Ánh Viên "chỉ ra" nghịch lý của bơi VN

thứ tư 23-12-2015 22:55:28 +07:00 0 bình luận
Vụ tranh chấp đi/ở của 2 kình ngư nhí Phương Trâm, Kim Sơn chứng tỏ môn thể thao Olympic từng “chết chìm” tại Việt Nam bắt đầu có giá, gắn với sức lan tỏa đặc biệt từ Ánh Viên. Chính từ đó cũng phơi bày những lỗ hổng ngay từ nền tảng, rõ nhất là mảng đào tạo.

“Dậy sóng” nhờ Ánh Viên

Có một thời gian dài, tính bằng 2 thập kỷ, bơi Việt Nam tụt hậu và bế tắc tới mức ngành thể thao chỉ đầu tư theo kiểu cho có với một môn Olympic cơ bản. Nhiều địa phương có truyền thống như Thanh Hóa, Nam Định gần như rời bỏ môn này. Đơn giản vì những người làm bơi cả nước hoàn toàn bất lực trong việc tìm kiếm, đào tạo VĐV, vì để kiếm một tấm HCĐ ở ngay SEA Games cũng khó như lên trời. Sự xuất hiện bất ngờ của “con độc” Hữu Việt hay Quý Phước cũng chỉ giúp cho thảm cảnh đỡ đi phần nào.

 

 

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi một cách thần kỳ sau SEA Games 28, gắn với kỳ nhân và hiện tượng độc nhất vô nhị Ánh Viên. Không chỉ vẽ lại bản đồ đường bơi xanh khu vực, đưa bơi Việt Nam vọt lên vị trí thứ 2, mà chủ nhân của kỳ tích 8 HCV và 8 kỷ lục SEA Games này đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt đối với ngành thể thao, cũng như xã hội. Chưa bao giờ người ta thấy giá trị, sự khác biệt của môn bơi, của 1 VĐV bơi lại có thể lớn như thế.

Bất ngờ thành môn “hot”

Thành quả phi thường của Ánh Viên cùng một ĐTQG bơi tài năng, trẻ trung đã giúp bơi Việt Nam bất ngờ trở thành một môn “hot” bậc nhất, có lẽ chỉ sau bóng đá nam và bóng chuyền nữ. Ánh Viên được coi là thần tượng, một mẫu hình phấn đấu của giới trẻ.

 

 

Phong trào học bơi bùng nổ trên khắp cả nước, thu hút nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, riêng ở Cần Thơ - quê hương của siêu kình ngư này, số lượng người đến bể bơi, nhất là trong dịp hè, đã tăng tới 600% theo một thống kê không chính thức.

Ngành thể thao cũng mặc nhiên coi bơi là môn đầu bảng trong nhóm 10 môn trọng điểm nhóm 1, với sự ưu tiên cao nhất về mọi mặt. Quan trọng hơn, hàng loạt địa phương dường như “bừng tỉnh” vì hóa ra lâu nay đã bỏ qua môn bơi, hay nếu có cũng chỉ ở mức duy trì. Sau một kỳ SEA Games của riêng Ánh Viên, nhiều nơi đã đưa môn bơi vào danh sách được đầu tư cao độ, và phải sớm có thành tích.

Một cuộc đua ngấm ngầm, quyết liệt đã xuất hiện. Và dù chưa thể khẳng định đó là một xu thế nhất thời hay không, đó vẫn là một tín hiệu rất tích cực cho bơi Việt Nam.

Nhìn đâu cũng thấy… hổng

Có quyết tâm, lo được kinh phí cũng không phải là vấn đề, song các địa phương khi quay lại phát triển môn bơi đã phải đối mặt với những bài toán nan giải, mà như ví von của dân chuyên môn thì “nhìn đâu cũng thấy thủng”.

Số bể bơi đạt chuẩn, dù chỉ ở mức tối thiểu cho việc đào tạo VĐV tại chỗ, chưa đếm hết 2 bàn tay trên cả nước. Các HLV đủ trình độ làm công tác phát hiện, huấn luyện cũng ít tới mức có thể nêu tên điểm mặt từng người, nếu không đang làm việc ở ĐTQG cũng thuộc diện đã… giải nghệ. Việc áp dụng khoa học công nghệ, phương pháp hiện đại đang bị bỏ trống…

 

 

Trong khi đó, môn bơi lại mang tính đặc thù cao, đòi hỏi tính quy trình và sự bài bản rất gắt gao. Để có được một kình ngư đủ sức tranh tài ở một giải quốc nội cần tới 5-7 năm, với công sức và nguồn kinh phí lớn.

Và cả làng bơi - vốn đang lên cơn sốt Ánh Viên - đã phải thừa nhận một sự thật phũ phàng: Không thể dựa vào việc phát hiện, đào tạo tại chỗ để có một kình ngư giỏi. Điều này có lẽ còn đúng với bơi Việt Nam nhiều năm tới. 

Có tới 24 đoàn dự tranh giải bơi VĐQG 2015 song chỉ có đúng 7 đơn vị giành được HCV. Trong đó, 2 đoàn Quân đội và TP.HCM đã chiếm tới 30/40 HCV của cả giải. Càng đáng nói hơn vì một mình siêu kình ngư đang khoác áo lính Ánh Viên đã “ẵm” tới 16 HCV. Thực tế tại giải đã minh chứng nền tảng chung của bơi Việt Nam vẫn đang thấp, yếu và chênh lệch. Ngay ở ĐTQG, nếu như không có Ánh Viên, bơi Việt Nam cũng chỉ thuộc diện trung bình yếu ở Đông Nam Á.

 

 

Kình ngư Hoàng Quý Phước là trường hợp duy nhất của bơi Việt Nam đã được Đà Nẵng phối hợp với Viện Khoa học TDTT kiểm tra y/sinh chuyên biệt ngay từ đầu để nắm bắt chính xác về các chỉ số về hình thể, tim mạch, hệ cơ, cũng như dự báo khả năng phát triển. Ngay cả Ánh Viên chỉ đến khi sang Mỹ tập huấn mới được kiểm tra. Tài năng trẻ được chú ý nhất hiện tại, Nguyễn Diệp Phương Trâm có lẽ cũng phải chờ được đi nước ngoài luyện tài mới biết về các chỉ số, tiềm năng của mình.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm