Rất ít khán giả mua vé vào sân Hàng Đẫy trong một tối lạnh căm căm để xem thầy trò Miura thi đấu. Họ hết nhiệt với U.23 vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là lối chơi bế tắc, vô hồn mà ông thầy Nhật áp dụng cho đội bóng của mình.
Tất nhiên, không vì sự thờ ơ của NHM hay sức ép từ dư luận mà HLV Miura thay đổi triết lí cầm quân. Ông vẫn triệt để thử nghiệm, xoay vòng như việc đẩy Thanh Hiền vào chơi trung vệ, mạnh dạn xếp 3 mũi “giáp công” với Công Phượng hơi lùi phía sau Tuấn Tài và Văn Toàn.
Hẳn là ông Miura nhận thấy để phục vụ cho cách đá bổng, dài và cơ bắp bấy nay thì Công Phượng – Văn Toàn không phải là những cầu thủ làm tường “chuẩn chỉ”. Ông cần Tuấn Tài, một tiền đạo mạnh mẽ, cứng cáp hơn cho nhiệm vụ này. Nhưng có lẽ cũng… may cho U.23 VN, khi Cerezo Osaka lại là đội chơi đúng kiểu bóng bổng, dài và cơ bắp truyền thống. Họ nhập cuộc mạnh mẽ, lấn lướt chủ nhà bằng thể hình, thể lực và tỏ rõ ý đồ làm chủ “không phận”.
Vấp phải đối thủ chơi đúng bài nhưng ở đẳng cấp cao hơn, dù muốn dù không, HLV Miura buộc phải “xoay” chiến thuật, “hạ độ cao”. Và đó là cơ hội để cái “chất” HA.GL được dịp phát huy.
Giữa hiệp 1, Công Phượng chủ động lùi về tận sân nhà giơ tay đòi bóng nhưng trung vệ Duy Khánh đứng cách đó chỉ 2 mét đã vung chân phất quả dài theo kiểu… giải nguy. Bóng rơi tõm vào chân đội bạn, trong lúc Văn Toàn xách xe không chạy cách đó rất xa. Phượng lắc đầu. Cái lắc đầu ấy diễn ra ngay trước mắt ông Miura và cộng sự. Từ thời điểm đó, người ta thấy U.23 VN giảm hẳn các pha bóng bổng theo dạng cầu may. Thay vào đó, bóng được luân chuyển dưới mặt đất nhiều hơn. Công Phượng kéo hẳn về giữa sân làm bóng, trong lúc Tuấn Tài cài người, Văn Toàn chạy chỗ và Đức Huy di chuyển “nghi binh”.
Cách chơi này chưa thật nhuyễn, bởi vẫn còn sự lệch pha khiến nhiều đường phối hợp bị “gãy” ở những thời điểm quyết định. Bản thân Đông Triều, một cầu thủ HA.GL “chính hiệu” lại là mắt xích lỗi khi phải đá tiền vệ trái kèo, chuyền hỏng nhiều khi phản công và còn mắc lỗi vị trí ở bàn thua đầu tiên. Nhưng dẫu sao, phong cách HA.GL cũng giúp U.23 VN cầm được nhiều bóng để chơi, thay vì phải nai lưng ra đuổi theo đối thủ khắp mặt sân và tụt hơi về cuối trận.
Sang hiệp 2, khi Xuân Trường được vào thay Đức Huy, gần như cả tuyến trên… tự phát chơi theo kiểu HA.GL. Tuấn Tài tự biến mình thành một “vệ tinh” hưởng lợi từ những pha Phượng – Toàn – Trường ban bật, kéo giãn đội hình phòng thủ của Cerezo Osaka. Cầu thủ SLNA đã có ít nhất 3 tình huống “đột” được vào khoảng trống, thậm chí tung cú dứt điểm trong vòng cấm.
Đó mới là thứ mà người hâm mộ trông đợi ở U.23 VN, một lối đá chủ động, có tính toán và biết tạo ra cơ hội. Nó khác hẳn cái cách mà học trò của ông Miura nhồi bóng bổng trong tuyệt vọng ở 2 lần gặp JFL Selection.
Mới 1 trận đấu, chính xác là hơn 1 hiệp đấu hơi hướng HA.GL có “đất sống” ở trên sân, nhưng nó đã tạo ra nhiều thứ “dễ coi” cho khán giả. Từ thế trận đến các bàn thắng đều mang đậm dấu ấn những “đứa trẻ nhà bầu Đức”.
Người phá vỡ chuỗi trận tịt ngòi cho U.23 VN là Mạnh Hùng, một trung vệ thuần tuý bị đẩy ra đá biên. Quả đánh đầu của Hùng “xà ngang” tung lưới Cerezo Osaka bắt nguồn từ pha đá phạt điểm rơi như đặt của Công Phượng. Còn bàn gỡ 2-2 của Văn Toàn, dù coi như thủ môn đối phương “quà biếu” nhưng nó cũng là kết quả của một quá trình ép sân liên tục.
Chưa thể xác định U.23 VN “dịch chuyển” sang “phong cách HA.GL” là do sức ép tình thế hay do ý thức tiếp thu, cải tiến của ông thầy ngoại. Tuy nhiên, sự dịch chuyển ấy đã kịp chứng minh tính phù hợp và hiệu quả của nó so với triết lí cứng nhắc lâu nay mà Miura vẫn hằng đeo đuổi.
Ông Miura đã chấp nhận “hạ độ cao” nhưng chẳng ai biết ông có tiếp tục duy trì bay ở “tầm thấp” hay không…
HLV Kazuhiro Murata của Cerezo Osaka cũng dành lời khen cho hàng công của U.23 VN. Theo nhà cầm quân này, chính sự linh hoạt, lối chơi kỹ thuật của các vị trí trên hàng tấn công của U.23 VN đã khiến hàng phòng ngự của đội khách bị xáo trộn và một số tình huống bị đặt vào thế báo động.