Khi ra nước ngoài du lịch hay xem những trận đá bóng, không ít người Việt thích để lại dấu ấn cá nhân của mình theo kiểu chứng tỏ mình có mặt ở đó. Đáng tiếc, phần nhiều là những dấu ấn thiếu văn minh.
Tôi có cảm giác rất chạnh lòng khi đọc thông tin về một du khách người Việt đã vẽ bậy tại tòa thành hàng trăm năm tuổi Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản). Câu chuyện này được truyền thông Nhật Bản và cộng đồng mạng lan truyền. Cụ thể, một du khách đã "tiện tay" viết chữ Hào to tướng có kích thước khoảng 60 cm, cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim xung quanh. Không khó để dự đoán, du khách này là người Việt.
Không hiểu anh chàng này định "tự hào" nỗi gì hay định khoe việc mình đã đặt chân đến Nhật Bản - một trong những quốc gia có ý thức bảo vệ những di sản văn hóa nhất trên thế giới. Song, những người Việt có lòng tự trọng, khi đọc dòng tin kiểu này, cảm thấy rất xấu hổ.
Nó cũng giống như câu chuyện khi tôi đi Nhật Bản cách đây vài năm, vào một số siêu thị, người ta dán ngay một tờ giấy có tiếng Việt: "Ăn cắp là phạm pháp". Người Việt nào cũng hiểu ẩn ý phía sau dòng chữ kia là gì. Hoặc một cửa hàng bán đồ lưu niệm xinh xắn ở chân núi Phú Sĩ, tôi thấy có dòng chữ Việt: "Đề nghị xếp hàng". Với những tấm bảng mang tính chỉ dẫn lẫn cảnh báo như thế, không thể gọi là tự hào.
Cũng ở Nhật, tôi nghe câu chuyện của một học sinh Việt Nam du học ở đây, anh ấy nói: "Sự văn minh, nếu ở Singapore thì đưa ra những quy định rất khắt khe để người ta không dám ăn cắp, đó đã là văn minh ở mức cao. Nhưng Nhật Bản thì cao hơn, ý thức xã hội khiến người ta không có nhu cầu ăn cắp - đó là một văn minh ở tầm vượt trội".
Đến đây thì tôi lại nhớ đến câu chuyện các cổ động viên Việt Nam theo chân đội tuyện đi cổ vũ bóng đá ở mỗi dịp SEA Games, AFF Cup. Tất nhiên đi thì vui, ai cũng muốn tiếp sức cho các cầu thủ đội tuyển để họ có thêm sức mạnh ở mỗi trận đấu. Thế nhưng có những người thể hiện tình yêu của mình một cách kỳ quặc: đó là việc dùng pháo, pháo sáng để đốt trên khán đài.
CĐV Việt Nam bao giờ mới thôi đốt pháo sáng?
Hồi SEA Games 2009 trên đất Lào, tôi tận mắt chứng kiến một nhóm phóng viên đi đường bộ sang cổ vũ bóng đá đã "đánh" hẳn hai xe bán tải chứa đầy pháo sáng để sang đó đốt cho…vui, cho thiên hạ lác mắt và để chứng tỏ mình, ghi lại dấu ấn.
Luật FIFA và luật nước sở tại cấm, mà mình cố tình làm. Đó là phạm pháp. Không công khai được thì dấm dúi và khi thực hiện xong thì thậm chí quay clip, đưa lên facebook để… khoe. Tự hào nỗi gì việc này?
Chẳng phải đâu xa, hồi tháng 10, Liên đoàn bóng đá Châu Á phạt VFF tới 300 triệu đồng vì cổ động viên đốt pháo sáng trên sân Pakansari trong trận Olympic VN thua Olympic Hàn Quốc ở bán kết ASIAD 2018 tại Indonesia. Trước đó, là khoản phạt 15 ngàn USD (khoảng 350 triệu đồng) vì CĐV VN đốt pháo sáng trên sân Olympic (Campuchia) khi đội tuyển VN đá vòng loại ASIAN Cup 2019 hồi tháng 9/2017…
Cổ động viên đốt pháo, nhưng VFF bị phạt. Con dại thì cái phải mang. Thế mới khổ.
Thế nên trước trận đấu với Lào, phía chủ nhà gần như van vỉ các CĐV Việt Nam không ăn mừng quá khích mà đốt pháo trên khán đài, vì nếu để xảy ra việc này phía Lào sẽ bị phạt.
Vậy thì đừng bai giờ ghi dấu ấn, thể hiện mình như vậy. Vẽ bậy lên di tích, ăn cắp hay đốt pháo sáng khi cổ vũ bóng đá cũng là những loại "ghi dấu ấn" nhưng là những dấu ấn kém văn minh.
AFF Cup 2018: ĐTVN từng "vùi dập" Lào trong quá khứ như thế nào?