Nhìn dàn người mẫu bikini mà Vietjet Air đem ra "chiêu đãi" những người hùng dân tộc trở về từ giải U23 châu Á, bỗng không nén nổi một sự liên tưởng.
Giả sử đoàn quân chiến thắng đó không phải đội U23 Việt Nam do ông Park Hang Seo chỉ huy mà là tuyển nữ của HLV Mai Đức Chung, chẳng hiểu hãng hàng không giá rẻ này sẽ hành động ra sao.
Vẫn là các nàng chân dài thiếu vải vừa đi vừa ngúng nguẩy như thể cố gắng xua tan cái lạnh cắt da của mùa đông? Hay sẽ là những chàng trai 6 múi ăn mặc theo phong cách "Tarzan của rừng xanh", nghĩa là cởi trần đóng khố, vừa đi vừa hú ầm ầm?
Dù làm thế nào thì Vietjet Air có lẽ cũng sẽ có được cái họ muốn, đó là khiến cả nước phải nhắc đến mình với tần suất không kém bao nhiêu so với sự chú ý dành cho U23 Việt Nam. Nhưng không như vụ chụp hình Ngọc Trinh cũng trong bộ bikini bé xíu dạo nọ, lần này Vietjet Air đã bay quá xa khỏi “vòng cấm địa”.
U23 Việt Nam đang là biểu tượng của sự trong sáng, quả cảm và là niềm hy vọng lớn lao cho một thứ bóng đá tử tế vốn đã biến mất quá lâu khỏi tâm thức của NHM. Không ai chấp nhận bất kỳ hình ảnh xấu xí, phản cảm nào dính líu đến Quang Hải, Xuân Trường cùng các đồng đội vào thời điểm hiện tại, bất kể tự phát hay cố tình.
Khi niềm hân hoan với chiến công hiển hách tại Trung Quốc chưa kịp lắng xuống, ngọn lửa bức xúc đã vội bùng lên trong lòng dư luận bởi màn PR lộ liễu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa của một hãng hàng không từng có lúc được ngợi ca. Thật đắng lòng.
Tuy nhiên, Vietjet Air có thể chỉ là bước dạo đầu của một trào lưu bám càng, núp bóng ở quy mô lớn hơn, ở cấp độ trơ trẽn hơn đối với thành công mà HLV Park Hang Seo và các học trò vừa mang lại, trong khi những gì cần làm phải là chung tay đóng góp công sức, trí tuệ để bóng đá Việt Nam cất cánh từ bệ phóng U23 châu Á 2018.
U23 Việt Nam thành công ngoài dự tính, điều đó có thể trở thành cái cớ để biện minh rằng làng cầu của chúng ta đang đi đúng lộ trình dù khán đài tại V.League hầu như vẫn chỉ có tác dụng chắn bóng khỏi bay ra ngoài đường, các hạng đấu thấp hơn vẫn vùng vẫy tuyệt vọng chống lại tình trạng thưa thớt số đội tham dự, các nhà tài trợ vẫn thờ ơ, tình trạng tiêu cực vẫn chưa có hướng giải quyết, đội ngũ trọng tài vẫn "mù" như phát biểu giận dữ của Chủ tịch CLB Quảng Nam - Lê Nguyên Hồng...
Muốn có thêm những thành tựu như tại giải U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi phát triển theo lối bị động, bừa bãi và vụ lợi. Các vị lãnh đạo VFF không thể cứ đi công tác nước ngoài nhiều đến mức chẳng còn thời gian đọc sách, trau dồi kiến thức như lời than thở của chuyên gia Lê Thế Thọ.
Hình ảnh một vị cựu Phó chủ tịch truyền thông VFF múa may hăng hái đến mức HLV Park Hang Seo phải dạt sang bên trên chuyến xe diễu hành mừng chiến thắng và hình ảnh Phan Văn Đức lặng lẽ ôm mẹ trong một góc vắng vẻ tại sân bay càng làm nổi bật sự bất cân đối trong bức tranh toàn cảnh của một nền bóng đá vừa bị "bikini hóa".
Đừng thấy chúng ta thành công ở lứa trẻ mà vội kết luận rằng mọi thứ đang đi lên. Bởi khoảng cách từ U23 đến ĐTQG là một hành trình rất dài, rất khốc liệt. Bóng đá châu Phi từng đoạt HCV Olympic và 3 lần giành ngôi Á quân U20 thế giới, nhưng hãy nhớ là họ vẫn chưa thể gây tiếng vang tại World Cup của người lớn.
Với nỗ lực tuyệt vời tại giải U23 châu Á 2018, các chàng trai dưới quyền HLV Park Hang Seo đã tặng cho đất nước một món quà tinh thần vô cùng giá trị. Tuy nhiên, khi ánh sáng rực rỡ từ những quả pháo hoa U23 Việt Nam lịm đi, tất cả sẽ giật mình tự hỏi: "Liệu bao giờ mới được hưởng niềm vui tương tự?".
Chuyện đó sẽ xảy ra, nếu khán giả đồng loạt nhấc chân quay lại phủ kín sân vận động thay vì nằm ườn ở nhà để chê bai đủ kiểu.
Chuyện đó sẽ xảy ra, nếu VFF và VPF chịu cải tổ cả nhân sự lẫn sách lược hành động.
Chuyện đó sẽ xảy ra, nếu các CLB cũng như bản thân các cầu thủ trở nên chuyên nghiệp, nghiêm túc và lành mạnh hơn.
Chuyện đó sẽ xảy ra, nếu các vị Mạnh Thường Quân tiềm năng như Vietjet Air luôn sẵn sàng tài trợ (tất nhiên không phải bằng những bộ bikini) cho việc phát triển bóng đá thuộc mọi lứa tuổi.
Chuyện đó sẽ xảy ra, nếu chúng ta đoàn kết.