Người bạn nước ngoài và câu thần chú “Việt Nam vô địch”

thứ ba 27-11-2018 11:06:27 +07:00 0 bình luận
Anh bạn người Malaysia nhắn tin cho tôi chúc mừng sau chiến thắng của ĐT Việt Nam trước Campuchia, anh xem hình ảnh ăn mừng dưới mưa của các CĐV Việt Nam qua các trang facebook và ước gì quê hương anh cũng được như vậy…

Anh bạn người Malaysia nhắn tin cho tôi chúc mừng sau chiến thắng của ĐT Việt Nam trước Campuchia, anh xem hình ảnh ăn mừng dưới mưa của các CĐV Việt Nam qua các trang facebook và ước gì quê hương anh cũng được như vậy…

Người Sài Gòn đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ĐTVN

Gần mười hai giờ đêm, Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, huyên náo bởi tiếng hò hét và tiếng kèn Vuvuzela sau chiến thắng 3-0 của ĐT Việt Nam trước ĐT Campuchia trong lượt trận cuối cùng của vòng bảng AFF Suzuki Cup 2018.

Dưới trời mưa càng lúc càng nặng hạt, cô bạn ngồi cà phê cùng tôi (vốn trước giờ chẳng biết gì về bóng đá) thắc mắc: "Bóng đá có gì mà khiến người ta điên khùng vậy?". Học trò của cô mới 7-8 tuổi, hôm nào có đội Việt Nam đá là lại càu nhàu mặc cả xin cô giáo cho nghỉ sớm. Bão lớn Usagi được dự đoán sẽ đổ vào miền Nam trong đêm, mưa đã rả rích từ chiều, nhưng từng đợt bão người với kèn trống, với cờ đỏ sao vàng vẫn "ngoan cố vô ngại", vẫn tiếp tục diễu hành làm náo loạn Sài Gòn chật chội dù đã gần qua ngày mới...

Ngắm dòng người chen chúc trong mưa qua lớp cửa kính, tôi hào hứng kể chuyện về bóng đá, về những chuyến đi của mình. ASIAD 2018 vừa rồi, và nhất là suốt đợt U23 châu Á hồi đầu năm, tôi cùng mấy anh em phải xem và cổ vũ cho đội tuyển từ Thái Lan. Không được đến Thường Châu để tận mắt chứng kiến kỳ tích lịch sử của đội nhà, cũng không được hòa cùng cái không khí cuồng nhiệt ăn mừng ở quê hương, nhưng chúng tôi - nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt ít ỏi tại trường đại học Chulalongkorn University chỉ khoảng hơn chục người vẫn tụ tập quây quần cổ vũ cho các chàng trai áo đỏ.

Người bạn nước ngoài và câu thần chú “Việt Nam vô địch” - Ảnh 2.

Tác giả và các bạn cùng cổ vũ bóng đá

Sau mỗi bàn thắng của đội nhà, chúng tôi điên cuồng hò hét, mang áo Việt Nam chạy lòng vòng khu nhà khách la làng, nhiều người tưởng bọn Việt Nam này bị... thần kinh. Chúng tôi xem bóng đá từ phòng ngủ qua phòng giặt, phòng bếp, có lúc bị bảo vệ khu nhà khách nhắc nhở do quá ồn ào...

Vì bóng đá không chỉ là trò chơi với 22 con người giành nhau 1 quả bóng!

Cô bạn ngồi cà phê cùng phụ họa cho sự hào hứng của tôi: "Cảm giác như Vinh lúc nào cũng có cái gì đó rất tự hào về Việt Nam?". Tôi đáp: "Tình yêu về nơi mình được sinh ra là một lẽ chắc chắn và hiển nhiên, nhưng niềm tự hào thì chưa được tuyệt đối".

Mỗi lần ra nước ngoài, thậm chí có người quen còn dặn dò tôi hạn chế mặc áo cờ đỏ sao vàng vì sợ người Việt mình bị ghét. Đó cũng có phần là sự thật (vì lý do gì thì chắc tôi không cần nêu ở đây, bạn lên Google gõ "vì sao người Việt bị ghét ở nước ngoài" ắt sẽ không thiếu bài báo). Nhưng, tôi xin được một lần ngô nghê không quan tâm đến những điều tiêu cực hay thành kiến chính trị của bất kì ai đó. Cái mà tôi luôn mang theo trên suốt hành trình những đất nước đã đi qua - chiếc áo cờ đỏ sao vàng đơn giản là thứ để bạn bè Quốc tế biết tôi đến từ Việt Nam, để những người biết tôi, họ sẽ biết rằng Việt Nam có những con người thật tích cực, tử tế.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là một phương tiện vô cùng tuyệt vời để kết nối, xây dựng và thậm chí là "show off" (phô diễn) nét đẹp tinh thần dân tộc với bạn bè Quốc tế. Tôi thường kể cho họ nghe về một đất nước thật đẹp có những con người thật đẹp. Chắc hẳn nói vậy, sẽ lại có người bảo tôi nhìn cuộc đời màu hồng và ngây thơ quá. Việt Nam cái này kém, cái kia dở, nhìn ra nước ngoài mà xem... Ừ thì đúng vậy, nước mình còn nghèo, còn lâu mới theo kịp Thái, kịp Singapore chứ đừng nói châu Âu châu Úc. Còn đó những thói xấu chưa sửa, giáo dục lẹt đẹt, công trình nham nhở, năng suất lao động kém, ý thức xã hội chưa cao...

