Có những câu hỏi đang đặt ra với U.23 VN trong quá trình chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á 2016. HLV Miura đưa ra kế hoạch tập trung tới hơn 1 tháng trước khi lên đường sang Qatar và gọi tổng cộng tới 32 cầu thủ, tính cả những trường hợp bổ sung như Lâm Ti Phông, Nam Anh sau khi Huy Toàn, Ngọc Thắng, Văn Khoa dính chấn thương phải chia tay.
Trong số 29 cầu thủ hiện đang tập trung U.23 VN, thống kê chi tiết thì ông thầy người Nhật đã từng có thời gian làm việc với 21 học trò, ít nhất là 1 đến 2 giải đấu. Nòng cốt của U.23 VN bây giờ cơ bản vẫn là những gương mặt từng giành vé dự VCK U.23 châu Á đầu năm nay và tham dự SEA Games 2015, thậm chí một số cầu thủ còn khoác áo ĐTQG dự AFF Cup 2014 lẫn VL World Cup. Bên cạnh đó, HLV Miura cũng đã xem những “tân binh” còn lại thi đấu từ V.League, hạng Nhất cho đến các giải trẻ. Trước khi lên danh sách triệu tập những học trò này, nhà cầm quân sinh năm 1963 từng tiết lộ ông sẽ gọi những cầu thủ có phong độ tốt nhất cũng như phù hợp với triết lý của mình.
Nhắc lại và nhấn mạnh điều này để thấy một thực tế, HLV Miura không hề xạ lạ với các cầu thủ, nhất là các trụ cột hoặc những gương mặt được xem là có thể đóng vai chính trong chiến dịch VCK U.23 châu Á. Với những cầu thủ mới, việc ông Miura chấp nhận lời giới thiệu của trợ lý để cho cơ hội thử hay trực tiếp lựa chọn, bản thân ông thầy này đều có sự tìm hiểu, cân nhắc phù hợp với quan điểm bóng đá, cách dùng người của mình.
Thế nên có một câu hỏi đặt ra ở đây: Tại sao khi trong tay đa phần là học trò cũ và cách xây dựng lối chơi, triết lý bóng đá cũng đã ít nhiều định hình với “mang phong cách Miura”, trước mỗi giải đấu ông thầy người Nhật vẫn luôn thích xáo trộn lực lượng, thử nghiệm và tìm kiếm?
Sau SEA Games 28, trung vệ Mạnh Hùng của SLNA từng chia sẻ rất thẳng thắn: “Tôi không thích được HLV Miura xếp đá vị trí hậu vệ trái. Vị trí sở trường và giúp tôi phát huy điểm mạnh của mình nhất là trung vệ…”. Hùng nhiều lần được xếp đá trái và không thể nói là chơi tốt, thế nhưng HLV Miura tiếp tục “ép” ra biên để thử. Đông Triều ở U.19 VN hay HA.GL vẫn chơi trung vệ, thỉnh thoảng được xếp đá tiền vệ phòng ngự như là giải pháp chữa cháy, lên U.23 VN tập cũng như 2 trận đấu tập với JFL Selection thì đá tiền vệ và cả hậu vệ trái. Ở 2 trận đấu mới đây, Thanh Hiền cũng thành “chuột bạch”, khi cầu thủ này được lắp vào vị trí từ trung vệ. Thậm chí ngay cả tấm băng đội trưởng cũng được luân chuyển hết từ Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Tiến Dũng đến Hữu Dũng. Dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng nó cũng cho thấy có điều gì đó khác thường, với cách làm của HLV Miura.
Từ vấn đề của U.23 VN đợt tập trung này, nhìn lại hành trình chuẩn bị SEA Games, Asian Games, VL U.23 châu Á hay AFF Cup, về cơ bản đều giống nhau ở một điểm trong cách làm với quá nhiều sự việc và hành động lặp lại. Nghĩa là với ông thầy người Nhật, trước mỗi giải đấu thì luôn xáo tung đội hình, đập đi cái cũ vừa xây dựng để tiếp tục thử nghiệm, tìm kiếm cái mới. Và cách làm này không chỉ diễn ra trong quá trình chuẩn bị mà còn được áp dụng khi giải đấu chính thức đang diễn ra mà SEA Games 2015 với những thay đổi, quyết định dùng người khó hiểu là ví dụ.
Một cầu thủ đang thuộc biên chế ĐTQG từng chia sẻ điều bất cập này, về ngạc nhiên với HLV Miura: “Ngay chúng tôi cũng không hiểu hay lý giải được, tại sao những thứ được hình thành và đang vận hành tốt ông ấy lại phá đi? Tạo sao đội đá giải, đang chạy tốt và chơi tốt nhưng trận sau đó lại thay đổi hoàn toàn?”. Câu hỏi đó, nhiều HLV lẫn chuyên gia và khán giả cũng thắc mắc, trước cách làm kỳ lạ mà thậm chí là trái nguyên tắc thông thường, của HLV Miura.
Với những đời HLV trước ở các ĐTQG không có tiền lệ này. Theo nguyên tắc chung, khi có bộ khung nhân sự và ý tưởng xây dựng lối chơi, chiến thuật, HLV sẽ tìm kiếm nhân sự, thử nghiệm rồi lắp ghép để tìm ra đáp án. Tuy nhiên, với ông Miura thì nguyên tắc này không tồn tại.
Phải chăng, triết lý bóng đá của HLV Miura là cứ phải thử nghiệm và xáo trộn để làm mới chính mình? Và phải chăng, chính ông thầy người Nhật cũng chưa biết mình đang ở đâu và hướng đến cái gì, tìm kiếm điều gì?