Đấu pháp ĐT Việt Nam trước Philippines: Phòng ngự phản công hay chủ động đánh vỗ mặt?

thứ sáu 30-11-2018 11:51:30 +07:00 0 bình luận
Giành 10 điểm sau 3 trận thắng và 1 trận hòa, kết thúc vòng bảng AFF Suzuki Cup 2018 ở vị trí dẫn đầu với thành tích bất bại. Đội tuyển Việt Nam xem ra đang đi đúng hướng...

Giành 10 điểm sau 3 trận thắng và 1 trận hòa, kết thúc vòng bảng AFF Suzuki Cup 2018 ở vị trí dẫn đầu với thành tích bất bại. Đội tuyển Việt Nam xem ra đang đi đúng hướng...

Tuy không có được điểm số tuyệt đối bởi trận hòa để lại chút tiếc nuối trên đất Myanmar, nhưng việc ghi được 8 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào trong 4 trận vòng bảng đủ để chứng minh đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) hiện tại đang có một hàng công đáng xem và hàng phòng ngự là điểm tựa chắc chắn cho giới chuyên môn tin vào khả năng chinh phục AFF Cup 2018.

Trong cả 4 trận đấu vừa qua, Đặng Văn Lâm - thủ thành mang 2 dòng máu Việt - Nga chơi khá nhàn nhã trong khung gỗ của ĐTVN. Anh được hưởng lợi một phần từ hàng phòng ngự với bộ ba Đình Trọng - Duy Mạnh - Quế Ngọc Hải đang có phong độ vô cùng ổn định. Cả ba hậu vệ này đều có khuynh hướng phòng ngự hiện đại, toàn diện từ tư duy phán đoán, bọc lót hỗ trợ cho nhau cho đến sử dụng sức mạnh, sự lì lợm.

Có lẽ đã lâu lắm rồi người hâm mộ ĐTVT mới có được cảm giác yên tâm đến vậy trong khâu phòng thủ, tuyệt nhiên chưa thấy một sai sót đáng kể nào trong 4 trận đấu đã qua.

Đấu pháp ĐT Việt Nam trước Philippines: Phòng ngự phản công hay chủ động đánh vỗ mặt? - Ảnh 1.

Ông Park đang tỏ ra là một HLV rất "quái chiêu"

Ở giải lần này, giới chuyên môn cũng có thể nhận ra ý đồ chiến thuật thể hiện qua cách bố trí đội hình của HLV Park Hang-seo trong từng trận đấu với các đối thủ có thực lực, đặc điểm khác nhau. 

Với các đối thủ có khả năng cạnh tranh

Tại vòng bảng, đối với những đối thủ có thực lực khá, khả năng cạnh tranh với ĐTVN như Malaysia và Myanmar, ông thầy người Hàn ưu tiên sự chắc chắn, có lúc nhường thế trận cho đối phương cầm bóng nhiều hơn đáng kể. Khi bị đối phương tấn công, ĐTVN chơi với đội hình 5-4-1. Đình Trọng, Duy Mạnh, Ngọc Hải là 3 tấm lá chắn co vào giữa để án ngữ khu vực trung lộ, trong khi đó ở 2 biên được đảm bảo bởi Văn Hậu và Trọng Hoàng.

Ở tuyến trên, ngoài 2 tiền vệ trung tâm thì cặp tiền đạo cánh Công Phượng - Văn Đức lùi về ngang hàng với Xuân Trường và Quang Hải, tích cực tranh cướp tạo thành bức tường phòng thủ 2 lớp, bịt kín các lối vào khung thành do Văn Lâm trấn giữ.

Khi đoạt được bóng bên phần sân nhà, từ 5-4-1, các học trò của ông Park ngay lập tức phản công bằng cách biến đổi sang đội hình 3-4-3 với sự dâng lên hỗ trợ tấn công từ 2 biên của đôi cánh Trọng Hoàng - Văn Hậu, trong khi bộ đôi tiền đạo cánh quay về đúng vị trí bên phần sân đối phương sẵn sàng phối hợp, tiếp đạn cho cầu thủ đá cắm Anh Đức, hoặc chớp cơ hội trong khu vực trung lộ ngay khi có thể.

Minh hoạ rõ ràng nhất chính là 2 bàn thắng vào lưới của ĐT Malaysia theo hai "bài" khác nhau. Bàn mở tỉ số khơi nguồn từ nỗ lực của cầu thủ đá biên, bóng căng ngang vào vòng cấm và được kết thúc bởi pha chớp thời cơ hoàn hảo của Công Phượng. Bàn ấn định tỉ số được tổ chức từ khu vực trung lộ, đường tỉa bóng thông minh của "ông cháu" Văn Đức đã loại bỏ hoàn toàn hàng hậu vệ của Malaysia, giúp "ông chú" Anh Đức thoải mái dứt điểm ghi bàn.

Đấu pháp ĐT Việt Nam trước Philippines: Phòng ngự phản công hay chủ động đánh vỗ mặt? - Ảnh 3.

ĐTVN đang được ngợi khen là công hay, thủ tốt

Việc vận hành lối chơi này chẳng những đòi hỏi sự linh hoạt, mà còn yêu cầu một nền tảng thể lực tuyệt vời từ những cầu thủ đá cánh bởi họ phản liên tục lên công - về thủ, đáp ứng cả hai mặt trận. Rất may mà ở đó, chúng ta có Trọng Hoàng - Văn Hậu đều là những... "máy chạy".

Với những đối thủ dưới cơ

Với đối thủ yếu hơn như Lào hay Campuchia, ĐTVN áp đặt lối chơi tấn công toàn diện, cầm bóng nhiều hơn và dồn ép đối phương về phần sân nhà để rồi thong thả tung ra những đòn kết liễu nhẹ nhàng, đúng với phong cách của một đội bóng "cửa trên".  

Thời trước ông Park, ở các giải giao hữu đội tuyển đá rất hay, thắng như chẻ tre, gặp các đội yếu thì "hấp diêm" tung tóe. Nhưng ngặt cái khi vào trận có tính chất quan trọng thì thường "tạch". Đội bóng của ông Park hiếm khi thắng đậm, hiếm khi tạo ra sự phấn khích theo kiểu chà đạp đối thủ bằng tỉ số tennis, nhưng đó là sự "biết người biết ta".

Trong bóng đá, chiến thuật là yếu tố tối quan trọng. Dường như ông thầy người Hàn rút ra được bài học từ câu chuyện thắng như chẻ tre rồi đột ngột "hết tiền giữa chợ". Trận thắng 3-0 ở lượt đấu cuối cùng là vừa đủ. Nó giống như buổi tổng duyệt đội hình để chuẩn bị cho vòng bán kết nếu như thầy Park lựa chọn đấu pháp chủ động tấn công trước Philiphines, cũng là một liều thuốc tạo hưng phấn nhẹ cho toàn đội.

Đấu pháp nào trước Philippines?

Câu trả lời chỉ có HLV Park Hang-seo là người nắm rõ. Ông luôn biết cách mang đến những bất ngờ cho đối thủ và cả người hâm mộ. Xem Philippines là đội cửa dưới cũng chưa chắc, chúng ta đã thấy dàn cầu thủ nửa Á nửa Âu của họ làm "ông kẹ" Thái Lan vất vả thế nào trong trận đấu vòng bảng. Lợi thế tiếp theo là họ sẽ được thi đấu trên sân nhà, mặt cỏ trên sân vận động Panaad không có lợi cho lối chơi kỹ thuật của ĐTVN.

Dưới sự dẫn dắt của chiến thuật gia lão làng Sven-Goran Eriksson, Philippines không loại trừ khả năng sẽ áp đảo ĐTVN phải thi đấu trên đất khách. Tuy nhiên, khi đoàn quân của ông Eriksson đang bị tổn thất lực lượng do một số cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài phải quay về CLB chủ quản,  đội hình 18 con người còn lại của HLV người Thuỵ Điển vẫn có thể bị "Ngài ngủ gật" đánh bại ngay tại Bacolod. Bởi nếu chơi tấn công ngay từ đầu, ĐT Việt Nam cũng hoàn toàn tự tin vào dàn "hoả lực" đang có. 

Phòng ngự hay tấn công, cùng chờ đợi đáp án của HLV Park Hang-seo trên đất Philippines vào ngày 2/12.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm