Trong tiềm thức của người dân đất Cảng, cái tên Đinh Bảng, Đinh Môn là biểu tượng sống của môn quyền Anh nơi đây. Họ không chỉ là những võ sĩ tiêu biểu cho trường phái Hải Phòng mà còn là sự bổ khuyết hoàn hảo cho nhau để tạo một cặp bài trùng trong nghiệp làm thầy với những học trò sau này là đại diện xứng đáng cho lớp quyền Anh thứ ba.
Ngọn lửa đam mê
Ngay thời gian Hải Phòng chưa giải phóng thì quyền Anh (cùng với bóng đá) là môn thể thao được người dân đón nhận hào hứng nhất. Những trận so găng giữa các võ sỹ ngoại quốc (chủ yếu là người Pháp) khi đó tại trại Pháo thủ gần cầu Xi măng hoặc rạp Tân Việt (hiện nay) luôn là sự kiện được đón chờ vào mỗi cuối tuần. Trong hồi ức của những người đã sống ờ thời kỳ tạm chiếm thì các trận đấu của Delaney (người Pháp), Ripha (võ sỹ Italia) với các võ sỹ ngoại khác, hay những cuộc tranh tài của họ với các lò quyền Anh Hà Nội, Nam Định là những trận tỷ thí được truyền tụng đến mãi về sau.
Do điều kiện xã hội thời đấy mà các phòng tập chủ yếu là của người Pháp (người Việt chỉ có duy nhất phòng tập của ông Thăng Lân, Đài Truyền hình bây giờ) thường tập trung ở gần trại lính. Người Việt vì vậy đến với quyền Anh và học hỏi, đúc rút kỹ thuật, biết đến ngón nghề chỉ có thể qua quan sát những màn tỷ thí nhờ làm phụ tại phòng tập.
Trận thắng lịch sử của Thăng Lân
Những người đầu tiên tập và chơi quyền Anh trên đất Cảng là anh em nhà Nguyễn Lân, Nguyễn Lan (sau dạy bóng đá là thầy của nhiều danh thủ Hải Phòng và ĐTQG); Lê Xuân Nhân; Tô Long, Phan Sang (sau này về Hà Nội)… Họ càng được tiếp thêm niềm tin để chơi môn thể thao vốn đòi hỏi nhiều về sức mạnh sau trận thắng của ông Thăng Lân trước một võ sỹ người Pháp, trận thắng hiếm hoi của võ sỹ Việt Nam tại miền Bắc khi đó.
Kết quả của trận đấu không chỉ có ý nghĩa phân định cao thấp mà còn như để chứng minh rằng: người Việt có thể chơi tốt này nếu luyện tập đúng phương pháp để nâng sức mạnh và cải thiện các kỹ năng khác mà di chuyển là yếu tố đặc biệt quan trọng. Sau này ông Thăng Lân di cư vào Nam và vô địch nhiều năm tại Sài Gòn. Không biết có phải do hiệu ứng hay không mà hai phòng tập của người Việt được ra đời gần như sau đó, một tại chùa Vẻn (đường Tô Hiệu) của ông Nghiêm Viết Nghiêm, một tại trường Nguyễn Văn Tố ngày nay.
Phong trào quyền Anh Hải Phòng có đất sống mạnh mẽ từ đó với lứa võ sỹ thứ hai gồm anh em nhà Đinh Bảng, Đinh Môn; Phạm Lợi, Mai Hòa, Trần Toàn, Bá Tỵ, Phùng Gia Thành mà hai người đầu là biểu tượng. Người anh được biết đến là đại diện cho trường phái quyền Anh Hải Phòng với sức mạnh của những cú đấm dựa trên khả năng linh hoạt đến mức có ảnh hưởng với hầu hết lứa võ sỹ hàng đầu sau này của thành phố, trong khi người em nổi bật với khả năng tự học và thành công nhờ phương pháp huấn luyện.
Khẳng định vị thế và tự hoàn thiện
Giống như bóng đá, sau khi Hải Phòng giải phóng (13/5/1955), những người yêu quyền Anh càng có dịp để thể hiện lòng đam mê và tình yêu với môn thể thao này. Nhiều phòng tập được mở như lò của Bá Tỵ (ở Hồ Nam), người chơi đến với môn này ngày một đông hơn, và thực sự quyền Anh đã chiếm được chỗ đứng trong lòng người dân thành phố Cảng. Ngoài việc tập luyện, thi đấu với nhau, các võ sỹ Hải Phòng còn có cơ hội để tập cùng với một số hàng binh như Fenande (người Pháp) và Paulo (người Italia).
Cũng thời gian này, thành phố và Ban Thể thao đã cho xây dựng môn quyền Anh với phòng tập đầu tiên trong khuôn viên của Ban. Người được giao trọng trách là cụ Nguyễn Lan, với sự hưởng ứng và tham gia của hầu hết tên tuổi thời đó như Tô Long, Phan Sang, Lê Xuân Nhân, Đinh Bảng, Đinh Môn… Đó là giai đoạn phát triển mạnh thứ 2 trong tiến trình lịch sử quyền Anh Hải Phòng. Các võ sỹ vừa thi đấu, vừa tự tích lũy kinh nghiệm cho những ai sẵn sàng bước vào công tác huấn luyện như mong muốn của ngành thể thao trước khi quyền Anh cả nước bước vào giai đoạn trầm lắng (1964-1972) do chiến tranh phá hoại.
Thu Ngân