Nhưng với sự trỗi dậy của Viktor Axelsen và Anders Antonsen trong thời gian qua, Đan Mạch xem ra rốt cuộc đã có những nhân tố đủ sức giúp họ chấm dứt cơn khát danh hiệu tại All England Open Badminton Championships vừa tròn 120 tuổi.
Cho tới lúc này, tại giải đấu từng được xem như giải vô địch thế giới không chính thức của làng cầu lông, Đan Mạch đang cùng Trung Quốc có 20 danh hiệu vô địch đơn nam. Thế nhưng, con đường họ đi rõ ràng hoàn toàn khác. Trung Quốc thống trị trong mấy thập niên qua, còn Đan Mạch là câu chuyện về một thế lực cũ kỹ.
Do bị Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) tẩy chay một thời gian, Trung Quốc chỉ bước vào sân chơi lớn từ đầu thập niên 1980. Nhưng 4 thập kỷ qua đã đủ để gã lính mới này vươn lên trở thành thế lực bá đạo nhất.
Khi đánh bại huyền thoại Đan Mạch Morten Frost tại Wembley Arena năm 1983, Luan Jin không chỉ phục thù đối thủ Đan Mạch từng hạ anh ở chung kết 1982, mà còn mở ra kỷ nguyên mới của làng cầu lông dưới sự áp đảo của Trung Quốc.
Suốt 35 năm kể từ ngày đó, có tới 19 lần ngôi vô địch đơn nam All England Open thuộc về Trung Quốc. Và có tới 7 lần trận chung kết là cuộc chơi của riêng người Trung Quốc. Lần gần nhất là năm 2018 khi tay vợt trẻ Shi Yuqi gây sốc cho Lin Dan từng 6 lần vô địch giải.
Câu chuyện về Đan Mạch tại All England Open khác hẳn. Chiến thắng sau 3 game của Tage Madsen trước Ralph Nichols 5 lần vô địch tại chung kết 1939 chính là danh hiệu vô địch đơn nam đầu tiên của Đan Mạch ở All England Open. Sau Thế chiến thứ 2, Đan Mạch chính thức xóa tên người Anh trên đỉnh vinh quang, khiến nước chủ nhà hiện vẫn dừng lại với 24 danh hiệu vô địch đơn nam.
Trong vòng 6 thập kỷ sau đó, đội tuyển bé nhỏ của xứ Scandinavia giới thiệu hàng loạt tài năng thay nhau chinh phục All England Open như Jorn Skaarup, Erland Kops, Knud Aage Nielsen, Svend Pri, Fleming Delfs, Morten Frost, Ib Frederiksen, Poul-Erik Hoyer và Peter Gade.
Thời điểm Erland Kops vô địch All England Open 7 trong 8 lần đánh chung kết từ 1957-1967, giải Toàn Anh vẫn được xem như giải vô địch thế giới không chính thức. Sau đó Đan Mạch còn có Morten Frost - được gọi là "Mr. Badminton" - đã vào chung kết tới 8 lần liền từ 1982-1989 và đăng quang 4 lần.
Nay vẫn được xem như tay vợt cầu lông vĩ đại nhất lịch sử chưa từng vô địch thế giới với 2 lần á quân World Championship các năm 1985 và 1987, Morten Frost chưa từng nuối tiếc do thiếu mất đúng danh hiệu quan trọng này trong bộ sưu tập chiến tích. Bởi theo ông, thành công ở All England Open đã là sự bù đắp tương xứng.
Sau danh hiệu Toàn Anh cuối cùng của Morten Frost, Đan Mạch về nhì 2 kỳ sau đó. Poul-Erik Hoyer - đang là chủ tịch BWF - bổ sung thêm 2 danh hiệu liên tiếp các năm 1995-1996 rồi vào năm chuyển giao thiên niên kỷ 1999, Peter Gade hạ Taufik Hidayat của Indonesia để đánh dấu ngôi vô địch đơn nam All England Open thứ 20 của Đan Mạch.
Tới đây, câu chuyện về thành công của Đan Mạch bỗng dừng lại và giữ nguyên hiện trạng suốt 20 năm kế đó. Trong lúc các tay vợt nữ cùng các cặp đôi Đan Mạch vẫn duy trì sức mạnh, đơn nam đã trở thành nỗi ám ảnh thất bại.
