"Tôi không sợ đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử", tuyên bố của Alexander Đại đế có thể là gợi ý cho HLV Park Hang Seo trước trận U23 Việt Nam - U23 Iraq.
1. Ngày 1/10/331 trước Công nguyên, trận đánh lớn nhất trong cuộc chinh phục đế quốc Ba Tư của Alexander Đại đế đã diễn ra. Mặc dù các nguồn tin không thống nhất, có thể khẳng định rằng quân số của Alexander kém xa so với lực lượng do Hoàng đế Darius III chỉ huy.
Phía liên quân Hy Lạp có 47.000 người, bao gồm 7.000 kỵ binh và 9.000 lính phóng lao. Bên Ba Tư có lượng kỵ binh lớn gấp đôi hoặc có thể là gấp 5 lần, số lính phóng lao và bộ binh cũng đông hơn. Ngoài ra quân Ba Tư còn có 15 thớt voi chiến mà theo Darius thì sẽ khiến quân Hy Lạp thất điên bát đảo vì vóc dáng khổng lồ và sức mạnh khủng khiếp của chúng.
Dựa vào ưu thế về quân số, Darius dàn quân theo thế trận bậc thang, chia làm 3 tuyến và có hình chữ nhật. Chiều ngang (chính diện) của đội hình quân Ba Tư có vẻ quá lớn so với chiều dọc, tuy nhiên Darius tự tin rằng phía Hy Lạp có quá ít nhân sự để có thể giành phần thắng.
Về phần mình, Alexander cũng nhận thức rõ bất lợi về lực lượng. Sau một hồi nghiên cứu, ông quyết định áp dụng đội hình nghiêng được sáng tạo bởi danh tướng người Thebes là Epaminondas.
Bỏ qua chiến thuật dàn hàng ngang truyền thống của người Hy Lạp, Alexander tập trung quân số vào hai cánh. Một cánh bao gồm những chiến binh tinh nhuệ nhất đảm nhận nhiệm vụ tối quan trọng là tấn công để phá vỡ đội hình Ba Tư. Cánh còn lại với quân số ít hơn, được trang bị kém hơn sẽ cố gắng phòng ngự, cầm chân đối thủ.
Kết quả của trận chiến khiến người ta sốc nặng. Trong khi quân Hy Lạp chỉ tổn thất vài trăm người, phe Ba Tư tử vong khoảng 4 vạn. Đám voi chiến của Darius cũng bị giết hoặc bị bắt sống. Darius kịp chạy thoát, nhưng thất bại này đã khiến vương triều của ông lung lay và sụp đổ.
2. Trong trận đấu với hậu duệ của người Ba Tư tại tứ kết U23 châu Á 2018, HLV Park Hang Seo cũng gặp phải bài toán hóc búa mà ngày xưa Alexander Đại đế từng đối diện. Xét về mọi khía cạnh như thể hình, thể trạng, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm tham dự các giải đấu lớn, đội quân dưới quyền ông Park đều thua U23 Iraq.
Căn cứ vào kết quả các màn tỷ thí với U23 Australia và U23 Syria, ông Park hoàn toàn có thể áp dụng chiến thuật phòng ngự chủ động khi U23 Việt Nam gặp U23 Iraq. Tuy nhiên, cách làm ấy không bảo đảm rằng U23 Việt Nam sẽ giành thắng lợi. Bởi U23 Iraq chắc chắn đã rút ra được nhiều bài học từ thất bại của người Australia và cả Syria.
Táo bạo, bất ngờ, quyết đoán và tấn công một cánh, phòng thủ một cánh. Đó là những nguyên nhân giúp Alexander Đại đế đánh bại Darius III. Vậy tại sao U23 Việt Nam lại không nên thi triển sách lược tương tự? Theo thống kê, U23 Iraq cũng rất thích tấn công biên, đặc biệt bên phía cánh trái. Ở trận thắng U23 Jordan 1-0, có tới 44,8% các pha lên bóng của U23 Iraq diễn ra bên hành lang do bộ đôi Bayesh và Hamzah Adnan quán xuyến.
Không muốn phải giơ ngực chống đỡ sức tấn công khủng khiếp của cánh trái U23 Iraq, các cầu thủ bên cánh phải của chúng ta có thể tương kế tựu kế tấn công ngược lại họ. Với sự cơ động của Văn Thanh và sự khéo léo của Công Phượng, cộng với sự hỗ trợ của Xuân Trường hoặc Đức Chinh, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể khiến U23 Iraq chuyển từ tự tin sang hoảng loạn vì bị mất một cánh.
Khi U23 Iraq vỡ trận, cánh còn lại của Văn Hậu và Quang Hải sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều. Thay vì chỉ phòng ngự, Hậu và Hải có thể rảnh chân để dâng cao tấn công, góp phần đây nhanh thất bại của quân đoàn Ba Tư do tướng Abdul-Ghani Shahad dẫn đầu.
Có được một ngày làm việc hiệu quả và thêm chút may mắn, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra thêm một cú sốc nữa tại U23 châu Á 2018. Vấn đề cuối cùng: Nếu các học trò bị đối phương xem như một bầy cừu, liệu ông Park Hang Seo có sẵn sàng trở thành một con sư tử?