Càng ở trình độ cao, Boxing càng ít phụ thuộc vào may mắn. Mỗi đường đi, nước bước trong boxing đều là chiến thuật và chiến thuật. Các võ sĩ phải tính toán mọi thiệt hơn, phân tích mọi điểm yếu, mạnh của đối thủ và phán đoán mọi cơ hội có thể xảy ra trong trận đấu của họ. Theo lẽ đó, chuyện ăn đòn đương nhiên cũng phải nằm trong dự tính của họ.
Trong Boxing, mọi thứ đều phải được suy tính
Ăn đòn, cơ hội và những đánh đổi
Không ai muốn bị ăn đòn cả. Những đau đớn, những ức chế trong mỗi pha lãnh đòn trọn gói đều là tiền đề cho những thất bại, do đó, thật khó để phủ nhận một sự thật rằng, ăn đòn là điều khó chịu khi thi đấu. Nhưng đó là những đánh đổi dễ nhìn nhận nhất, ăn đòn vẫn mang đến những cơ hội nhất định, những cơ hội để có được một chiến thắng sát sao.
Khi ra đòn, điều đó đồng nghĩa với việc đối thủ đã sơ hở. Khi tung ra quá nhiều đòn, chuỗi đòn dài, đối thủ đã bị tiêu hao rất nhiều thể lực. Khi đối thủ say đòn, đó cũng là lúc họ lơi là nhất và dễ dàng hụt hơi sau pha bung sức của mình. Đó chính là những cơ hội mà kẻ "chịu trận" đang rình rập tìm kiếm.
Trong số những võ sĩ có lối đánh chịu đòn hiệu quả nhất có lẽ phải kể đến 2 tên tuổi George Foreman và Gennady Golovkin. Một huyền thoại thập niên 70, 90 và một huyền thoại đương đại với lối đánh Mễ máu lửa.
George Foreman và sự lệ thuộc vào sức mạnh
Nếu nói về lối đánh "chịu đấm ăn xôi", có lẽ George Foreman của những năm 90 chính là minh chứng rõ ràng nhất. Quay trở lại với Boxing vào năm 1987, tức sau 10 năm giải nghệ, Foreman khi đó đã trở thành một ông già béo bụng và cục mịch. Tốc độ, và thể lực của ông cũng không còn như xưa, nói cách khác, tất cả những gì đã tạo nên tay đấm huyền thoại những năm 70 đều đã bị mai một. Quay trở lại với Boxing nhà nghề, George Foreman già chỉ còn giữ được 2 tố chất duy nhất thể hình và sức mạnh.
Khối lượng cơ bắp đồ sộ của Foreman luôn đem đến những cú đấm như búa bổ, thể hình to lớn của ông luôn giúp ông tìm được lợi thế trước mọi đối thủ trẻ tuổi hơn. Chính vì vậy, sau khi quay trở lại với Boxing, Foreman đã tận dụng triệt để 2 yếu tố then chốt này. Điển hình nhất chính là trong trận đấu với nhà vô địch trẻ Michael Moorer, ngôi sao của hạng nặng thời bấy giờ.
Bước vào trận đấu, Foreman hoàn toàn ý thức được rằng ông không có cơ hội thắng điểm trước Michael Moorer, do đó, ông liên tục tìm kiếm cơ hội để tung ra cú tay sau trời giáng. Đương nhiên, Michael Moorer cũng ý thức được chiến thuật này của Foreman, nhà vô địch trẻ luôn dùng tốc độ để áp đảo tay đấm già nua.
Moorer đã gây rất nhiều khó khăn cho George Foreman trong cả trận đấu
Tuy nhiên, "đạo cao một thước, ma cao một trượng", George Foreman vốn không chủ đích gỡ điểm trước Michael Moorer, ông vào trận với tâm thế giữ Moorer gây ra càng ít sát thương càng tốt. Ở những hiệp đầu tiên, Foreman lợi dụng thể hình chiếm giữa sân và chỉ dùng tay trước để kìm hãm những pha đòn của Moorer. Tất nhiên, với tài năng của mình, Moorer vẫn sẽ vượt qua cánh tay trái của Foreman. Dù vậy, mục tiêu chính của tay đấm già vẫn chỉ là ăn đòn ít nhất có thể mà không phải tiêu hao quá nhiều thể lực. Foreman ở những hiệp đầu tiên hoàn toàn chỉ tập trung vào nhiệm vụ kìm hãm và phòng thủ.
Ở những hiệp đấu tiếp theo, Moorer tìm được đường tấn công, tay đấm trẻ liên tiếp khiến Foreman phải "lên bờ xuống ruộng" và nhiều lần phải loạng choạng. Nhưng cũng chính vì việc "bán hành" quá dễ dàng như thế, Michael Moore đã bắt đầu lơi là. Nhà vô địch ở những hiệp đấu cuối bắt đầu bị cảm xúc chi phối, anh ra đòn rất nhiều và rất hăng, thậm chí còn nhiều lần bước vào cự ly đổi đòn với George Foreman thay vì di chuyển khỏi tầm đánh của huyền thoại. Trong những hiệp cuối, George Foreman đã đánh trật rất nhiều, ông chỉ tung được một cú tay phải chính xác vào cuối trận đấu, và chỉ cần như thế, ông đã chiến thắng. Sự kiên nhẫn, kinh nghiệm và sự quyết đoán trong việc đánh đổi đã giúp Foreman trở thành nhà vô địch ở độ tuổi nghỉ hưu của Boxing
Gennady Golovkin ăn đòn đổi cự ly và áp lực
Sẽ còn rất lâu nữa, thế giới mới xuất hiện một võ sĩ tiếp theo có khả năng chịu đòn "đỉnh" như Gennady Golovkin, nhưng Golovkin hoàn toàn không leo lên đỉnh cao chỉ nhờ chiếc cằm thép. Anh chỉ khéo léo tận dụng chiếc cằm thép của mình để giúp bản thân trở thành tay đấm hạng trung đáng sợ bậc nhất lịch sử.
Một trong những kỹ năng nổi bật nhất của Gennady Golovkin chính là khả năng cutting the ring, dồn góc. Để hỗ trợ cho kỹ năng này, Golovkin lại được "sắm" thêm cho mình 2 kỹ năng quan trọng nữa là sức mạnh và sự lì lợm. Sức mạnh để đối thủ không dám liều lĩnh "mở đường máu" chạy khỏi góc chết, sự lì lợm để đối thủ không thể đẩy lùi được áp lực từ GGG. HLV Abel Sanchez đã rất xuất sắc trong việc phối hợp những khả năng thiên phú của Golovkin để tạo ra con quái vật Kazakhstan như hiện tại trong hạng cân mà dường như tốc độ được đánh giá cao hơn cả sự lì lợm lẫn sức mạnh.