Nếu có mặt tại bãi biển Tuần Châu theo dõi bộ môn đầu tiên thi đấu tại SEA Games 31, NHM chắc hẳn rất ấn tượng với cầu thủ số 10 của đội tuyển bóng ném bãi biển Viêt Nam - La Văn Lớn. Ngay từ cái tên, tới vóc dáng mạnh mẽ, khuôn mặt nam tính và khả năng ghi bàn xuất sắc, tất cả khiến chàng trai người Khmer trở thành tâm điểm trên sân đấu.
La Văn Lớn đến với bộ môn này khá muộn, phải đến khi trở thành sinh viên chàng trai sinh năm 1994 mới quyết định tập luyện và gắn bó với bóng ném bãi biển. Được sự tư vấn của các thầy trong trường Thể dục thể thao Kiên Giang, Lớn quyết định chơi thử, đam mê, để rồi gắn bó với bộ môn này.
"HLV nói mình có tố chất nên quyết định chơi thử, mình tập luyện và rất nhanh khẳng định được bản thân rồi vô tuyển", số 10 chia sẻ. Thế nhưng 2 chữ "Tố chất" mà HLV nhắc tới đã được La Văn Lớn trôi rèn từ khi còn là một cậu bé, với biết bao nhọc nhằn mưu sinh.
Sinh ra tại Hà Tiên, Kiên Giang, mảnh đất có rất nhiều tiềm năng phát triển nhờ những bãi biển hoang sơ trải dài, cùng cửa khẩu Hà Tiên giúp thông thương phát triển kinh tế, du lịch. Nhưng đối với cậu bé La Văn Lớn khi ấy giấc mơ chỉ đơn giản là kiếm đủ bữa ăn.
Ngoài giờ học văn hóa, cậu bé người Khmer luôn phải tranh thủ lao động để giúp đỡ gia đình: "Nói chung là làm ruộng, vừa đi biển, vừa đi núi, hồi nhỏ cuộc sống vất vả lắm, nhưng cũng nhờ cái vất vả ấy mới giúp cho mình có được như hiện tại".
Vất vả lao động từ khi còn là một cậu bé giúp La Văn Lớn sở hữu một thân hình hoạt bát, khỏe mạnh, cùng với tình yêu đặc biệt dành cho biển khiến chàng trai sinh năm 1994 quyết định gắn bó với môn thể thao đặc thù này.
"Mình cũng tập luyện và chơi tốt bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bơi... môn nào mình cũng chơi tốt nhưng đam mê nhất là bóng ném bãi biển và quyết định gắn bó với nó, cứ thế quyết tâm theo đuổi nó đến cùng cho tới ngày hôm nay", La Văn Lớn tâm sự.
Việc trôi rèn thể trạng từ khi còn là một cậu bé giúp chàng trai người Khmer theo đuổi đam mê một cách nhanh chóng, khó khăn lớn nhất với Lớn chỉ là mức thu nhập do bóng ném bãi biển không thực sự được quan tâm.
Khi mới chơi bóng ném chuyên nghiệp mức thu nhập của Lớn và các đồng đội chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng, sau nhiều năm được tăng lên thành 5 triệu. Con số đó rõ ràng rất hạn hẹp, nhất là trong điều kiện nhiều VĐV còn phải gửi tiền về hỗ trợ gia đình.
Thế nhưng những nỗ lực của bóng ném bãi biển Việt Nam nói chung và những người trong cuộc nói riêng đã được đền đáp, sau chiến thắng vô cùng kịch tính trước Thái Lan và giành tấm HCV SEA Games 30, mức thu nhập của các VĐV dần được quan tâm, con số tiền lương trên dưới 10 triệu đồng như hiện tại dù chưa hẳn là cao nhưng cũng như một giấc mơ với những người trong cuộc.
Sau khi giải đấu tại Philippines kết thúc, những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động của bóng ném bãi biển cũng như các môn thể thao khác gần như đóng băng. Tuy nhiên trước thềm SEA Games 31, La Văn Lớn và các đồng đội vẫn có sự chuẩn bị ấn tượng khi mang về tấm huy chương Đồng tại giải bóng ném bãi biển vô địch châu Á diễn ra ở Iran.
Tại SEA Games lần này, mục tiêu của Lớn cũng như đội tuyển bóng ném bãi biển Việt Nam không gì khác ngoài bảo vệ tấm huy chương Vàng. Thực tế cầu thủ mang áo số 10 đã đi được một nửa chặng đường với 3 trận toàn thắng cùng rất nhiều lợi thế về mặt chỉ số.
Giấc mơ Vàng SEA Games đã từng đạt được, nhưng việc bảo vệ nó ngay trên sân nhà, giữa hàng ngàn khán giả Tuần Châu chính là hạnh phúc, sự tự hào không thể đong đếm của chàng trai người Khmer - La Văn Lớn.