Bị trả về vì “dậy thì muộn” nhưng tình cờ, trong một lần hội ngộ đồng đội cũ ở Quân khu IV, Phạm Văn Cường được HLV Vũ Quang Bảo chấm. Từ đó, cuộc đợi rẽ ngang.
Suýt thành Việt kiều
Tốt nghiệp cấp 3, Phạm Văn Cường dự định xuất khẩu lao động sang Nga. Tuy nhiên, như một định mệnh, bóng đá níu kéo thủ thành gốc Nghệ An ở lại quê nhà. Từ đó, bước ngoặt mở ra. Đó là cả hành trình dài đầy rẫy những cung bậc cảm xúc.
Hưng Nguyên (Nghệ An) được biết đến là “cái nôi” của bóng đá. Bất kể đứa trẻ nào cũng có tố chất trong mình. Cường cũng vậy. Ấy vậy, chàng trai sinh năm 1990 này chỉ lấy bóng đá làm niềm vui, thú tiêu khiển sau giờ học bởi lẽ, với “cậu ấm” của mình, bố Cường muốn anh gắn duyên với nghiệp bóng chuyền, theo con đường của đấng sinh thành.
Cường cũng thổ lộ rằng: “Giấc mơ thuở bé của tôi là đi học để trở thành giáo viên dạy thể dục”. Tình cờ thay, năm 2005, trong một lần xem tivi, bố Cường biết được tin Quân khu IV tuyển sinh. Thế là, hai cha con tay xác nách mang chạy xe xuống Vinh để ứng tuyển.
Với tài năng đã được kiểm chứng thông qua các giải đấu cấp xã, huyện, Cường được chọn. “Tôi cũng đam mê bóng đá nhưng chỉ xác định đi thi tuyển để xem khả năng của mình đến đâu chứ không đặt nặng chuyện sẽ theo nghiệp bóng đá. Bố hướng cho tôi theo bóng chuyền nhưng cả bố mẹ đều bảo rằng, sẽ ủng hộ tuyệt đối con đường mà tôi chọn. Thế là, với tâm thế thoải mái thi cử, tôi đã đậu vào lứa U15 của Quân khu IV thời điểm đó”, thủ thành của Quảng Nam nhớ lại.
Ngay cả khi trúng tuyển rồi, gia đình vẫn xác định, “theo nghề thì hãy cố gắng hết mình. Nếu được thì quá tốt còn không được thì phải chấp nhận”. Bố Cường cũng dự tính về tương lai khó cho con mình bởi thời điểm đó, Cường nhỏ thó. Những dự cảm đó trở thành sự thật khi 2 năm sau, chàng trai sinh năm 1990 này bị loại vì thể hình quá nhỏ bé.
Trở lại với cuộc sống thường ngày, Cường đi học và tốt nghiệp cấp 3. Bấy giờ, có người thân đang đi xuất khẩu lao động tại Nga. Cường có dự định sang theo. Nghĩ mình sẽ đi Nga nên một ngày nọ, Cường xuống Quân khu IV để chào tạm biệt đồng đội cũ. Tình cờ thay, Cường gặp HLV Vũ Quang Bảo. Thời điểm đó, Cường có thể hình vượt trội. Chỉ từ lớp 10 đến lớp 12, Cường cao thêm tới hơn 10cm. Nghe câu chuyện của chàng trai sinh năm 1990 này, HLV Vũ Quang Bảo liền gọi lại. Và từ đó, cuộc phiêu lưu của Phạm Văn Cường bước sang một trang mới.
Hành trình của sự khẳng định
Sau gần 1 năm “dùi mài kinh sử” ở đội trẻ Quân khu IV, kết thúc giai đoạn 1 của V.League 2009, Phạm Văn Cường được đôn lên đội 1. Cảm giác đó sống sượng cả lưng vì vui sướng. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau V.League 2009, Quân khu IV giải tán và được chuyển giao cho Navibank Sài Gòn.
Ở một tập thể đầy rẫy ngôi sao, Phạm Văn Cường không thể có chỗ đứng. Anh được cho đi mượn khắp nơi, thậm chí bắt cho cả đội hạng Ba Megastar United. Ba mùa giải chỉ mang phận “người thừa” ở Navibank Sài Gòn và khi đội bóng giải tán, Cường phải “gõ cửa” các đội bóng để tiếp tục với nghiệp quần đùi áo số. Cuối cùng, số phận vẫn mỉm cười với thủ thành sinh năm 1990 này. Anh được Bình Định chấp thuận. Tại đây, Cường trở thành thủ thành số 1 của đội bóng đất Võ.
Cũng ở thời điểm đó, Cường có dịp đối đầu với đội bóng của HLV Vũ Quang Bảo ở hạng Nhất. Nhận thấy tài năng của học trò, sau khi Quảng Nam lên hạng ở mùa giải 2013, Cường có cơ hội thử sức ở V.League.
Ngay tại trận đấu đầu tiên Cường tham dự V.League 2014, anh được bắt chính và góp công vào chiến thắng của đội nhà trước XSKT Cần Thơ. “Lần đầu tiên được bắt chính ở V.League nó khó tả lắm, hồi hộp lắm. Vui mừng thay khi kết thúc trận đấu, đội nhà lại giành chiến thắng”, Phạm Văn Cường bày tỏ.
Thế nhưng, Cường vẫn chỉ là sự lựa chọn số 2 và 3 của Quảng Nam ở hai mùa giải đó. Chỉ ở mùa giải vừa rồi, Phạm Văn Cường mới trở thành người gác đền số 1 của đội chủ sân Tam Kỳ. “Cũng như bao đồng nghiệp khác, tôi chỉ cố gắng tập luyện, tập luyện hơn nữa và mong chờ cơ hội đến”, Cường chia sẻ khi được thường xuyên bắt chính ở V.League.
Tài năng dần được khẳng định. Như một phép màu, Cường được HLV Park Hang Seo gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia ở vòng loại Asian Cup 2019. “Cảm giác vui sướng đến khó tả. Tâm nguyện của tôi khi theo sự nghiệp bóng banh là được lên phục vụ đội tuyển quốc gia.
Cố gắng tập luyện để một ngày nào đó giấc mơ thành sự thật. Giờ đây, đó không còn là giấc mơ nữa. Bố mẹ, gia đình vui mừng khôn tả khi nghe tin này và đó là sự tưởng thưởng cho những gì mà bố mẹ luôn vững tin ở tôi”, Phạm Văn Cường giãi lòng khi lần đầu tiên được gọi tập trung ĐTQG.