12 tháng & 8 giải đấu
Không có một kình ngư nào ở đẳng cấp thể giới lại thi đấu nhiều giải, và đáng nói hơn lại đủ các loại giải như Ánh Viên. Nếu tính từ ASIAD 2014, cuộc đấu mà kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ chính thức vươn ra đỉnh cao quốc tế với 2 tấm HCĐ, chỉ trong đúng 1 năm chị đã phải “cày ải” tới 8 giải. Trong đó có nhiều giải, với đẳng cấp của mình, Viên không cần và không nên dự tranh, như Đại hội TDTT toàn quốc 2014 hay giải trẻ châu Á 2015. Cả 8 giải này, Viên đã luôn phải căng sức tranh tài với số nội dung tối đa nhất có thể. Như Đại hội TDTT toàn quốc 2014, chị dự tranh tới 18 nội dung hay giải trẻ châu Á 2015 cũng lên tới 12 nội dung.
Vô cùng tệ hại bởi Ánh Viên đã phải vắt kiệt sức đúng trong thời kỳ đang tăng tốc và tích lũy cho sự phát triển. Suốt cả một năm, chị bị cuốn vào một guồng quay của những cuộc di chuyển và thi đấu liên tiếp, đến mức gần như không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.
Như một hậu quả khó tránh, chị đã rơi vào tình trạng quá tải với thể lực ngày càng suy kiệt. Trên thực tế, Viên chỉ có một “điểm rơi” phong độ duy nhất tại SEA Games 28 (giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục Đại hội) còn lại đều thua xa khả năng. Rõ nhất ở Đại hội Thể thao Quân sự thế giới vừa kết thúc, tất cả các nội dung, chị đều đạt thành tích thua kém rất xa đẳng cấp của mình.
Lo cho đích ngắm Olympic 2016
Hiện tại, Ánh Viên bước ngay vào một cuộc đấu hoàn toàn vô bổ với mình – giải VĐQG khởi tranh hôm qua (11/10) tại Đà Nẵng. Có thể, Ánh Viên sẽ có một màn trình diễn như dạo chơi vẫn quá đủ để “gặt’ mười mấy HCV. Chỉ có điều, thành tích “khủng” này với chị cũng không giải quyết được gì.
Trong khi đó, đáng ra Ánh Viên đang phải ở Mỹ, đặt mình ở một quy trình đào tạo chuyên biệt nhắm tới đích Olympic 2016 với quyết tâm tranh chấp 1 tấm huy chương, hay chí ít cũng lọt vào Top 8 một vài nội dung sở trường. Tài năng đặc biệt xứ Tây Đô đã chắc chắn giành quyền dự tranh Olympic trên đất Brazil song rất ít cơ hội vươn cao nếu tiếp tục đắm mình trong cách nghĩ cách làm đặc thù kiểu Việt Nam, gắn với căn bệnh thành tích trước mắt.
Cần phải nhắc lại, thành quả cao nhất của Ánh Viên mới là đứng thứ 10 đường bơi 400m hỗn hợp ở giải VĐTG, còn lại đều đang đứng ngoài Top 15. Độ tuổi 19 của Ánh Viên cũng không còn sớm, nếu không muốn nói là bắt đầu chậm trễ cho các mục tiêu quốc tế tầm cao. Quỹ thời gian cho Olympic 2016 cũng chỉ còn khoảng 8 tháng. Nguy cơ lãng phí một tài năng xuất chúng của cả một nền thể thao lại đang hiển hiện, mà ngay từ bây giờ có thể khẳng định khó có thể kịp lấy lại phong độ cho Olympic 2016.
Ở đây, hoàn toàn không có lỗi ở Ánh Viên, mà là trách nhiệm của ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản đã đẩy “con độc” của bơi Việt Nam vào tình thế chín ép. Tưởng như là ngoại lệ nhưng ngay cả một Ánh Viên phi phàm cũng không thoát nổi vòng tròn luẩn quẩn của TTVN.
Hà Thảo
“Mọi chỉ số cùng sự phát triển của Ánh Viên vẫn đang đúng lộ trình và nằm trong kiểm soát của chúng tôi. Nhiều cuộc đấu với Viên thực sự chỉ giống như một cuộc cọ xát, rèn luyện cần thiết. Dù không thể khẳng định được gì trước nhưng tôi đảm bảo Ánh Viên sẽ đột phá tại Olympic 2016. Tin tôi đi, chỉ 1 hay 2 năm tới, Ánh Viên sẽ hoàn toàn khác”.
HLV Đặng Anh Tuấn
Ánh Viên đang phải vượt quá sức mình
“Quá trình tập huấn chuyên nghiệp của Viên tại Mỹ chưa đầy 4 năm, trong khi đối với một VĐV tầm Olympic thường mất 8 – 10 năm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ánh Viên đã đạt thành tích như hiện tại quả thật quá đáng nể. Tuy nhiên, ngay từ SEA Games 28, tôi đã từng cảnh báo đừng nên ép chín Ánh Viên chỉ vì những thành tích tạm thời trước mắt, nếu nhìn thấy sự cố gắng của cô ấy. Và bây giờ, điều đó đã bắt đầu xảy ra. Chúng ta đang gây áp lực, buộc Viên phải vượt quá sức mình từ quá sớm, có thể vô tình làm hỏng chứ không phải giúp cô ấy phát triển một cách tự nhiên, phát huy cao nhất tài năng đặc biệt của mình”.
Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN)
Kỳ tích “gặt” 34 HCV trong 12 tháng
Sau Đại hội Thể thao Quân sự thế giới, siêu kình ngư Ánh Viên đã có 12 tháng huy hoàng bậc nhất trong sự nghiệp của mình, đồng thời tạo nên một kỷ lục độc nhất vô nhị của TTVN khi giành tới 50 huy chương các loại, trong đó có 34 HCV.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Ánh Viên đã trở thành gương mặt giành nhiều huy chương và HCV nhiều nhất ở một cuộc đấu quốc nội với 20 huy chương, gồm 18 HCV và 2 HCB. Ở SEA Games 28, Ánh Viên là người đoạt nhiều huy chương cá nhân nhất trong một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á với 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, chưa kể còn kèm theo kỳ tích phá nhiều kỷ lục cá nhân nhất lịch sử với 8 lần vượt qua các cột mốc.
Ánh Viên cũng là kình ngư Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương ASIAD (2 HCĐ), có huy chương Đại hội Thể thao Quân sự thế giới (1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ), giành HCV giải trẻ châu Á (7 lần bước lên ngôi cao nhất).