Hai năm đến với SHB Đà Nẵng chưa được “hít thở” không khí V.League và tấm vé đến với U23 Việt Nam ngỡ như giấc mơ của Đặng Ngọc Tuấn.
Chiếc xe đạp lộc cộc và khoản tiền ít ỏi phụ ba mẹ
Trong gia đình không ai theo nghiệp bóng đá nhưng với Đặng Ngọc Tuấn, trái bóng tròn tựa là “người bạn” bất cứ lúc nào không hay. Ngay khi còn là cậu học sinh nhỏ thó cấp tiểu học, cứ mỗi lần đi học về, Tuấn lại quăng chiếc cặp ở một góc rồi nhanh nhẩu chạy theo đàn anh trong xóm vui đùa với trái bóng tròn.
Cứ nghĩ đó chỉ là trò chơi và chơi cho vui nhưng rồi bản năng trỗi dậy, Tuấn được chọn vào các đội bóng của trường, huyện rồi tỉnh. Năm lên 11 tuổi, Tuấn là thành viên của U11 An Giang tham dự giải Nhi đồng toàn quốc.
Ấy vậy, trong tiềm thức, Tuấn chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ theo bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ đến khi, một lần với chiếc xe đạp lộc cộc trên trường trở về nhà, Tuấn bỗng tạt ngang qua sân vận động An Giang. Thấy các anh tập hăng say, áo quần chỉnh tề ở một sân bóng lớn, trong đầu Tuấn trộm nghĩ: “Ước gì mình được như các anh ấy”.
Thế là, suốt ròng rã mấy năm trời, nhà cách sân 2km, tuần nào, Tuấn cùng chiếc xe đạp dành ít nhất 2 buổi, rong ruổi từ nhà đến trường rồi từ trường về sân An Giang chỉ để theo dõi các đàn anh tập luyện.
Năm lên 14 tuổi, thấy đội An Giang có tuyển sinh lớp U15, Tuấn liền về xin ba mẹ để đi dự tuyển. Vẫn một mình trên chiếc xe đạp lộc cộc đó, Tuấn đã xây nên ước mơ cho mình.
Gia cảnh không khấm khá gì nên việc theo tập luyện ở đội trẻ An Giang đỡ đần gia đình một miệng ăn. Biết hoàn cảnh nên mỗi khi nhận được lương, với số tiền không quá lớn, Tuấn tích cóp một khoản phụ bố mẹ thuốc thang bởi các bậc sinh thành đều lớn tuổi và hay đau ốm, chỉ giữ riêng một ít để sử dụng vào việc cá nhân. Không chỉ theo đuổi được đam mê mà bóng đá giúp gia đình Tuấn trang trải cuộc sống, vượt qua những khó khăn thuở ban đầu.
Bước ngoặt lên chuyên
Chỉ vào tập ở An Giang một vài năm thì đội bóng giải thể, nhà tài trợ không còn gắn bó. Bóng đá xứ Tây đô chỉ còn là cái danh khi đội 1 giải tán còn duy trì các đội trẻ khá lay lắt. Thế nhưng, càng khó khăn, Tuấn luôn tự nhủ cần phải phấn đấu.
“Xuất phát điểm từ gia đình không khấm khá gì nên khó khăn luôn là điều mà tôi hay gặp phải. Thế nên, cho dù An Giang đã giải thể song tôi luôn tâm niệm, cần phải cố gắng cống hiến, tập luyện vì bản thân và vì chính đội bóng”, Tuấn nhớ lại.
Không từ bỏ giấc mơ, thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất hay chế độ tập luyện ở An Giang còn hạn chế nhưng Tuấn cùng đồng đội và các thầy nỗ lực tập luyện, thi đấu để chờ cơ hội.
May mắn thay, sau khi giành danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất U21 QG 2015, cái tên Đặng Ngọc Tuấn đã được nhiều đội bóng để ý. Ngay lập tức, SHB Đà Nẵng nhanh chóng vào cuộc để đưa thủ thành người An Giang về sân Chi Lăng.
Ở một đội bóng có tính chuyên nghiệp hơn, Tuấn được tập luyện với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Tuy không bắt trận đấu nào ở hai mùa V.League vừa qua nhưng với nền tảng từ các giải đấu trẻ cùng sự tập luyện chăm chỉ, Tuấn đã được gọi lên đội hình sơ bộ tập trung cho giải giao hữu M150 Cup ở Thái Lan.
Đến chính bản thân của Tuấn cũng bất ngờ đến khó tin. “Lúc đó, tôi đang đi chơi về, bỗng dưng lên mạng lướt web thì thấy tên mình ở danh sách sơ bộ. Cảm giác như sượng sống lưng, không tin vào mắt mình. Chỉ khi nhận được quá nhiều lời chúc của gia đình, bạn bè thì tôi mới dám tin đó là sự thật”, Tuấn kể.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là chặng đường ban đầu. Nắm bắt được thời cơ, Tuấn tập luyện chuyên nghiệp và thể hiện năng lực của mình ở đợt tập trung vừa rồi. Và tấm vé cùng U23 Việt Nam sang Thái Lan là cái kết ngọt ngào cho cả quá trình phấn đấu của thủ thành gốc An Giang này.