HLV người Hàn Quốc vẫn chưa đưa các bài chiến thuật vào các buổi tập của đội tuyển Việt Nam. Thay vào đó, ông cho tập các tình huống cố định, dạy cách di chuyển và sự giao tiếp giữa các vị trí.
Tất cả đều là những vấn đề cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng trong một trận đấu. Nó nằm ngoài yếu tố kỹ thuật, trình độ của cá nhân cầu thủ mà phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm thực chiến và sự tương tác giữa toàn bộ hệ thống.
Ngày làm việc thứ hai của HLV Park Hang-seo (8/11) vẫn bám sát vào những yếu tố cơ bản ấy và yêu cầu toàn đội thực hiện theo.
HLV người Hàn Quốc dành 45 phút để cho các học trò tập tình huống cố định bao gồm đá phạt góc, đá phạt từ hai biên ngoài vòng cấm, đá phạt trực tiếp trước cầu môn. Ông cùng trợ lý Lee Young Jin hướng dẫn chi tiết cách phòng ngự bao gồm vị trí đứng của từng cá nhân, cách di chuyển hợp lý để cản phá. Mọi thứ được lập trình rõ ràng.
Ví dụ, trong một tình huống đá phạt ở biên, những cầu thủ có khả năng chống bóng bổng kém sẽ đứng làm rào chắn. Trong khi đó, bộ tứ vệ và hai tiền vệ trung tâm đứng giăng ngang song song với cầu môn, sẵn sàng cản phá một tình huống treo bóng.
Hay khi thủ môn xếp hàng rào ở một tình huống đá phạt với cự ly 20m chếch bên cách phải, HLV Park yêu cầu thủ môn sắp xếp hàng rào nhanh chóng, những người cao nhất của đội trên sân đứng ở giữa. Cầu thủ đứng ở ngoài cùng bên phải quay mặt về phía thủ môn để nhận tín hiệu di chuyển sang ngang sao cho hợp lý. Trợ lý Lee còn hướng dẫn cách để tay sao cho phù hợp tránh bị thổi phạt đền.
HLV Park và trợ lý Lee thể hiện sự khẩn trương khi liên tục hối thúc còn thủ môn Tiến Dũng và Tuấn Mạnh lại khá bối rối và chưa bắt nhịp kịp với tốc độ làm việc của hai HLV. “Thủ môn nói to lên, hậu vệ hét to lên để đồng đội biết”, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa dịch lại lời của trợ lý Lee Young Jin.
Ở tình huống đá phạt góc, trung vệ luôn đứng gần khu vực 5m50, không được di chuyển quá xa khi kèm cặp đối phương. Một lần tập thử, trung vệ Tiến Dũng bị hút theo tiền đạo ra gần vòng 16m50, trợ lý Lee Young Jin đã phải dừng bóng, nhắc nhở và yêu cầu làm lại.
Đồng thời, ông Park muốn sử dụng những tình huống này làm đòn bẩy cho các pha phản công. Những cầu thủ tốc độ, kỹ thuật như Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải được xếp ở hai biên ngoài vòng cấm. Họ chỉ cần đợi Tiến Dũng hay Tuấn Mạnh ném bóng là sẵn sàng bứt tốc tạo nên một pha phản công.
Đến buổi tập chiều qua (8/11), HLV Park Hang-seo cũng dành phần lớn thời gian cho các cầu thủ tập di chuyển ở sơ đồ 4-2-3-1, cả đội hình sẽ di chuyển về hướng có bóng khi phòng ngự. 30 phút cho bài tập thì đã mất đến gần 25 phút để toàn đội thật sự bắt nhịp.
Hai ngày làm việc đầu tiên với HLV Park Hang-seo, sự bối rối, đôi lúc là khó hiểu đã hiện rõ trên gương mặt các tuyển thủ. Chưa một bài tập chiến thuật cụ thể nào được thực hiện, HLV người Hàn Quốc đang tập trung hướng dẫn những động tác, các tình huống cơ bản thường xuyên diễn ra trong một trận đấu. Một sự khác biệt lớn so với thời HLV Hữu Thắng còn làm việc.
Dưới thời HLV Hữu Thắng, đội tuyển quốc gia và U23 gần như lãng phí các tình huống cố định trong tấn công, khâu phòng ngự lại thể hiện sự non nớt. Tình huống Minh Long để thua trong pha đá phạt gián tiếp trước U23 Thái Lan ở SEA Games 29; Tuấn Linh để Afghanistan gỡ hòa 1-1 ở trận lượt đi sau pha đá phạt góc là những ví dụ.
HLV Park Hang Seo đang muốn thay đổi cách nhìn nhận của các cầu thủ về một trận đấu bóng đá có 90 phút. Khoảng thời gian ấy không chỉ là sự thể hiện của kỹ thuật cá nhân, các bài phối hợp hay khả năng kiểm soát bóng mà còn là câu chuyện của sự tập trung trước các tình huống cố định, các pha bóng phát sinh.
Theo thống kê, một trận đấu trung bình bóng lăn trên sân 65 phút. 25 phút còn lại là những tình huống bóng chết. Chính vì vậy, nắm giữ tốt khoảng thời gian này là cách HLV Park Hang-seo mở đầu cho bài học nhập môn đối với các tuyển thủ quốc gia.