Trong cuốn sách Bruce Lee Jeet Kun Do: Bruce Lee commentaries on the Martial Way, cha đẻ của Triệt Quyền Đạo đã cho biết cảm nhận của ông về đòn đấm sau khi dành nhiều thời gian để luyện tập và nghiên cứu các môn võ trên thế giới. Theo Lý Tiểu Long, ông tin rằng đòn đấm và vũ khí quan trọng hơn đòn đá. Cụ thể hơn ông đã nói trên trang 206.
“Đôi chân là vũ khí mạnh hơn, nhưng suy cho cùng, người có đòn đấm tốt hơn sẽ là người chiến thắng.”
Tuy Lý Tiểu Long đã không giải thích cụ thể vì sao ông đi đến kết luận này, có thể hiểu đòn đấm là một vũ khí quan trọng hơn vì những lí do sau:
- Tốc độ: Đòn đấm sẽ luôn trúng mục tiêu nhanh hơn đòn đá vì khoảng cách mà nắm đấm phải di chuyển đến mục tiêu ngắn hơn. Ngoài ra vì đòn đấm thu tay về vị trí thủ nhanh hơn đòn đá, khả năng bộ phận cơ thể bị bắt trúng và phản đòn cũng thấp hơn.
- Tiết kiệm sức lực: Do đôi chân vốn dĩ nặng hơn đôi tay, việc thực hiện đòn đá sẽ dễ khiến cho võ sĩ kiệt sức hơn.
- Hiệu quả cao ở tầm gần: Với việc hầu hết các trận đấu (dù là thực chiến hay trên võ đài MMA) đều dẫn đến việc đôi công đổi đòn ở khoảng cách cận chiến giữa 2 người, việc đấm giỏi hơn sẽ có lợi thế rất lớn.
- Thăng bằng cơ thể: Hầu hết các cú đá đều yêu cầu phải xoay trục cơ thể và dồn trọng tâm vào 1 chân, nếu đòn đá bị chặn, người tung đòn sẽ dễ mất thăng bằng và té ngã hơn đấm.
- Khả năng di chuyển linh hoạt: Nếu chỉ tập trung vào nắm đấm, võ sĩ có thể di chuyển linh hoạt và tấn công từ nhiều góc độ. Với người đề cao tốc độ đi chuyển như Lý Tiểu Long, đây là một yếu tố rất quan trọng.
Lý Tiểu Long luyện tập Boxing.
Tất nhiên, Lý Tiểu Long không hề phủ nhận rằng đòn đá có tầm xa và khả năng sát thương cao hơn. Chính vì điều này, trong cuốn sách Tao of Jeet Kun Do, trang 172 Lý Tiểu Long đã đưa ra những đòn phối hợp bắt đầu bằng cú đấm để tung ra đòn đá hiệu quả.
- Đấm vào vùng thân – Đá móc bằng chân trước vào đầu
- Đấm vào vùng thân – Đá xoay gót vào đầu
- Đấm móc – Đá ngang
- Đấm móc – Đá móc
Lý Tiểu Long đã không ghi cụ thể rằng nên đấm bằng tay nào và đá bằng chân nào, ở trang tiếp theo ông đã cho biết “Khi nghiên cứu các đòn phối hợp tay chân, hãy tự xem cách phối hợp tay trái chân trái, tay phải chân phải như thế nào là tự nhiên với cơ thể nhất.”