“Khó khăn đầu tiên là về điều kiện sân bãi. Hiện tại, TP.HCM chỉ có 20% số trường tham gia chương trình bóng đá học đường có thể đáp ứng được về điều kiện sân bãi. Khó khăn thứ hai là không phải thầy giáo nào cũng có kiến thức về bóng đá để dạy cho các em. Thế nên, hằng năm thì Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM luôn quan tâm đến điều kiện sân bãi. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức tập huấn cho các thầy về kiến thức bóng đá.
Hiện tại, Việt Nam muốn phát triển bóng đá học đường thì cần đòi hỏi chiến lược cấp quốc gia. Theo đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải có đề án phát triển bóng đá học đường trên toàn quốc. Hiện tại, các nước trên thế giới đều dựa vào thể thao học đường xây dựng nền tảng…”, ông Xương chia sẻ.
Thực tế, Việt Nam chưa có một đề án cụ thể là nguyên nhân bóng đá học đường không thể phát triển. Và ví dụ thiết thực về sự phát triển bóng đá học đường tại TP.HCM là trường Nguyễn Thị Định, nơi vừa có 3 tài năng trẻ lọt vào đợt tuyển chọn quy mô lớn của Học viện bóng đá NutiFood HA.GL Arsenal JMG. Cũng cần biết thêm, TP.HCM đang là nơi thí điểm đầu tiên trên cả nước về bóng đá học đường.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Minh Xương, sau 2 năm thực hiện chương trình bóng đá học đường, các phụ huynh rất ủng hộ để phát triển sân chơi này. Bởi bóng đá học đường không chỉ đơn thuần giúp BĐVN phát hiện những tài năng sáng giá mà còn giúp các em được vừa học vừa chơi, nhằm phát triển cả thể chất và nhân cách sống, tinh thần làm việc tập thể…
VĂN NHÂN
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú: “Mô hình bóng đá học đường mà TP.HCM đang làm thực chất là áp dụng từ Thái Lan, từ chính những lần tôi công tác tại đây và tìm hiểu cách họ làm bóng đá. So với các nước trong khu vực, Thái Lan làm rất tốt bóng đá học đường. Điều này xuất phát từ việc họ nhận được sự hỗ trợ của nhiều phía, như FIFA, Chính phủ Thái Lan mà cụ thể là cơ quan giáo dục. Do được FIFA hỗ trợ nên họ có chương trình, kế hoạch bài bản. Trong khi với cơ quan giáo dục, chương trình này được hỗ trợ một cách tối đa. Điều này thì ở Việt Nam rất khó, khi không được hỗ trợ bởi Sở Giáo dục & Đào tạo, với những thủ tục rườm rà. Và khi mới bắt tay vào làm chương trình này ở TP.HCM, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì cơ sở vật chất thiếu thốn”.
Ngọc Uyên (ghi)