Tấm vé World Cup và cú “lobby” bạc tỷ: ĐTQG hay chuyện riêng nhà bầu Tú (kỳ 2)?

thứ năm 11-8-2016 16:01:41 +07:00 0 bình luận
Một môn chơi mang tính chất phong trào, nhưng lại đang tiêu tốn hàng tỷ đồng trong ngân quỹ đầu tư cho bóng đá.

Nhìn vào Đội tuyển và giải Vô địch quốc gia futsal, dễ thấy một tay ông Trần Anh Tú “ôm” cả. Một môn chơi mang tính chất phong trào, nhưng lại đang tiêu tốn hàng tỉ đồng trong ngân quỹ đầu tư cho bóng đá.

Tấm vé Futsal World Cup và cú “lobby” bạc tỷ: Nấc thang quyền lực (Kỳ 1) 

Một mình một giang sơn

Ngày 21/7 vừa qua, LĐBĐVN (VFF) đã công bố danh sách Tuyển futsal Việt Nam dự World Cup 2016 tại Colombia. Nhìn vào danh sách này, người hâm mộ dễ choáng ngợp với sự áp đảo của Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, 2 đội bóng trong tay ông bầu Trần Anh Tú.

Cụ thể, trong danh sách gồm 29 người thì....23 thuộc hai đội bóng nói trên. Chỉ có 6 người khác, gồm 2 cán bộ từ Trung tâm HLTTQG Hà Nội và 4 cầu thủ là không phải quân của bầu Tú. 

ĐT futsal mừng thành tích lọt vào World Cup 2016. Ảnh: Hải Đăng
ĐT futsal mừng thành tích lọt vào World Cup 2016. Ảnh: Hải Đăng

Tương tự, trong các đợt tập trung trước đó, quân của bầu Tú cũng luôn áp đảo lực lượng ở Đội tuyển futsal quốc gia. Nói không quá, mang danh Đội tuyển quốc gia nhưng thực chất, đây có thể xem là sự bổ sung vào thành phần 2 đội bóng đang trong tay bầu Tú.

Sức mạnh của ông Tú không chỉ thể hiện trên tuyển. Tại giải Vô địch quốc gia, không tính Thái Sơn Bắc thì riêng CLB Thái Sơn Nam đã “làm mưa, làm gió”, biến các đối thủ còn lại thành “quân xanh” chính hiệu.

Kết thúc giải Vô địch quốc gia futsal 2016 vừa qua, Thái Sơn Nam đẩy Sanna Khánh Hoà xuống vị trí thứ 2 để đoạt Cúp vô địch với cách biệt 6 điểm trên bảng xếp hạng. Giải có 8 đội thì chính thức, bầu Tú nắm trong tay 2 đội. 

Chơi phong trào, tốn bạc tỷ

Sau thành tích đoạt vé dự World Cup 2016 tại Colombia, rất nhiều ý kiến “nhắc” ngành thể thao và VFF về quy mô đầu tư cho futsal. Truyền thông vừa ca ngợi bầu Tú, vừa không quên “trách móc” các đơn vị trên đã kém quan tâm tới futsal. Trong cơn phấn khích, báo chí đã quên bẵng mất dăm chuyện.

Futsal đã và sẽ nằm ngoài danh sách đầu tư trọng điểm của ngành thể thao. Tấm vé tới Colombia vào tháng 9 này đã phần nào làm mờ đi một thực tế rằng, futsal tới nay mới chỉ là môn chơi mang đậm tính chất phong trào nếu đặt bên cạnh bóng đá chuyên nghiệp.

“Đầu tiên, phải khẳng định futsal là bóng đá phong trào, khác với bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thành công của đội tuyển futsal Việt Nam rõ ràng có tác động tích cực tới bóng đá nước nhà nói chung, khiến quốc tế biết đến futsal Việt Nam”. Đây là phát biểu của TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh, khi được hỏi về thành tích đoạt vé World Cup của Tuyển futsal. 

Thái Sơn Nam vô địch vô địch giải futsal TP.HCM mở rộng. Ảnh: Hải Đăng
Thái Sơn Nam vô địch vô địch giải futsal TP.HCM mở rộng. Ảnh: Hải Đăng

Ông Nguyễn Hồng Thanh đã nói vừa đủ, đúng và công tâm!

Trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á và ngay cả ở Việt Nam, do tính chất phong trào, futsal nhận được rất ít sự quan tâm của công chúng. Một minh chứng là cho đến trước khi Việt Nam đánh bại Nhật Bản tại tứ kết, rất ít người, bao gồm cả giới truyền thông đưa tin về futsal, nắm được luật thi đấu luân lưu của môn này.

Hẳn cũng rất ít khán giả chịu khó theo dõi 1 trận đấu của Tuyển futsal Việt Nam tại các kỳ SEA Games, nắm rõ thành tích của đội các giải gần đây. Chuyện các ngôi sao thế giới, sau khi giải nghệ đã tham gia đá futsal “cho vui”, hay "làm kinh tế" như Ryan Giggs, Paul Scholes, Ronaldinho ở giải Ngoại hạng futsal Ấn Độ mới đây không phải hiếm.

Sau niềm vui World Cup, công chúng Việt Nam lại trở về thói quen hờ hững với futsal như trước, thể hiện rõ qua sự thiếu vắng khán giả đến èo uột ở giải VĐQG vừa diễn ra.

Báo chí còn “quên” cả những chuyện khác, mà vì nó ngành thể thao và VFF có thể sẽ phải chịu tiếng oan. Vì mải “đánh bóng” tên tuổi của ông bầu Trần Anh Tú, giới truyền thông tô đậm đầu tư của ông Tú cho futsal, mà không nhớ rằng khi tham dự VCK châu Á 2016, tuyển futsal phải dùng cả tiền ngân sách.

Theo một quan chức Vụ Tài chính (Tổng cục TDTT), về nguyên tắc các đội tuyển quốc gia đều phải được Tổng cục lo, theo các mức độ khác nhau. “Môn futsal được xã hội hoá nhiều, nhưng khi giành quyền vào sâu giải quốc tế, nguồn xã hội hoá hết thì Tổng cục TDTT cũng phải hỗ trợ một phần”, vị này cho biết.

Dù thế nào thì sau chiếc vé World Cup, dưới sức ép của truyền thông và dư luận, VFF đã lên hẳn một kế hoạch hoành tráng đầu tư cho Đội tuyển futsal. Một kế hoạch chi tiết chuẩn bị cho World Cup 2016 được vạch ra, với 3 chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài.

Sau Nhật Bản, chuyến trước mắt tới đây sẽ là Tây Ban Nha. Chuyến nào cũng ngốn bạc tỷ mà chắc chắn lúc này, vấn đề tiền bạc bầu Tú đã chẳng phải lo. Tuyển futsal với thành phần chính là hai đội bóng của bầu Tú có thể ung dung được ăn tập, thi đấu ở nước ngoài.

Trong cuộc họp BCH VFF lần thứ 8 vừa diễn ra hôm qua tại TP.HCM, ông Dương Vũ Lâm - Trưởng phòng đại diện VFF phía Nam - đã thẳng thắn nhận định ĐTQG nữ thời gian qua không được quan tâm như ĐT nam. Ông Lâm nói đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Không bất ngờ khi nội bộ làng bóng đã có những lời phàn nàn, khi một môn chơi mang tính chất phong trào nhưng mức độ đầu tư cho các chuyến tập huấn còn quá cả Tuyển bóng đá nữ, vốn chưa bao giờ sung túc.

Hiệu quả đầu tư cũng chưa biết sẽ tới đâu, khi sân chơi World Cup được xác định trước là quá tầm với futsal Việt Nam. "Đội bóng" của bầu Tú gần như khó tránh khỏi cảnh “thi xong xuôi, tất cả lại về”.

Những đóng góp của bầu Tú cho môn futsal là không thể phủ nhận. Chiếc vé World Cup cũng là thành tích đáng tự hào của futsal Việt Nam. Bóng đá Việt Nam rất cần thêm những người có tâm huyết, chịu đầu tư như bầu Tú.

Kể những việc trên chỉ để dư luận có một góc nhìn toàn diện hơn, thay vì bị cuốn theo những tô vẽ quá đà.

Mời độc giả đón đọc kỳ 3 (ngày 13/8): Bầu Tú có thể làm Chủ tịch VFF?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm