60 năm qua, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thể dục thể thao liên tục thay đổi.
Tháng 06/1956, Ban TDTT Trung ương được thành lập, tháng 01/1960 chuyển thành Ủy ban TDTT trực thuộc Chính phủ, rồi sau đó là Tổng cục TDTT từ 1971. Từ tháng 03/1991 – 10/1992, ngành thể thao chỉ còn cơ quan chuyên trách là Tổng cục TDTT khi sáp nhập vào Bộ Văn hóa -Thông tin -Thể thao và Du lịch . Từ tháng 10/1992 - 10/1997 là mô hình Tổng cục TDTT (cơ quan trực thuộc Chính phủ) trước khi là Ủy ban TDTT (cơ quan ngang Bộ).
Gần đây nhất, tháng 08/2007, ngành thể thao sáp nhập vào Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, duy trì một đơn vị cấp 2 là Tổng cục TDTT. Ở cấp tỉnh, thành, trong Sở đa ngành hiện tại chỉ còn phòng Nghiệp vụ hay 2 phòng Thể thao Quần chúng và Thể thao thành tích cao. Đến cấp quận, huyện, mảng thể thao càng bị thu hẹp, và ở cấp xã, phường, thị trấn, thể thao chỉ còn là một mảng thêm phụ, do một công chức văn- xã phụ trách chung.
Sự mất ổn định thường xuyên của bộ máy tổ chức ngành TDTT trong một thời gian dài đã để lại những hậu quả nặng nề. Sau mỗi lần thay đổi, các chủ trương chính sách, chiến lược quy hoạch phát triển, trực tiếp là các hoạt động sự nghiệp của ngành bị xáo trộn, không được tổ chức thực hiện nhất quán, gây lãng phí lớn.
Ngoài sự khủng hoảng tư tưởng, tâm lý, tìm cảm, trên thực tế, đội ngũ cán bộ của ngành cũng bị thay đổi, thậm chí mất mát trong mô hình đa ngành. Một thực tế phổ biến hiện tại ở các địa phương là việc tổ chức- nhân sự không có sự phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch. Cán bộ quản lý ở nhiều nơi thiếu sự quan tâm đầu tư, thiếu hiểu biết về các biện pháp, chuyên môn nghiệp vụ TDTT đặc thù nên rất hạn chế trong việc lãnh đạo, thúc đẩy sự phát triển.
Ngay từ 1994, trong Chỉ thị số 36 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về công tác TDTT giai đoạn mới đã chỉ rõ “Tổ chức ngành TDTT trong nhiều năm không ổn định, có lúc còn thu hẹp, hoạt động kém hiệu quả”. 17 năm sau, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị tiếp tục chỉ ra “Bộ máy, hệ thống ngành TDTT chưa ổn định” và “cần phải kiện toàn ở các cấp, các ngành cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ”.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành thể thao, ngoài niềm tự hào, vinh dự lớn lao, những người làm thể thao còn nhiều trăn trở về bộ máy tổ chức quản lý của ngành.
Ngành thể thao được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất
Sáng qua (27/03), ngành thể thao đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng.
Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thể thao đã luôn đồng hành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, và là một trong những ngành đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, hội nhập đất nước. Từ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với những đối tượng, địa bàn cụ thể, hiện tại cả nước đã có 28,3% số người và 20,1 & số gia đình tập thể dục thể thao thường xuyên.
Thể thao thành tích cao Việt Nam đã giữ vững thành tích, vị thế trong Top 3 khu vực Đông Nam Á, đạt tới trình độ hàng đầu châu lục ở nhiều môn, và tiếp cận đỉnh cao thế giới ở một số nội dung, mà nổi bật là 2 tấm HCB tại 2 kỳ Olympic 2000 và 2008.
“Ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời ký sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương. Sau cuộc tổng tuyển cử, ngày 27/03/1946, Bác lại thay mặt Chính phủ mới ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập một Nha Thanh niên và Thể dục, gồm Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục trung ương trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh này có mục đích chủ yếu là để chuyển đổi về tổ chức, hợp nhất cơ quan thanh niên với cơ quan thể dục. Chúng tôi mong mỏi, Đảng, Nhà nước, Quốc hội xem xét kiện toàn, điều chỉnh lại bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước như sắc lệnh Bác Hồ đã ký từ 1946 để TDTT có điều kiện phát triển mạnh mẽ”. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh