Với cách xây dựng đội bóng, quan điểm dùng người và góc nhìn rất khác của ông thầy người Nhật, không ít cầu thủ vốn bị xem là “không biết đá bóng” theo quan điểm chuyên môn thuần tuý vẫn lên Tuyển và đóng vai chính, mang về thành công cho ĐTVN.
Trung vệ Chí Công.
Bỗng dưng… lên Tuyển
Có một câu chuyện vui vui thế này: 7 năm trước, giữa bầu không khí hân hoan với chức vô địch lịch sử ở AFF Cup 2008, nhiều tuyển thủ QG khi “tranh công, luận tội” đã chia sẻ rằng “cần phải có cả huy chương” cho những “ngươì hùng thầm lặng”, như Chí Công chẳng hạn. Không có mặt trong đội hình vô địch nhưng đóng góp, cống hiến của trung vệ này là điều cả đội ghi nhận. Công có công, khi suốt 3 tháng tập trung luôn là người tập luyện tốt nhất, không nghỉ buổi nào và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Ở ĐTVN khi đó, HLV Calisto sử dụng Chí Công trong việc tập cho chính các đồng đội và ở tất cả các đội bóng, luôn cần có những mẫu cầu thủ như thế, với những “hy sinh” thầm lặng.
Có mặt suốt hành trình chuẩn bị và khi chốt danh sách dự AFF Cup 2008, Chí Công không có tên. So với các đồng đội cùng vị trí thì trung vệ này có một khoảng cách về chuyên môn nên việc tập trung ĐTVN cũng được xem là may mắn với cầu thủ của Cần Thơ, người sau đó có một bản hợp đồng trong mơ với B.Bình Dương với tư cách tuyển thủ QG. Thế nhưng rất bất ngờ, 7 năm sau AFF Cup 2008, cánh cửa ĐTVN lại mở ra với Chí Công khi được HLV Miura đánh giá cao thể hình cùng cách chơi mạnh mẽ, không ngại va chạm dù đã bước sang tuổi 34.
Ở đợt tập trung này, một cầu thủ khác dù đã 33 tuổi cũng lần đầu xuất hiện ở ĐTVN, tiền vệ Đặng Khánh Lâm. Một quyết định gây sốc của HLV Miura, khi cầu thủ “tay ngang” đi theo bóng đá chuyên nghiệp, có cách chơi bóng giống như một người máy này chưa bao giờ được đánh giá cao về kỹ năng và 1 năm trước tưởng như đã giải nghệ khi không tìm được CLB đầu quân sau khi chia tay Thanh Hoá. Về Hải Phòng mùa này, Khánh Lâm phát huy điểm mạnh nhất là sức mạnh, tính chiến đấu và lọt vào “mắt xanh” của ông thầy người Nhật. Cựu cầu thủ của Thể Công cũng giống như trường hợp của tân binh Quốc Trung, cầu thủ được SLNA giải phóng khi cho rằng không có khả năng phát triển, đầu quân cho Hải Phòng mùa này và mới 3 lần đá chính. Trung được HLV Miura chấm sau 30 phút được vào sân trận gặp B.Bình Dương, nhờ cách thi đấu mạnh mẽ của một chiến binh khi có thể chạy đuổi, tranh chấp không biết mệt.
Michal Nguyễn cũng là một ngạc nhiên khác, khi 2 năm trước trung vệ Việt kiều này về “thử việc” ở ĐTVN và được trao cơ hội. Tuy nhiên, ngoài thể hình cùng bản lý lịch được đào tạo ở châu Âu thì Michal Nguyễn không để lại nhiều ấn tượng, thậm chí còn bị chê vì những hạn chế chuyên môn, cả về kỹ thuật lẫn tư duy chơi bóng. Được B.Bình Dương ký hợp đồng chủ yếu nhờ tư cách cầu thủ nội nhưng mới chỉ đá chính 2 trận tại AFC Champions League và một lần vào sân thay người tại V.League, việc Michal Nguyễn lại có tên trong danh sách của HLV Miura quả thật khó tin.
Vì ĐTVN là của Toshiya Miura
Hơn 1 năm xuất hiện trên cương vị HLV trưởng ĐTVN, HLV Miura đã mang đến rất nhiều ngạc nhiên. Một phong cách, tư duy và cách làm mới được áp dụng, chuyên gia người Nhật đã thay đổi rất nhiều thứ và với những kết quả có thể xem là thành công ban đầu, thay đổi lớn nhất chính là cách ông khiến giới bóng đá ở Việt Nam “định nghĩa lại” những khái niệm về chuyên môn. Ở đây, có thể hiểu đơn giản là cách đánh giá về cầu thủ, ở khía cạnh thế nào là hay và không hay.
Quả bóng Vàng Việt Nam 2012 Huỳnh Quốc Anh hay Vũ Phong, những chuyên gia chạy cánh hàng đầu của BĐVN có hay không? Hay, và dù được xem như những lựa chọn hàng đầu nhưng với HLV Miura thì không, thế nên họ không được trọng dụng. Trọng Hoàng với rất nhiều điểm mạnh là trụ cột của ĐTVN từ thời HLV Calisto, Phan Thanh Hùng rồi Hoàng Văn Phúc cũng không được trọng dụng dưới thời HLV Miura. Và 2 ví dụ khác, Tấn Tài đeo băng đội trưởng ĐTVN và là tiền vệ trung tâm hay nhất trong 10 năm qua nhưng ở AFF Cup 2014 không có vị trí ngay cả Công Vinh cũng không phải lựa chọn số 1, với HLV Miura.
Ở AFF Cup 2014, Tiến Thành được tín nhiệm ở vị trí trung vệ dù ngay trong đội, cầu thủ này cũng chưa thuyết phục được các đồng đội về chuyên môn. Ở VL U.23 châu Á, Mạnh Hùng được xếp đá cánh trái giống như cách dùng Minh Tùng ở ASIAD 17 chứ không phải các hậu vệ biên “xịn”, dù 2 trung vệ này không có khả năng leo biên, hỗ trợ tấn công và có bóng chỉ triển khai bằng cách phất dài chéo sân hay dọc biên. Cộng thêm rất nhiều xáo trộn, lựa chọn bất ngờ chỉ có dưới thời HLV Miura từ Olympic, ĐTVN đến U.23 VN trong hơn 1 năm, thực tế cho thấy sự khác biệt rất lớn trong quan điểm đánh giá, lựa chọn và cách dùng người của ông thầy người Nhật, nếu đặt cạnh so sánh với BĐVN với những giá trị được khẳng định từ trước cũng như các đời HLV trước.
ASIAD 17, AFF Cup 2014 hay VL U.23 châu Á, lối chơi hay những vấn đề thuộc phạm trù chuyên môn của đội bóng của HLV Miura luôn gây ra những tranh cãi lẫn nghi ngại. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh thành tích với những kết quả cụ thể đạt được, có thể nói ông thầy người Nhật đang thành công khi luôn hoàn thành tốt mục tiêu đề ra bằng cách làm của mình.
Cách làm đó đang là sự khác biệt với BĐVN và thành công hay thất bại, đánh giá đúng sai với HLV Miura là điều rất khó. Như bản danh sách đầy bất ngờ của ĐTVN chuẩn bị VL World Cup 2018 với những cầu thủ vẫn bị xem là “không biết đá bóng”, chỉ có kết quả trận đấu với Thái Lan mới có thể là lăng kính để đánh giá.
NGUYÊN ANH