏng hóc.

Thực tế nhiều chuyên gia ngoại giỏi, thậm chí một số gương mặt đẳng cấp thế giới, không thành công khi làm việc ở Việt Nam cũng là chuyện bình thường. Khả năng và công việc của họ sớm muộn cũng rơi vào lối mòn chung của sự nửa vời và đặc thù kiểu Việt Nam.

Điểm lại cả một quá trình dài, chưa thấy có ông thầy ngoại nào có thể tác động được tới nền tảng, cách nghĩ cách làm của một môn, hay tạo bước đột phá về thành tích ở tầm châu lục, thế giới; ngoại trừ taekwondo ở giai đoạn đầu rất thuận lợi, và phần nào đó là thể dục dụng cụ.

Hà Thảo

Trong thành công ngoạn mục của siêu kình ngư Ánh Viên có dấu ấn quan trọng của cả một ê-kíp chuyên gia người Mỹ, nơi cô tập huấn dài hạn, theo đúng một quy trình chuẩn quốc tế từ 2012. Tuy nhiên, thành công đó chỉ được đảm bảo với các điều kiện đặc biệt tại Mỹ. Như thừa nhận của các chuyên gia, nếu ngành thể thao vẫn thuê dùng chuyên gia ngoại cho Viên giống cách “truyền thống”, chắc chắn kình ngư này không thể đạt được tới tầm mức như hiện tại. Tương tự như vậy là trường hợp của Á quân ASIAD đường chạy 400m Quách Thị Lan. Lan đã bước lên đỉnh cao không chỉ nhờ ông thầy ngoại chất lượng cao mà còn bởi được xuất ngoại rèn giũa dài hạn.

“Lò xay” chuyên gia ở môn cử tạ

Chuyên gia cử tạ người Bulgaria, Dian Deikov đã bị ngưng hợp đồng ngay sau khi không thể giúp đô cử Trần Lê Quốc Toàn giành 1 tấm huy chương tại Olympic 2012. Toàn đã đứng thứ 4 nội dung 56kg, với khoảng cách sít sao so với đối thủ đoạt HCĐ, trong đó bộc lộ những sai sót tai hại ở khâu khởi động, tính toán chiến thuật. Ngành thể thao đã quyết định chia tay ông Deikov vì cho rằng HLV này đã sai bài. Chỉ riêng hạng 56kg của môn cử tạ đã trở thành một “lò xay” chuyên gia ngoại với 5 ông thầy ngoại liên tiếp thay nhau đến và đi chỉ trong 7 năm. Đến giờ, môn này lại đang thành công với một ông thầy nội, HLV Huỳnh Hữu Chí.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm