Chứng kiến sự xuất hiện đầy bất ngờ của HLV Sven-Goran Eriksson, nhiều người chợt nhớ rằng bóng đá từng rất được hâm mộ tại Philippines.
Năm 1913, "Azkals" - biệt danh của đội tuyển quốc gia Philippines, dịch sang tiếng Việt là "Những chú chó đường phố" - đã ra mắt trên bình diện quốc tế. Trước Thế chiến I, Philippines cạnh tranh ngang ngửa với các thế lực của châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Thậm chí vào năm 1917, ĐT Philippines nghiền nát Nhật Bản với tỷ số không tưởng 15-2.
Trong trận thắng đậm nhất lịch sử của ĐT Philippines kể trên, Paulino Alcantara Riestra là nhân tố nổi bật nhất. Được gọi ngắn gọn là Alcantara, ngôi sao có biệt danh "Gã điên" này mang hai dòng máu: Tây Ban Nha của bố và Philippines của mẹ.
15 tuổi, Alcantara đã khoác áo đội 1 của Barcelona. Trong trận ra mắt gặp Catala SC, Alcantara lập hat-trick chỉ trong ít phút đầu. Tính đến hết sự nghiệp của mình, cầu thủ vĩ đại nhất châu Á mọi thời đại này ghi 177 bàn sau 200 trận cho Barcelona, chưa kể 6 bàn sau 5 trận cho ĐT Tây Ban Nha và 1 bàn sau 2 trận cho ĐT Philippines.
ĐT Philippines hiện nay cũng có nhiều cầu thủ mang hai dòng máu, ví dụ anh em nhà Younghusband có bố là người Anh và mẹ là người bản xứ. Chỉ có điều, chẳng ai trong số họ bén gót Alcantara về tài chơi bóng.
Cầu thủ "lai Tây" Phil Younghusband của ĐT Philippines
Nhưng kể cả đã từng sinh ra một cầu thủ lỗi lạc như Alcantara, bóng đá Philippines vẫn chẳng thể thắng được bóng rổ và boxing về sự phổ biến trong dân chúng. Bởi đơn giản, bóng đá chỉ kịp bén rễ tại đất nước nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương được chưa đầy 5 năm trước khi bị bóng rổ soán ngôi cho đến tận bây giờ.
Năm 1893, những doanh nhân người Anh đã đến thủ đô của Philippines và lập nên đội bóng đầu tiên mang tên Manila Club. Hành động đó được cổ xúy bởi chính quyền Tây Ban Nha đang cai trị Philippines. Rất nhanh chóng, có thêm 7 đội bóng khác được thành lập để thi đấu trong một giải đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm.
Các đội bóng đang vui phơi phới thì đùng một cái, Mỹ hất cẳng Tây Ban Nha khỏi Philippines. Năm 1898, mọi hoạt động liên quan đến môn thể thao vua đều chấm dứt khi thành viên của các đội bóng - vốn thuộc giới thượng lưu - không thể tiếp tục sinh sống tại Manila.
Với người Mỹ, bóng rổ mới là môn thể thao "quốc dân". Thấp hơn chút nữa là boxing. Bóng đá không có bất kỳ ý nghĩa gì với dân Mỹ vào thời điểm đó. Và không như bóng đá chỉ sống được vài năm, quá trình "bóng rổ hóa" tại Philippines kéo dài hàng thập kỷ.
Đó là lý do mà ngay cả Alcantara cũng chẳng thể hồi sinh bóng đá tại Philippines. Thế thì Sven-Goran Eriksson liệu có chút cơ may nào trong nỗ lực thay đổi "gu" thể thao của người Phi?
Bất luận kết quả cuộc đối đầu với ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018 có thế nào, "Những chú chó đường phố" sẽ còn phải chạy rông rất, rất lâu nữa mà không biết đến bao giờ mới tìm được một mái nhà đích thực thay cho "cái cũi" Panaad bé tí teo.