U23 Việt Nam: Sau “Everest” là gì?

thứ hai 29-1-2018 1:27:37 +07:00 0 bình luận
U23 Việt Nam và chiếc huy chương bạc tại Giải U23 châu Á 2018 được ví với việc chinh phục “nóc nhà thế giới” Everest. Đó phải chăng là giới hạn của họ?

U23 Việt Nam và vị trí Á quân tại Giải U23 châu Á 2018 được ví với việc chinh phục “nóc nhà thế giới” Everest. Đó phải chăng là giới hạn của họ?

>>> Chuyện về những người "cướp" giờ làm để cổ vũ U23 Việt Nam

>>> U23 Việt Nam được Thủ tướng khen ngợi và trao bằng khen

”Trước khi nhân loại tìm ra đỉnh Everest thì nơi nào cao nhất thế giới?”. Đó là câu hỏi mẹo thú vị mà mọi người thỉnh thoảng vẫn đùa nhau để lấy lại những tràng cười sảng khoái. Câu hỏi nhưng cũng đi đến một kết quả mặc định rằng Everest là “nóc nhà thế giới”, không thể có nơi nào cao hơn trên Trái đất này.

Duy Mạnh cắm cờ xuống nền tuyết trắng xóa rồi cúi đầu chào ở SVĐ Changzhou Olympic Sport Center. Nguồn: VTV.

Tối 27/1, hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ Tổ quốc xuống nền tuyết trắng xóa rồi cúi đầu chào khơi gợi lòng tự hào sâu sắc. Nổi bật lên có quan điểm cho rằng hành động ấy cảm xúc chẳng kém gì việc cắm cờ Việt Nam lên đỉnh Everest. Vậy theo tỷ lệ thuận, nếu tương lai U23 Việt Nam vô địch VCK U23 châu Á, Việt Nam lọt vào World Cup thì sẽ so sánh với chinh phục điều gì đây?

Người hâm mộ vẫn sẽ còn ăn mừng lâu, báo chí và truyền thông vẫn sẽ tiếp tục có những tác phẩm khi dư âm của thành quả còn nóng bỏng. Còn các cầu thủ, họ sẽ sớm tỉnh giấc để bắt đầu cho những cuộc chinh phục mới. Người sẽ lấy việc giành một suất đá chính ở CLB làm động lực, người sẽ chọn chinh phục V.League và cũng có người sẽ hướng tới ASIAD hay AFF Cup làm mục tiêu.

Thành tích tại Thường Châu của đội tuyển U23 một lần nữa có thể khởi động lại chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam. Năm 1998 là huy chương bạc Tiger Cup, 10 năm sau là chức vô địch AFF Cup và giờ là Á quân U23 châu Á. 10 năm cho mỗi lần được trải nghiệm những cảm xúc khó tả nhưng xen giữa 3 thời điểm ấy là những khoảng lặng của bóng đá Việt Nam.

Sau Tiger Cup 1998, chúng ta có thêm một lứa cầu thủ đầy tài năng nhưng lại đi vào con đường bán độ. Sau AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam không có thêm những thành tích ấn tượng ở khu vực, trong khi đó, các giải bóng đá chuyên nghiệp ì ạch tiến lên. Cái bóng của thành tích quá lớn hay nền bóng đá đang nghỉ ngơi quá lâu sau một năm dồn toàn tâm – trí – lực cho một giải đấu?

Bóng đá Việt Nam lên đỉnh AFF Cup vẫn là đỉnh cao duy nhất của bóng đá nước nhà tại khu vực Đông Nam Á.
Bóng đá Việt Nam lên đỉnh AFF Cup vẫn là đỉnh cao duy nhất của bóng đá nước nhà tại khu vực Đông Nam Á.

Sau U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam còn một loạt những giải đấu lớn khác, thậm chí sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều. Đó là ASIAD, là U19 châu Á, cuối năm là AFF Cup và đâu đó là câu hỏi V.League năm nay liệu có khác với các năm trước đây?

VCK U23 châu Á 2018 mới là khởi đầu cho hành trình trong năm 2018 của bóng đá Việt Nam. Một màn khởi động đầy ấn tượng để bắt đầu cho những cuộc vượt chướng ngại vật tiếp theo và đi đến chặng cuối cùng.

Ngày U23 Việt Nam đá trận chung kết trùng với ngày huyền thoại làng quần vợt Roger Federer thi đấu trận chung kết Grand Slam lần thứ 30 trong sự nghiệp tại Australia Open. “Tàu tốc hành” người Thụy Sỹ chiến thắng, đưa thêm vào tủ trưng bày danh hiệu vô địch Grand Slam lần thứ 20 sau đúng 20 năm kể từ ngày anh bắt đầu sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp.

Ở tuổi 36, Roger Federer vẫn bền bỉ đi chinh phục. Người ta nhìn thấy một VĐV đã là huyền thoại vẫn bật khóc sau khi đăng quang như lần đầu giành Grand Slam ở Wimbledon năm 2003. Với Federer, thể thao là vượt qua những giới hạn của quá khứ, là vượt qua cái dớp trên mặt sân đất nện khi vô địch Giải Pháp mở rộng năm 2009, là vượt qua kỷ lục về số lần vô địch Grand Slam của một huyền thoại khác là Pete Sampras. Và anh vẫn khóc vì hạnh phúc như lần đầu tiên.

Ở tuổi 36, FedX vẫn khóc sau khi chiến thắng Marin Cilic tại chung kết Australia Open để đem về Grand Slam thứ 20 trong sự nghiệp. Hình ảnh: AFC/Getty Images.
Ở tuổi 36, FedX vẫn khóc sau khi chiến thắng Marin Cilic tại chung kết Australia Open để đem về Grand Slam thứ 20 trong sự nghiệp. Ảnh: AFC/Getty Images.

Roger Federer hay Cristiano Ronaldo là những  tấm gương sống về sự bền bỉ, về sự duy trì một trạng thái tâm lý khao khát chinh phục trong thời gian dài, vượt qua những kỷ lục của bản thân và tiền nhân. Họ là tấm gương cho các VĐV thể thao nói chung trong đó có các cầu thủ U23 Việt Nam.

Trong men say của chiến tích và dòng người hâm mộ bủa vây từ sân bay Nội Bài về đến trung tâm thủ đô, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam cho rằng đây là khoảnh khắc họ sẽ không được gặp lại trong đời. Điều ấy vô tình phủ nhận đi việc họ có thể tạo nên những đỉnh cao mới trong tương lai. Cũng thật khó trách các cầu thủ trẻ với con tim mang đầy mơ mộng nhưng vẫn có những người đủ sự bình tĩnh và lý trí để đưa ra mục tiêu tiếp theo như đội trưởng Lương Xuân Trường.

“Trong năm 2018, bóng đá Việt Nam sẽ tham dự AFF Cup. Chúng tôi sẽ cố gắng để lên ngôi ở giải đấu này”, Xuân Trường chia sẻ với trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về mục tiêu tiếp theo của anh và các đồng đội.

Hạng nhì U23 châu lục là cột mốc hạnh phúc nhưng cũng là quả tên lửa thúc đẩy các cầu thủ có mặt trong đội hình tăng gấp đội việc tập luyện để ngày một hay hơn. Bên cạnh những sự đồng cảm, những nguồn động lực giúp U23 Việt Nam leo lên đến đỉnh Everest cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến họ rơi từ đỉnh xuống độ cao dưới mực nước biển.

Các cầu thủ U23 Việt Nam còn rất nhiều giấc mơ để chinh phục sau huy chương bạc U23 châu Á 2018. Hình ảnh: VCG.
Các cầu thủ U23 Việt Nam còn rất nhiều giấc mơ để chinh phục sau huy chương bạc U23 châu Á 2018. Ảnh: VCG.

Những ngôi sao ở đội tuyển U23 có lẽ hiểu rằng họ đang ở đâu tại V.League, tại đội tuyển quốc gia. Đó tiếp tục là một hành trình dài. Họ cũng hiểu rằng, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nơi hội tụ của những cá nhân tinh túy nhất của một đất nước hoàn toàn có thể hóa giải triết lý Mr. “Park the bus”. Còn rất nhiều mục tiêu mà đàn anh đã bỏ lỡ chờ họ chinh phục.

Những chàng trai U23 Việt Nam 2018 cần nghỉ ngơi sau một hành trình với một chuỗi những trận khổ chiến nhưng mong rằng không có bất cứ ai ngủ quên. Còn với bóng đá Việt Nam, giai đoạn hậu 1998, 2008 mong rằng sẽ không tái hiện một lần nữa.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm