Theo nghiên cứu mà Tập san y học thể thao của Anh là Journal of Sports Medicine công bố, có khoảng 490 VĐV, trong đó có 13 người giành huy chương, có lẽ đã sử dụng meldonium, một loại thuốc đã khiến cây vợt của Nga có dương tính với chất kích thích, tại Đại hội thể thao châu Âu ở Baku, Azerbaijan hồi năm ngoái.
Mặc dù meldonium mới chỉ được Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh sách các chất cấm từ ngày 1/1/2016, phải nói rằng, nghiên cứu mà Journal of Sports Medicine tiến hành theo yêu cầu của Uỷ ban Olympic châu Âu (EOC) đã góp phần đưa đến quyết định của WADA.
Và con số mà Journal of Sports Medicine đưa ra dựa trên thông tin mà họ thu được từ các VĐV, đội ngũ y tế cũng như những cuộc kiểm tra doping được tiến hành tại Đại hội thể thao châu Âu vào tháng 6 năm ngoái.
Điều đáng nói là có đến 13 VĐV giành huy chương bị phát hiện có sử dụng meldonium và số môn thể thao có VĐV dùng meldonium là 15 trong số 21 môn. Bên cạnh đó, Đại hội thể thao châu Âu cũng là nơi xác định một số suất giành quyền tham dự Olympic Rio sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.
Sau cùng thì như truyền thông Nga khẳng định, Sharapova không phải là VĐV duy nhất của nước này có dương tính với meldonium. Theo hãng thông tấn TASS cho biết, VĐV bóng chuyền Alexander Markin, nhà vô địch trượt băng tốc độ Pavel Kulizhnikov và VĐV điền kinh ở đường chạy ngắn vô địch Olympic là Semen Yelistratov cũng có kết quả có dương tính với meldonium.
Trong khi đó, ở châu Âu và thế giới, một số VĐV bị phát hiện sử dụng meldonium không phải là ít. Một số trường hợp có thể kể ra ở đây có Abeba Aregawi, VĐV người Thụy Điển gốc Ethiopia từng vô địch đường chạy 1.500m vào năm 2013, các VĐV 3 môn phối hợp của Ukraine là Olga Abramova và Artem Tychtchenko, VĐV marathon của Ethiopia là Endeshaw Negesse và 6 đô vật người Georgia.
Về trường hợp của Sharapova, cây vợt từng 5 lần giành các danh hiệu Grand Slam cho biết, cô sử dụng meldonium trong 10 năm qua để điều trị một số triệu chứng như mệt mỏi và tiền sử bệnh tiểu đường của gia đình…
Ngoài ra, meldonium cũng được sử dụng để điều trị các bệnh tim mạch, trong đó có chứng đau thắt ngực. Tuy nhiên, như WADA giải thích, việc họ đưa meldonium vào danh sách các chất cấm là vì có bằng chứng cho thấy VĐV sử dụng loại thuốc này nhằm mục đích kích thích.