Năm 1995, khi BĐVN tham dự SEA Games 18 với 2 lần gặp Thái Lan và thua 1-3 ở vòng bảng, 0-4 ở chung kết thì ai cũng nói khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan còn xa lắm. Một năm sau gặp lại ở bán kết Tiger Cup 1996 cũng thế. Chỉ cần siết lại và tăng tốc một tí là Thái Lan của lứa Kiatisak, Dusit, Natipong… đã có 4 bàn thắng rất nhanh.
Hồi đấy, lứa cầu thủ “thế hệ vàng” như Mạnh Cường, Văn Cường, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Công Minh, Quốc Cường, Hữu Thắng, Hữu Đang… thú thật là rất ngán gặp Thái Lan vì họ trên cơ xa quá và đồng đều quá.
Cũng từ đó, BĐVN hay lấy mốc làm thế nào nào để thắng Thái Lan, bởi dị ứng nhưng giải khu vực cứ gặp Thái Lan ở vòng knock-out là đứt.
Mãi đến Tiger Cup 1998 tại Hà Nội khi gặp Thái Lan ở bán kết thì chính HLV Riedl hồi đấy cũng ngại. Trước trận đấu, ông từng phát biểu “Thái Lan không có điểm yếu!” khiến nhiều người phật ý dù đó là sự thật kể cả năm đấy Thái Lan rất tai tiếng trong trận bán kết tự sút thủng lưới nhà với Indonesia và đó cũng là năm Thái Lan không có Kiatisak tham gia đội tuyển.
Chiến thắng 3-0 của Việt Nam trước Thái Lan tại bán kết năm đấy như cởi bỏ được những mặc cảm tâm lý của cầu thủ Việt Nam. Chỉ tiếc là lần đầu vượt qua rào cản Thái Lan nhưng đến chung kết thì “thế hệ vàng” hồi đấy vẫn gãy trước Singapore.
Mười năm sau chiến thắng trên sân Hàng Đẫy, BĐVN mới có một chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan ngay tại thánh địa Rajamangala của Thái Lan. Một chiến thắng mang đậm dấu ấn của nhà cầm quân Calisto và thế hệ cầu thủ dám chơi thứ bóng đá sòng phẳng với người Thái.
Nhưng sau lần thắng thuyết phục đấy, vẫn chưa ai dám thừa nhận chúng ta đã vượt qua được Thái Lan. Rõ nhất là SEA Games 27 và AFF Cup 2014, Thái Lan lấy đủ các bộ huy chương vàng từ futsal nam, nữ đến bóng đá nam, nữ cấp đội tuyển và cả U.23. Đáng chú ý hơn là Thái Lan đã mạnh dạn đưa thầy nội vào dẫn dắt và huấn luyện còn những chuyên gia ngoại chỉ là một bộ phận giúp việc.
Trong khi bóng đá Thái Lan tính toán theo chiến lược và điểm rơi trọng điểm cụ thể thì BĐVN vẫn thu hoạch theo kiểu có gì ăn nấy và cứ loay hoay với các đời thầy ngoại.
BĐVN vừa có lứa U.19 trình làng mới thắng được U.19 AS Roma thì lập tức lãnh đạo VFF tuyên bố ngay không màng đến sân chơi Đông Nam Á mà nhắm vào châu Á, vào World Cup 2018.
Nếu BĐVN ra mắt lò đào tạo liên kết với Arsenal – JMG thì Thái Lan đã đi trước 3 năm và chưa kết thúc một khóa thì phía LĐBĐ Thái Lan đã hủy chương trình liên kết đấy sau khi phân tích những phần thiệt hơn rồi quay về với cách làm riêng được xem là phù hợp với mô hình của bóng đá Thái Lan. Các chuyên gia của Thái Lan đã phân tích rằng một lò đào tạo chỉ chú trọng đến tiền vệ và tiền đạo (không thủ môn, không hậu vệ) thì rõ ràng đó là cách chọn gà nòi để tìm hạt giống tốt nhất chứ không phải đầu tư cho một đội tuyển tốt nhất. Chính các chuyên gia Thái Lan còn phân tích rằng ngay cả việc cầu thủ giỏi nhất mà Arsenal – JMG chọn thì đơn vị này được toàn quyền sở hữu cũng là một điều khoản bất hợp lý vì có khi cả ngàn cầu thủ được đào tạo mới tìm được viên ngọc quý và viên ngọc đấy lại thuộc “người ta”.
Tất nhiên mỗi nơi có một quan điểm khác nhau nhưng rõ ràng là trong khi BĐVN cứ ảo tưởng và trông vào một lứa trẻ thì Thái Lan lại lấy nền tảng từ bóng đá học đường và cách chăm chút cho sự phát triển của CLB để tạo nền móng cho đội tuyển.
Khoảng cách với bóng đá Thái Lan không phải từ cuộc so cựa ở cấp đội tuyển mà từ chính cách tạo nền móng và tính toán chiến lược cho sự phát triển của một nền bóng đá.
NGUYỄN NGUYÊN