Mục tiêu hàng đầu của bóng đá Việt Nam những năm gần đây đều là vượt qua Thái Lan ở sân chơi Đông Nam Á. Nhưng cầu thủ của Thái đã thi đấu ở những giải đấu hàng đầu châu Âu và châu Á, còn cầu thủ Việt Nam chỉ thi đấu trong nước. Làm sao chúng ta vượt được Thái khi cầu thủ chỉ thi đấu trong nước?
Sau thành công ở U23 châu Á và ASIAD 2018, người hâm mộ trong nước đang "nâng tầm" bóng đá Việt Nam như một nền bóng đá hàng đầu châu Á. Vị thế của bóng đá Việt Nam đã cao hơn hẳn bóng đá Thái Lan. Cầu thủ Việt cũng thi đấu ấn tượng hơn hẳn cầu thủ Thái. Nói chung là giờ Việt Nam đã trên cơ hoàn toàn so với Thái Lan.
Bóng đá Việt Nam đang có những thành tựu đáng nể ở châu Á
Thế nhưng, ở sân chơi Đông Nam Á, Việt Nam chưa thể thắng Thái Lan, cầu thủ Việt chưa thể ra sân ở những giải đấu hàng đầu châu Á chứ chưa nói đến thế giới. Những cầu thủ chất lượng của bóng đá thế giới cũng không lựa chọn Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp. Vậy có thể nói Việt Nam đã vượt mặt Thái?
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường sau thành công ở lứa U19 đã được qua Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu.
Dù Công Phượng, Tuấn Anh chỉ chơi ở J.League 2 Nhật Bản nhưng người hâm mộ trong nước vẫn coi đó là thành công. Nhất là khi Xuân Trường được chơi ở K.League Classic.
Thế nhưng, thực sự các cầu thủ Việt Nam ở đấu trường này gần như không làm được gì. Ngồi dự bị hầu hết toàn bộ thời gian ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Không được thi đấu nhiều, ngay cả khi về nước họ cũng phải vất vả để chiến đấu suất trụ hạng mỗi mùa bóng.
Chanathip của Thái Lan đang thể hiện tốt ở J.League 1
Khi mà những cầu thủ trẻ của lò HAGL phải về nước thi đấu giữ lại phong độ vì ngồi trên ghế dự bị quá lâu thì Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo), Teerasil Dangda (Sanfrecce Hiroshima), Theerathon Bunmathan (Vissel Kobe) đang thể hiện mình ở các CLB.
Với bóng đá Thái Lan, họ vẫn đề cao bóng đá Việt Nam, vẫn nâng Việt Nam lên như một đội bóng mang tầm châu Á. Thế nhưng đó là câu chuyện của truyền thông. Còn trên sân cỏ, từ lâu người Thái đã không còn quan tâm tới giải đấu khu vực như AFF Cup hay SEA Games. Thậm chí họ còn mơ tới giấc mơ World Cup từ khi Việt Nam chưa là gì trên bản đồ bóng đá châu Á.
Thống kê sau vòng 20 V.League 2018
Giải Ngoại hạng Thái cũng ở một đẳng cấp cao hơn hẳn V.League. Họ xây dựng giải quốc nội hoàn chỉnh rồi tiến tới bước xuất khẩu cầu thủ. Trong khi đó, V.League cũng đang dần hoàn thiện hóa, để tiến tới giai đoạn xuất khẩu cầu thủ sẽ còn là một con đường dài.
Sau giải đấu U23 châu Á, với thành tích vào đến chung kết của U23 Việt Nam, đáng lẽ ra các cầu thủ Việt Nam nên được các câu lạc bộ lớn của châu Á nhòm ngó đến. Thế nhưng, cuối cùng thì các cầu thủ vẫn thi đấu trong nước, thậm chí nhiều cầu thủ còn không duy trì được phong độ.
Nếu muốn vượt mặt Thái Lan, trước hết Việt Nam cần nâng cao hơn nữa giá trị của cầu thủ, xây dựng thương hiệu cho giải quốc nội. Từ đó, các cầu thủ sẽ có cơ hội thi đấu ở nước ngoài nhiều hơn để nâng cao kinh nghiệm, học hỏi chiến thuật về cống hiến cho đội tuyển nước nhà.