Vì thật ra, Peter Gade còn từng vào chung kết All England Open thêm lần nữa, nhưng trở thành "nạn nhân" đầu tiên của Lin Dan tại các trận chung kết vào năm 2004. Cần lưu ý đây chưa phải thời điểm Peter Gade sa sút, vì anh còn thi đấu chuyên nghiệp tới 2012 và từng leo lên số 1 thế giới năm 2006.
Tuy nhiên, sự bất lực của Đan Mạch đã lộ rõ. Jan Jorgensen trở thành tay vợt Đan Mạch duy nhất còn lại từng vào tới chung kết khi thua Chen Long (Trung Quốc) năm 2015. Dù là một tay vợt thi đấu kiên cường, anh hiếm khi được đánh giá cao do thiếu một tuyệt kỹ đủ để dứt điểm các trận đấu lớn.
Đấy cũng là tình trạng của các tay vợt Đan Mạch sau thế hệ Peter Gade. Joachim Persson, Kenneth Jonassen, Jan Jorgensen và Hans-Kristian Vittinghus từng vào bán kết 2016 đều chưa bao giờ cho thấy họ có đủ sức mạnh để lên đỉnh vinh quang.
Nhưng bước vào năm 2019, Đan Mạch đang có vẻ tự tin hơn bao giờ hết với mục tiêu lật đổ Trung Quốc.
Với Viktor Axelsen 25 tuổi, họ có mẫu cầu thủ đủ sức thâu tóm mọi danh hiệu ở mọi lứa tuổi, điều mà hầu hết tay vợt Đan Mạch khác không làm được. Từ năm 2010, anh đã hoàn tất chặng đường trở thành tay vợt vô địch châu Âu đầu tiên chinh phục giải Trẻ thế giới rồi trở thành nhà vô địch thế giới năm 2017.
Mùa thi đấu ấn tượng 2016-2017 còn chứng kiến Viktor Axelsen trở thành tay vợt Đan Mạch đầu tiên chinh phục một loạt giải Superseries, huy chương vàng Thomas Cup, vô địch châu Âu 2016 và 2018 cùng huy chương đồng Rio 2016. Ngoài huy chương vàng Olympic, All England Open là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong chiến tích của anh.
Điều trớ trêu là dù dự All England Open từ năm 2012, thành tích của Viktor Axelsen không thật nổi bật: Chưa từng vượt quá vòng tứ kết. Tuy nhiên, Viktor Axelsen vắng mặt năm 2018 do chấn thương, nên sau khởi đầu năm 2019 bằng 2 lần vào bán kết cả Malaysian Masters lẫn Indonesian Masters, anh lại trở thành hy vọng của Đan Mạch, đặc biệt sau khi hạ Chen Long ở Indonesia.
Anders Antonsen là niềm hy vọng khác của Đan Mạch, một phần do anh được xem như có khả năng chống lại Kento Momota - đương kim vô địch thế giới là khắc tinh của Viktor Axelsen. Tại Super 500 ở Jakarta mới đây, tay vợt 21 tuổi này rốt cuộc đã hạ được đối thủ người Nhật. Tại Indonesian Masters 2019, Kento Momota qua 5 vòng đụng tới 4 tay vợt Đan Mạch và đều dễ dàng thắng 3 trong số đó, ngoại trừ Anders Antonsen.
Đương nhiên, Anders Antonsen vẫn là sản phẩm chưa hoàn thiện. Như nhiều tài năng trẻ, anh thường xuống sức sớm. Nhưng nếu gặp đúng ngày vào form, anh đủ khả năng đánh bại bất cứ đối thủ nào.
Với những biểu hiện của cả Viktor Axelsen lẫn Anders Antonsen trong thời gian qua, năm 2019 có lẽ là thời điểm tốt nhất để Đan Mạch chấm dứt cơn khát danh hiệu đơn nam All England Open kéo dài suốt 20 năm qua. Hãy chờ xem điều đó có xảy ra không ở giải đấu diễn ra từ 6-10/03 sắp tới.