15 tuổi, Hà Minh Tuấn đến với bóng đá. Độ tuổi khá muộn với một cầu thủ xác định theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Chàng trai sinh năm 1991 này chỉ biết đá bóng theo bản năng. Giới chuyên môn nhìn nhận anh ở khía cạnh thể hình đậm, lý tưởng cho một trung phong hơn là các kỹ năng cơ bản.
Ấy vậy, Tuấn có những bước đi nhanh đến không ngờ. Mới được tuyển chọn nhưng Tuấn đã “nhảy” lên đá cho U19 SHB Đà Nẵng. Đến V.League 2010, anh được HLV Lê Huỳnh Đức đôn lên đội 1 và liên tiếp góp mặt ở các đội tuyển trẻ Việt Nam. Sự thăng tiến không ngừng giúp Minh Tuấn được chờ đợi sẽ là nhân tố tương lai của bóng đá Việt Nam.
Thậm chí, anh được xem là truyền nhân của Lê Huỳnh Đức. Những bước tiến quá nhanh đó khiến Tuấn không kịp trở tay. Ở SHB Đà Nẵng, Tuấn không thể bứt ra hình bóng của “đàn anh” Lê Huỳnh Đức. Vốn là người theo chủ nghĩa quân phiệt, ông Đức luôn siết các ngôi sao vào một áp lực vô hình.
Với Tuấn, càng không may khi anh bị cho là truyền nhân của “đàn anh” Lê Huỳnh Đức. Năm năm ở đội 1 SHB Đà Nẵng, chàng trai quê Đại Lộc (Quảng Nam) không còn là chính mình. Cùng quãng thời gian đó, anh được kỳ vọng sẽ là nhân tố ở U23 Việt Nam cho mục tiêu săn Vàng SEA Games. Ấy thế, năm 2009, Tuấn bị gạch tên phút cuối rồi chuyển xuống chơi cho U19. Hai năm sau, anh không thể góp mặt vì chấn thương. Đến năm 2013, Tuấn tham dự SEA Games nhưng lại là kỷ niệm buồn khi anh không có nhiều đóng góp còn U23 Việt Nam sớm rời cuộc chơi ngay vòng bảng.
Từ danh xưng là “thần đồng”, Tuấn chỉ còn là dĩ vãng. Từ đó, cái tên Hà Minh Tuấn chìm vào quên lãng. Cuối năm 2014, anh đưa ra quyết định táo bạo. HLV Huỳnh Đức cùng SHB Đà Nẵng níu giữ bằng bản hợp đồng chuyên nghiệp có lót tay khá hậu hĩnh. Nhưng không!
Tuấn quyết rũ bỏ để ra đi. Anh chọn bến đỗ mới là đội bóng quê nhà Quảng Nam. Khoác trên mình diện mạo mới, Tuấn mới là chính mình, từ những bước chạy trên sân cỏ, cách sinh hoạt và tập luyện. Anh không bị gò bó, phải theo một chuẩn mực nhất định. Tuấn đã cởi bỏ áp lực.
Đến V.League 2017, Tuấn như “diều gặp gió”. Phong độ ấn tượng với 8 bàn thắng góp công vào chức vô địch của Quảng Nam. Thời điểm đó, ở ĐT Việt Nam, không có nhiều trung phong chơi ấn tượng như vậy. Kết thúc mùa giải, Tuấn được kỳ vọng sẽ trở lại màu áo ĐTQG khi Việt Nam chạm trán Afghanistan ở lượt trận thứ 5 vòng loại Asian Cup 2019.
Đó cũng là trận ra mắt của HLV Park Hang Seo. Tuy vậy, trong lần đầu tiên cầm quân, chiến lược gia người Hàn Quốc lựa chọn an toàn khi chủ yếu gọi các cầu thủ dưới thời HLV tạm quyền Mai Đức Chung. Tuấn lỡ hẹn và với anh “thời điểm đó có nhiều tiền đạo cắm tốt hơn tôi”.
Tuấn không được gọi nhưng cái tên Hà Minh Tuấn dần có “chỗ đứng” ở HLV Park Hang Seo. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã ba lần thân chinh đến Tam Kỳ. Trong cuốn sổ ghi chú của ông, chàng trai sinh năm 1991 này luôn có ở một góc. Và những lần ông Park đến rồi lướt qua khi thói quen của ông là chỉ bắt tay những học trò đã từng làm việc, Tuấn không hề buồn nhưng trong lòng vẫn xốn xang.
Tuấn tâm niệm: “Khi ra sân, tôi chỉ biết chơi hết mình, cống hiến tất cả sức lực cho câu lạc bộ còn việc HLV Park Hang Seo có mặt trên khán đài không tác động nhiều đến tôi”. Sự xông xáo, bản năng ghi bàn cùng thể hình tốt là điểm mạnh của tiền đạo này.
Anh duy trì sự ổn định trong suốt 3 mùa giải vừa qua. Và ở đợt tập trung cho trận đại chiến với Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022, Tuấn được chú ý. Thế nhưng, trái bóng tròn như trêu ngươi chàng trai này.
Ở buổi tập ngay khi đặt chân đến Nam Định tại vòng 21 V.League 2019, trong một pha chạy bứt tốc, Tuấn khựng lại. Anh thừa hiểu, mình đã bị đau. Chấn thương dai dẳng hết chân trái sang chân phải như thách đố tiền đạo này.
Ngay lập tức, anh ra PVF để chữa trị. Kết quả khám, Tuấn bị rách cơ bắp sau chân phải. Anh phải mất ít nhất 2 tuần để điều trị dứt điểm. Trận Thái Lan vs Việt Nam sắp đến gần và giấc mơ khoác áo ĐTQG vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi với chàng tiền đạo có nụ cười trìu mến này.