Không chỉ thi đấu xuất sắc, nhiều tuyển thủ Mỹ tại Olympic 2016 còn có học vấn rất tốt. Hiệu quả từ thể thao học đường của họ xứng đáng để nhiều nước tham khảo.
Được biết đoàn thể thao Mỹ tới Rio 2016 với 555 VĐV, nhưng trong đó có đến 436 người đã từng thi đấu dưới màu áo trường đại học, cao đẳng ở quê nhà. Nói cách khác, gần 80% tuyển thủ Mỹ trước khi đến Rio từng đi học, đến lớp và sinh hoạt bình thường như các sinh viên nước này. Đặc biệt, gần 150 người còn đang đi học, thậm chí có người chỉ sắp vào Đại học
“Trường đại học luôn tạo điều kiện để sinh viên, VĐV của nhà trường được thi đấu ở mức độ cao nhất. Các trường học cũng cảm thấy tự hào khi có những sinh viên như vậy”, Sara Wilhelmi - giám đốc chương trình liên kết giữa trường đại học và Ủy ban Olympic Mỹ cho biết.
Trong thành phần đoàn Mỹ tại Rio năm nay, 100% các VĐV ở những môn bóng rổ, nhảy cầu, đấu kiếm, khúc côn cầu trên cỏ, bóng chuyền trong nhà, chèo thuyền và 3 môn phối hợp từng có thời học đại học. Trong khi đó, con số này ở môn bóng đá, bơi lội, bóng nước và điền kinh là hơn 90%.
Điều bất ngờ là trong số 90% nêu trên, không có Michael Phelps dù kinh ngư 31 tuổi này từng đi học tại Đại học Michigan. Theo giải thích của Wilhelmi, lý do chỉ là vì Phelps chưa từng thi đấu dưới danh nghĩa của trường, chưa nhận học bổng hoặc tài trợ từ đại học nên không nằm trong số 436 VĐV-Sinh viên được thống kê.
Bà Wilhelmi cho biết, Hiệp hội VĐV-Sinh viên Mỹ (NCAA) cung cấp hàng trăm VĐV trình độ quốc tế, trải dài ở nhiều môn thể thao, từ bơi lội, bóng đá cho đến điền kinh. Ví dụ như trường hợp của Lilly King và Ginny Thrasher. Tại Olympic 2016, trong khi King – người vừa giành vàng bơi 100m ếch - đang theo học Đại học Indiana Bloomington thì kỹ sư tương lai thuộc Đại học West Virginia, Thrasher là xạ thủ số 1 ở nội dung 10m súng trường hơi. Cả 2 mới 19 tuổi.
“Các VĐV có thể đi học nếu họ muốn, trong khi vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao”, Wilhelmi tuyên bố: “Họ không cần phải lựa chọn một trong hai. Trong môi trường giáo dục, VĐV còn nhận được nhiều lợi thế với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý, HLV hay những đồng nghiệp cùng tập luyện với mình”.
Để không bỏ sót tài năng sinh viên nào, NCCA có nhiều “chi nhánh con” trên khắp các khu vực nước Mỹ như Liên đoàn Pac-12 (12 trường phía tây), Big Ten (14 trường chủ yếu ở phía đông bắc), ACC (15 trường khu vực bờ Đại Tây Dương), SEC (14 trường phía nam), Big 12 (10 trường phía nam và tây bắc) và Ivy League (8 trường phía bắc).
Đại học danh tiếng Stanford là trường có nhiều VĐV Olympic nhất với 29 người. Vào mùa thu này, Stanford sẽ đón nhận tân sinh viên đặc biệt: Siêu kình ngư Katie Ledecky. Tuy nhiên, không phải tất cả VĐV chỉ đến từ những trường lớn. Cao đẳng Middlebury nằm trong hệ thống hạng 3 của NCCA nhưng cũng đóng góp 3 thành viên cho tuyển Mỹ, trong đó có cua-rơ Lea Davison - HCĐ giải đua xe đạp thế giới.
“Môi trường đại học sẽ giúp VĐV trưởng thành hơn, như việc phát biểu trước truyền thông và đối mặt với áp lực khi họ luôn là trung tâm của sự chú ý”, bà Wilhelmi phân tích.
Với những VĐV trẻ có tiềm năng, họ có nhiều cơ hội nhận được học bổng từ trường đại học. Thu hút thế hệ trẻ cũng chính là một trong những lý do Mỹ phát triển mạnh thể thao học đường.
“Tôi đã nói chuyện với những lãnh đạo ở các môn thể thao, và họ đều nói rằng người trẻ là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp thể thao phát triển”, Wilhelmi nói: “Học vấn là một trong những con đường giúp họ theo đuổi ước mơ thể thao. Những nhà vô địch tương lai cần được tạo mọi điều kiện để phát triển”.