Nhưng, biết dở mà chỉ XÉT, không SỬA thì được gì? Tôi thì vẫn thường lựa chọn và thành công với "chiêu" dùng thể thao, bóng đá để mở đầu một câu chuyện với rất nhiều bạn bè quốc tế. Ngoài danh thắng, con người, văn hóa lịch sử, tôi tin rằng những hình ảnh đẹp thể thao luôn là một phần lợi hại trong câu chuyện của tôi mỗi khi giới thiệu với bạn bè Quốc tế về quê hương mình mà ở đó, người ta sẽ thấy một Việt Nam thật đáng ghé thăm ít nhất một lần trong đời. Đó là một trong những cách tôi lựa chọn để đóng góp một chút nhỏ nhoi của mình cho hình ảnh đất nước nơi mình sinh ra.

Anh bạn người Malaysia nhắn tin cho tôi chúc mừng sau chiến thắng của ĐT Việt Nam trước Campuchia, anh xem hình ảnh ăn mừng dưới mưa của các CĐV Việt Nam qua các trang facebook và ước gì quê hương anh cũng được như vậy. Bởi anh cũng biết rằng, bóng đá mang mọi người lại gần nhau hơn bất chấp sự khác biệt về những thứ khác kể cả tôn giáo hay chính trị.

Quê hương anh, Malaysia trông có vẻ phát triển, giàu có như vậy nhưng thực ra dân họ cũng chia bè phái, cũng có lúc xâu xé lẫn nhau, cũng mới vừa trải qua một cuộc bầu cử gay gắt, và vị tân tổng thống thì đã hơn 90 tuổi rồi. Anh bảo rằng ước gì Malay giành chiến thắng, và mọi người cũng có dịp xuống đường cùng nhau, không phải để biểu tình, để bày tỏ quan điểm chính trị mà để ăn mừng, để hàn gắn, kết nối, như cái cách mà người ta xuống đường ở Việt Nam vậy.

Anh bạn từ Malaysia của tôi ước gì ở quê hương anh, người ta cũng có dịp ăn mừng, cuồng nhiệt bóng đá như ở Việt Nam, dùng thể thao để kết nối, hàn gắn. Và anh tin rằng tinh thần đó sẽ là nguồn cảm hứng lan tỏa cho cả những đất nước khác trong cộng đồng ASEAN, trong đó có Malaysia - quê hương anh.

Người bạn nước ngoài và câu thần chú “Việt Nam vô địch” - Ảnh 4.

Người Sài Gòn ăn mừng chiến thắng của ĐTVN

Hình ảnh người Việt Nam xuống đường ăn mừng sau mỗi trận thắng tràn ngập trên các trang mạng. Tôi biết rằng trong số đó, nhiều người bình thường có biết bóng đá là gì đâu, có bao giờ quan tâm tới bóng đá đâu. Nhưng khi mà cờ đỏ sao vàng phủ khắp từng góc phố con hẻm, chiêng trống nồi xoong reo hò, từ cụ già em nhỏ, từ thanh niên trai gái, từ anh xe ôm, bà bán thịt lợn... tất cả đều chung một nhịp đập, một khẩu hiệu hô vang: "VIỆT NAM CHIẾN THẮNG!". Lỡ quẹt xe nhau thì chỉ cần hét vào mặt đối phương câu thần chú "VIỆT NAM VÔ ĐỊCH!", thế là hòa ngay, thay vì hùng hổ xuống xe xắn tay áo đòi "xử" nhau như ngày thường.

Thế nên mới nói thể thao, bóng đá không đơn thuần là trò chơi, mà còn là sự kết nối, đôi khi là câu chuyện, là cái cớ để người ta gặp nhau, mở lời với nhau. Người thành phố đã quá bức bí với công việc, với cuộc sống mỗi ngày, với những câu chuyện lề phố lá cải hay chuyện công sở luôn được lập trình trước vào mỗi sớm thức dậy.

ĐT Việt Nam thắng Campuchia - đối thủ yếu không cùng đẳng cấp như một lẽ tất nhiên thôi, vậy thì có gì mà ăn mừng? Phải chăng đó cũng là "cái cớ" để người Sài Gòn gặp nhau, xuống đường, hò hét như một giải pháp để xua đi cái mệt nhọc nhàm chán của cuộc sống thường nhật...? Ừ thì thắng Campuchia là chuyện thường thôi, nhưng ta vẫn xuống đường. Gọi là "làm quá" cũng được, gọi là "ăn theo" cũng được, nhưng chủ yếu là vui và đẹp, nhỉ. Có mấy anh khách du lịch nước ngoài trầm trồ: "dân Việt Nam chịu chơi thật!", nghe cũng oách!

Nếu Việt Nam vào chung kết, trận đấu cuối cùng sẽ diễn ra tại Mỹ Đình. Lần này tôi lại chờ đợi có dịp ăn mừng chiến thằng của đội nhà ngay tại quê hương mình, lại được "crazy" (điên cuồng) như giải đấu ở đúng 10 năm trước cũng vào một dịp cận Noel khí trời miền Bắc lạnh tê tái, nhưng trái tim không bao giờ nguội và dòng máu thì luôn chảy nóng rần trong cơ thể...

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm