"Nói về chức vô địch AFF Cup 2018, dĩ nhiên công đầu thuộc về thầy Park rồi! Còn người đầu tiên tôi nghĩ đến sau khi giành danh hiệu này chính là mẹ. Người luôn đồng hành và đứng phía sau ủng hộ mọi quyết định của tôi", tiền vệ của tuyển Việt Nam khẳng định.
ĐT Việt Nam vượt Malaysia, xác lập kỷ lục trên kênh Youtube của AFF Cup
Thôn Đào Lâm (tỉnh Hải Dương) trở nên nhộn nhịp và rộn ràng tiếng cười hơn kể từ ngày Phạm Đức Huy – nhà vô địch AFF Cup 2018 – trở về trong vòng tay của bà con xóm làng. Ngôi nhà của tiền vệ CLB Hà Nội những ngày vừa qua luôn tấp nập dòng người đến chia vui cùng với niềm tự hào của quê hương.
Lượng khách đến chơi rất đông và đếm không xuể. Thậm chí, có những thời điểm Huy "hoàng tử" phải tiếp khách đến khuya và chỉ ngủ 6 tiếng/ngày (không ngủ trưa). Cầu thủ 23 tuổi cảm nhận được tình cảm rất lớn của bà con dành cho mình.
"Từ những giây phút đầu tiên tôi trở về quê, mọi người đón tiếp rất nồng nhiệt. Đặc biệt, những người trong dòng họ đều gửi lời chúc mừng đến tôi. Đó là niềm động viên quá lớn dành cho bản thân. Ở quê ngủ dậy sớm và phải tiếp khách đến tối, nhưng tôi cảm thấy rất vui và tự hào", Đức Huy chia sẻ vào sáng 19/12.
Đức Huy trở về quê trong vòng tay của CĐV. Ảnh: Hiếu Lương.
Mẹ là điểm tựa để Huy "quàng tử" phấn đấu
Để có được chức vô địch AFF Cup 2018 là cả một quá trình dài không ngừng nỗ lực phấn đấu đến từ Đức Huy. Tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam đã vượt qua bao sóng gió, gian khổ chỉ để mài dũa và tôi luyện thêm ý chí cho bản thân. Có những thời điểm, cầu thủ 23 tuổi từng nghĩ đến chuyện bỏ bóng đá.
Thời điểm CLB Hà Nội ACB – nơi tìm kiếm, phát hiện được tài năng của Đức Huy hay Duy Mạnh – giải tán và không có ông chủ nào đứng ra tiếp quản lứa cầu thủ trẻ ấy. Ở độ tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu", Đức Huy đứng trước ngưỡng cửa sớm nói lời chia tay với giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
May thay, bầu Hiển đã nhận lại đội bóng và những "chồi non" được chuyển giao cho CLB Hà Nội. Như mọi người biết, khi sang đội bóng mới, Đức Huy đã phát triển như bây giờ!
"Mỗi lúc khó khăn, tôi thường nghĩ đến chuyện lý do ban đầu tại sao lại chọn con đường bóng đá? Và sau đó tôi nghĩ đến bố mẹ. Theo bóng đá thì phải chấp nhận vất vả. Nhưng nếu bỏ về nhà thì không biết làm gì nữa. Càng khổ hơn. Mà về nhà thì bố mẹ buồn và tôi không muốn điều đó xảy ra", Đức Huy tâm sự.
Đức Huy và bố mẹ. Ảnh: Nhâm Trần.
Chức vô địch AFF Cup đầu tiên trong sự nghiệp của Đức Huy gắn liền với công lao của HLV Park Hang-seo. Điều này được tiền vệ 23 tuổi thừa nhận. Nhưng có một người khác quan trọng không kém thầy Park và đưa Huy đến thành công hiện tại là bà Trần Thị Nhâm – mẹ của Đức Huy.
Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng muốn cho đứa con được học hành đến nơi đến chốn và sau này thành tài. Dĩ nhiên, bố mẹ của Đức Huy cũng vậy. Nhưng vì thương con trai và vì đam mê của "cậu út" trong nhà, bà Nhâm đành chấp nhận cho Huy được theo đuổi nghiệp "quần đùi áo số".
"Người đầu tiên tôi nghĩ đến sau khi giành chức vô địch chính là mẹ. Người luôn đồng hành và đứng phía sau ủng hộ mọi quyết định của tôi", tiền vệ của tuyển Việt Nam khẳng định.
Chưa bao giờ than khổ với gia đình dù chỉ 1 lời!
Huy "hoàng tử" chia tay gia đình ở tuổi 11 để lên tập đội U11 Hải Dương. Thời điểm đó, Đức Huy chơi bóng với Văn Toàn, Văn Anh và Văn Sơn (đang thi đấu cho HAGL), "đàn em" kém tiền vệ này 1 tuổi nhưng đã tập đội trẻ trước 1 năm.
Đức Huy chưa bao giờ "than khổ" với bố mẹ. Ảnh: Phương Anh.
Bước ra nhà từ nhỏ giúp Đức Huy trưởng thành sớm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nhưng nhiều lúc, Huy vẫn cảm thấy bế tắc và muốn về với gia đình.
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Đức Huy hiểu sự đời có thế nào thì ở nhà, mẹ vẫn luôn dang rộng cánh tay để đón chào "cậu út" trở về. Tuy nhiên, Huy đã lớn và tự ý thức được trách nhiệm của bản thân. Chưa bao giờ, Đức Huy than khổ với bà Nhâm và ông Đông (bố Đức Huy) dù chỉ 1 lời.
"Đối với mọi người, khi khó khăn thường nói ra những bức xúc và gánh nặng trong người. Nhưng riêng tôi sẽ không nói ra cho bố mẹ. Bởi khi đã theo bóng đá đến chặn đường này rồi, bản thân mình phải là người tự quyết định. Tôi không muốn bố mẹ phải đau đầu nữa", Đức Huy nhấn mạnh.
Những ngày Đức Huy thi đấu cho đội tuyển U23, tuyển Olympic hay tuyển Quốc gia, căn nhà của Đức Huy luôn đón tiếp đông bà con xóm làng đến xem và cổ vũ cho đội Việt Nam. Mỗi trận đấu như vậy, bà Nhâm thường đem tivi ra ngoài sân vườn, mua nước để chiêu đãi mọi người chung vui.
Đức Huy nâng cao cúp vàng Đông Nam Á năm 2018. Ảnh: Đức Huy.
"Trở về nhà sau chức vô địch, tôi cũng không nói gì nhiều với bố mẹ. Tôi chỉ ôm bố mẹ thôi! Những gì muốn nói với bố mẹ thì sau mỗi trận đấu, tôi đã gọi điện về nhà tâm sự cho họ nghe hết rồi. Trước mỗi trận đấu, bố mẹ thường lên gặp tôi lấy vé chỉ để xua đi nỗi nhớ con trai", Đức Huy nghẹn ngào.
Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Tin rằng trong thâm tâm, bà Nhâm đang vô cùng hạnh phúc và cảm thấy tự hào về những gì mà "cậu út" đã làm.
Theo kế hoạch, Đức Huy được "xả trại" 5 ngày, trước khi hội quân trở lại cùng tuyển Việt Nam vào ngày 20/12 nhằm chuẩn bị cho Asian Cup 2019.
Hướng dẫn cách mua vé và giá vé xem ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019