Lần đầu tiên kể từ sau Thế vận hội Moscow 1980, tại Rio 2016 tới đây các nam VĐV quyền anh sẽ bước lên võ đài mà không có chiếc mũ bảo vệ quen thuộc.
Không chỉ mũ bảo vệ, ngay cả những chiếc áo đấu với hai màu xanh – đỏ cũng có khả năng bị loại khỏi Olympic trong tương lai, khi ranh giới giữa quyền Anh nhà nghề và quyền Anh nghiệp dư đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Người phát ngôn của Hiệp hội quyền Anh nghiệp dư quốc tế (AIBA) trong một cuộc phỏng vấn của kênh Reuters đã cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận các đề xuất về việc loại bỏ áo đấu. Việc này cần phải được xem xét kĩ càng bởi một uỷ ban do AIBA thành lập và cần được chấp thuận bởi ban điều hành Hiệp hội. Sau đó chúng tôi sẽ gửi các kiến nghị tới IOC.”
Không giống với các VĐV nhà nghề, chỉ mặc quần sọc và ở trần khi thi đấu, các VĐV quyền anh nghiệp dư luôn luôn mặc một chiếc áo đấu ba lỗ với màu đỏ hoặc xanh. Lý do ban đầu chỉ đơn giản là chiếc áo đấu giúp các VĐV trông không quá hở hang hoặc giúp thấm mồ hôi.
Trước đó, từng có ý kiến về việc đưa vào sử dụng loại áo đấu “thông minh”, có gắn các cảm biến để tính điểm cho các cú ra đòn trúng đích. Tuy nhiên AIBA đã loại bỏ phương án này và sử dụng hệ thống thang điểm 10 của quyền Anh nhà nghề.
Năm 2011, ông Wu Ching-ko, chủ tịch của AIBA đã từng phát biểu rằng “chúng tôi vẫn cần phải giữ chiếc áo đấu trên sàn quyền Anh nghiệp dư để thể hiện quốc tịch của các võ sĩ”. Tuy nhiên từ ngày phát biểu của ông Wu tới nay, quyền Anh quốc tế đã có rất nhiều thay đổi.
Tháng 6/2016 vừa qua, AIBA đã chính thức "mở cửa" sân chơi Olympic cho cả những võ sĩ nhà nghề.
Theo đó, các võ sĩ chuyên nghiệp đang thi đấu ở World Series Boxing theo dạng hợp đồng với AIBA, hoặc thậm chí cả các võ sĩ tự do thi đấu tại giải chuyên nghiệp do AIBA tổ chức là APB Boxing cũng được quyền tham dự Olympic. Tại các giải kể trên, chiếc mũ bảo vệ và áo đấu của võ sĩ đã không còn tồn tại.
Chiến dịch “Bỏ mũ” của AIBA trong năm 2015
Vấn đề nên giữ hay nên bỏ chiếc mũ bảo vệ, kể từ khi nó được sử dụng lần đầu tiên tại kì Thế vận hội năm 1984, sẽ vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi dai dẳng. Tuy nhiên các quan chức của AIBA tỏ ra rất tự tin về quyết định của Hiệp hội.
“Cả những nghiên cứu thống kê của chúng tôi, lẫn sự phản hồi từ các võ sĩ và huấn luyện viên đều cho thấy rằng quyết định loại bỏ mũ bảo vệ là đúng đắn, vì tương lai phát triển của môn thể thao này” – Ông Wu nhấn mạnh hồi tháng 3.
Các võ sĩ nghiệp dư đã trải qua hai mùa giải vô địch thế giới các năm 2013 và 2015 để làm quen với việc thi đấu không mũ. Quyền Anh nữ, môn thi chỉ mới được đưa vào chương trình Olympic kể từ London 2012, sẽ vẫn tiếp tục thi đấu với chiếc mũ bảo vệ trong khi chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn.
Mike Loosemore thuộc Học viện thể thao Anh quốc (EIS), người được IOC giao trách nhiệm chủ trì các nghiên cứu liên quan đến đề xuất của AIBA về việc loại bỏ mũ bảo vệ tại Rio 2016, cũng lên tiếng ủng hộ bước đi này.
Mike Loosemore tiến hành so sánh số lượng các cú knockout bởi đòn đấm vào vùng đầu tại các giải đấu World Series Boxing và các số liệu tương tự tại Giải vô địch thế giới các năm 2009, 2011 và 2013.
Kết quả cho thấy, số lượng các cú hạ đo ván do đòn đấm vào vùng đầu giảm đi đáng kể trong năm 2013, thời điểm chiếc mũ bảo vệ bắt đầu được loại bỏ.
Theo Loosemore, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc các võ sĩ sẽ trở nên an toàn hơn khi không có mũ bảo vệ. Ông cho biết: “Theo tôi, các võ sĩ có xu hướng sẵn sàng nhận đòn và ra đòn khi họ được đội mũ bảo vệ, bởi họ nghĩ chiếc mũ sẽ giúp họ tránh được những nguy hiểm.”
“Mặt khác, đội mũ bảo vệ làm giảm tầm nhìn của võ sĩ khá đáng kể đối với các cú đấm vòng cầu từ hai bên, trong khi đây lại chính là đòn đánh có tính sát thương cao nhất.” – Loosemore nói.
IOC cũng đồng thời sử dụng kết quả từ một nghiên cứu khác của một nhà khoa học người Úc, dùng hình nộm người bằng cao su để đánh giá tác động của các cú đấm vào vùng đầu.
Các bằng chứng cho thấy, việc loại bỏ mũ bảo vệ khiến các võ sĩ có khả năng hứng chịu nhiều vết xước, rách ở vùng mặt hơn, nhưng lại giảm đáng kể nguy cơ chấn thương.
Điều này đồng nghĩa với việc khán giả có thể sẽ chứng kiến những trận đấu nhiều “máu me” hơn so với trước. Và số lượng các trận đấu được kết thúc do các võ sĩ thua trận chịu nhiều vết rách chảy máu ở vùng mặt sẽ tăng lên.
Tuy nhiên AIBA cũng đã lường trước những tác động này. Trong chiến dịch “Bỏ mũ” được thực hiện khá rầm rộ trong năm 2015, AIBA cũng giới thiệu rất nhiều các loại kem bôi có tác dụng ngăn các vết xước và rách da dành cho các võ sĩ.