So với lứa cầu thủ Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh, Nguyễn Anh Đức có bước tiến chậm.
Phạm Văn Quyến (sinh năm 1984) sớm nổi tiếng từ những năm 2000 ở giải U16 châu Á, đến năm 2002 đã khoác áo đội tuyển quốc gia dự AFF Cup trên đất Indonesia. Phan Thanh Bình (sinh 1986) chói sáng ở SEA Games năm 2003 tại Hà Nội và Lê Công Vinh (sinh năm 1985), luôn được xem là chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia suốt từ năm 2008 đến năm 2016. Tiền đạo Nguyễn Anh Đức chưa ghi được dấu ấn trên sân cỏ.
Mãi đến năm 2015, Anh Đức mới được người hâm mộ biết đến khi được trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2015 sau khi giúp Becamex Bình Dương đoạt cú đúp V-League và Cúp Quốc gia. Càng về sau Anh Đức càng tỏa sáng. Từ tiền vệ chân gỗ, Anh Đức trở thành chân sút số 1 Việt Nam ở tuổi 33.
Ngoài sự nghiệp quần đùi áo số, tiền đạo Anh Đức còn rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh ngoài sân cỏ.
Chuỗi cửa hàng thể thao của cầu thủ Anh Đức
Hiện tại, chân sút số 1 Việt Nam đang là ông chủ kinh doanh mặt hàng dụng cụ thể dục thể thao với thương hiệu AD Sport (theo tên Anh Đức).
Anh chính thức bước vào con đường kinh doanh từ năm 2008, ban đầu chỉ là việc nhập đồ thể thao về và bán tại cửa hàng. Sau đó, Anh Đức đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất giày và may quần áo thể thao. Đến nay, tiền đạo này đã có 3 cửa hàng lớn tại Bình Dương và sản phẩm của anh có mặt ở khắp 40 tỉnh thành trên cả nước. Doanh thu mỗi tháng của Anh Đức khoảng 2,2 tỉ đồng. Một con số mà các cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam kiếm tiền bằng đá bóng cũng phải mơ ước.
Trong quãng thời gian đi đá bóng, Anh Đức cũng kiếm về hơn 20 tỉ đồng từ sự nghiệp trên sân cỏ. Đây là một trong những cầu thủ có kinh tế vững vàng nhất của làng bóng đá Việt Nam.
Trong giới cầu thủ bóng đá, khá nhiều cầu thủ mở shop bán đồ thể thao. Tuy nhiên, để thành công thì không phải ai cũng làm được. Anh Đức chính là một trong những số ít những ông chủ thành công trong lĩnh vực này.