Bán vé bóng đá thời 0.4: “Anh Nguyễn Văn Say về ngay vợ đẻ”

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
chủ nhật 11-11-2018 10:28:34 +07:00 0 bình luận
Tôi cứ chờ đợi ai đó có trách nhiệm phải nói lời xin lỗi người hâm mộ Việt Nam về chuyện mỗi lần có sự kiện bóng đá lại có những hàng dài người chen lấn, xô đẩy, thức trắng đêm để có được tấm vé.

Tôi cứ chờ đợi ai đó có trách nhiệm phải nói lời xin lỗi người hâm mộ Việt Nam về chuyện mỗi lần có sự kiện bóng đá lại có những hàng dài người chen lấn, xô đẩy, thức trắng đêm để có được tấm vé. Chờ mãi suốt 15 năm vẫn là câu chuyện "tấm vé mà biết nói năng" ấy mà không thay đổi. Chúng ta vẫn phải mua vé với công nghệ 0.4 dù lúc nào cũng nói 4.0.

Vé bóng đá không phải bây giờ mới loạn. Bộ phim "Phút 89" sản xuất đầu những năm 1980, tức là cách đây 40 năm cũng có cái cảnh người người chen lấn để mua vé bóng đá ở sân Hàng Đẫy và câu nói trên loa phóng thanh: "Anh Nguyễn Văn Say về ngay vợ đẻ" và bộ mặt nhăn nhó của anh chàng cổ động viên do NSND Trần Tiến đóng mới tội nghiệp làm sao. Nghĩa là mua vé và xem bóng đá có khi còn quan trọng hơn… vợ đẻ.

Bán vé bóng đá thời 0.4: “Anh Nguyễn Văn Say về ngay vợ đẻ”  - Ảnh 1.

Năm 2003 - tức SEA Games 22 trên sân nhà, chiếc vé bóng đá trở nên nóng bỏng và cho đến Tiger Cup 2004 sau đó tổ chức tại Việt Nam thì khái niệm giá trị của tấm vé nó đã khác xa với giá gốc khi người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 7-8 lần để có một tấm vé bóng đá vào xem bóng đá.

Tôi cũng đã từng trà trộn vào đám đông ấy, giữa trời lạnh Hà Nội cắt da cắt thịt thức xuyên đêm để ngồi chờ ở cửa bán vé bé xíu mở ra như ngồi chờ ánh sáng của một chân trời ló rạng. Xung quanh tôi, rất nhiều "cổ động viên" nữ, tầm 50-60 tuổi, thậm chí có những bà lão cũng ngáp vặt "chờ ánh sáng nơi cửa số nhỏ xíu" như tôi. "Bác cũng thích bóng đá ư?", tôi đã từng mạnh dạn hỏi một "bà" cổ động viên như vậy. "Ôi dào, bóng bánh gì, tôi bán nước gần đây, thôi thì cố gắng mua được cặp vé bán lại, nghe nói tiền triệu, cũng lãi bằng mấy lần bán trà đá".

Hóa ra là như thế, thử hỏi trong đám đông kia có bao nhiêu người tới sân mua vé để mong mỏi được vào sân hò reo theo từng đường bóng? Bao nhiêu người chỉ đơn thuần coi chiếc vé bóng đá khi vào tay mình và ra chợ đen (chỉ cách vài bước chân) là giá trị gia tăng gấp cả chục lần. Tôi nghĩ cái khao khát về giá trị gia tăng ấy lớn hơn là chuyện yêu bóng đá.

15 năm theo dõi và truyền thông các sự kiện thể thao cũng là từng ấy năm mà mỗi lần có sự kiện bóng đá là tôi nhận được cơ man nào điện thoại, tin nhắn nhờ vả mua vé. Tôi đành xin lỗi tất cả vì tôi không có khả năng, cũng không có quan hệ để xin - hoặc mua vé gốc. Có anh bạn này nỉ tôi kiếm cho bằng được vé loại A "giá bao nhiêu không quan trọng" chỉ đơn giản là để mua "tặng sếp". Rủi cho anh này là có ông sếp thích bóng đá thật và sếp thì nhận vé cứ tưởng nhân viên mua với giá gốc nào biết gửi gắm trong tấm vé bao nhiêu tâm tình, thậm chí là cả… tháng lương.

Vậy nên cái vé nó chưa đựng rất nhiều giá trị thương mại, tình cảm, lễ nghĩa và nó tạo ra cơn sốt mỗi khi đội tuyển, kể cả U.23 hay U.19 thi đấu. Điều khác biệt mà ai cũng rõ đó là vé đội tuyển luôn sốt nhưng vé xem V.League lại ế chỏng chơ, chưa thấy ai giải thích cho tôi về chuyện này.

Đừng đổ lỗi cho người hâm mộ (hâm mộ bóng đá hay hâm mộ vé cũng thế thôi), quan trọng là cách bán vé.

Ở bộ phim "phút 89" thì chuyện xếp hàng mua vé là bình thường, bởi nó nằm trong bối cảnh bao cấp nói chung. Thời đại này, thiếu gì cách bán vé mà sao vấn khiến người ta khổ sở đến vậy.

Khó như bán vé tàu Tết người ta còn giải quyết được với hình thức bán vé trực tuyến, mua qua điện thoại, thanh toán bằng thẻ hay ví điện tử. Nghĩa là công nghệ ghi dấu rất rõ. Kết quả là tấm vé tàu Tết không còn là cơn ác mộng và số lượng mua trực tiếp tại gia giảm mạnh, cũng không còn đất cho phe vé, cò vé…

Cũng phải thừa nhận VFF hay các đơn vị liên kết cũng đã triển khai nhiều hình thức bán vé nhưng tính hiệu quả không cao, thậm chí tính minh bạch trong quá trình phân phối vé còn bị nghi ngờ.

Thế nên, khi nhìn những dòng người căng thẳng xếp hàng mua vé, tôi lại thấy có một sự cảm thương không hề nhẹ. Họ kết thành những đoàn tàu, di chuyển một cách nặng về với động cơ chạy bằng… cơm. Đó là những con tàu mà chúng ta thấy hàng chục năm trước, những con tàu 0.4 bởi cung cách bán vé bóng đá 0.4.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm