Nhắc đến HLV của Mike Tyson, hầu hết mọi người chỉ nhớ đến Cus D'Amato - người thầy đầu tiên, người được Tyson miêu tả là "người cha thực sự". Nhưng còn một HLV khác đã đem lại vinh quang cho Mike Thép, người huấn luyện viên mà Mike vẫn nợ một lời xin lỗi: Kevin Rooney.
Ở thời điểm những năm 80, Mike Tyson là đối thủ kinh khủng nhất mà người ta muốn đối mặt trên sàn đấu.
Dù thấp nhỏ so với các võ sĩ cùng hạng cân, Mike Thép vẫn hạ knockout những đối thủ khổng lồ như những Larry Holmes, Michael Spinks, Donovan Ruddock. Những trận đấu, những pha ra đòn của Mike Tyson luôn để lại dấu ấn khó quên với một vẻ đẹp cuồng dã và táo bạo.
Cho đến nay Mike Tyson vẫn là tay đấm hạng nặng trẻ nhất trong lịch sử quyền Anh nắm giữ đai vô địch các giải WBC, WBA, IBF.
Đề cập đến Mike Tyson, không thể quên được người thầy đầu tiên đã đưa Mike lên võ đài Quyền Anh - HLV huyền thoại Constantine "Cus" D'Amato.
Là "người cha thực sự" với Mike Tyson, D'Amato không chỉ cứu Tyson khỏi cuộc sống của giới xã hội đen, mà còn là nguồn cảm hứng đưa anh đến đỉnh vinh quang, trở thành nhà vô địch vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Boxing.
Đáng tiếc, còn chưa kịp nhìn thấy Mike Tyson lên đấu Quyền Anh chuyên nghiệp, Cus D'Amato đã qua đời vì chứng viêm phổi.
Người tiếp theo chịu trách nhiệm huấn luyện cho Mike là "sư huynh" Kevin Rooney, một trong số những huấn luyện viên xuất sắc nhất mà Cus D'Amato từng đào tạo. Có điều, dù đã góp phần hết sức quan trọng trong các trận đấu chuyên nghiệp của Mike Tyson, Kevin Rooney lại không mấy khi được nhắc đến trong những câu chuyện của Mike. Vì sao lại vậy?
Clip Mike Tyson tập đấm pad với Kevin Rooney:
"Khi Cus qua đời vào năm 1985, ông ấy giao Mike cho tôi. Cus bắt tôi hứa sẽ phải chăm lo cho cậu ta," Kevin Rooney, lúc này đã hơn 60 tuổi, vò đầu kể lại chuyện năm xưa. "Ông ấy luôn sợ Mike sẽ bị bạn bè lôi kéo vào con đường xấu một lần nữa."
"Thời điểm đó, việc Cus qua đời đã ảnh hưởng sâu sắc đến chúng tôi và những người khác," Mike Tyson cũng thừa nhận mối quan hệ khăng khít giữa ông, HLV Rooney và những người đồng đội khác trong một phỏng vấn khác với AP vào năm 1996.
"Chúng tôi không chỉ là người chung cùng một đội, mà còn là những người anh em. Chúng tôi có cùng một người cha, đó là Cus."
Kevin Rooney có thành tích Quyền Anh 21-4-1 trước khi chính thức chuyển sang làm HLV toàn thời gian. Là đệ tử ruột của Cus D'Amato, Rooney thiên về phong cách "Peak-a-Boo" đặc thù của Cus: dựng khiên cao ngang tầm mắt, vừa tăng phòng thủ cho vùng đầu, vừa dễ tung ra những cú jab vào mặt đối thủ.
Chịu trách nhiệm huấn luyện Mike Tyson kể từ năm 1985 đến 1988, chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, Rooney đã cùng Tyson giành 35 trận thắng liên tiếp. Có đến 31 trận Mike đã thắng bằng knockout. 10 trận trong số đó là những trận tranh đai vô địch trước những cái tên như Trevor Berbick, Larry Holmes, Tony Tucker.
Đáng tiếc, cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Giữa năm 1988, ở đúng thời điểm hoàng kim nhất trong sự nghiệp của Mike Tyson, mâu thuẫn giữa các thành viên phía sau hậu trường cũng lên đến đỉnh điểm.
"Có nhiều chuyện đã diễn ra vào thời điểm đó," Kevin Rooney vẫn tỏ ra buồn khi nhắc đến mâu thuẫn giữa mình và Mike Tyson.
"Người quản lý của chúng tôi, Jimmy Jacobs qua đời bởi ung thư. Jimmy là một người anh đáng kính... Sau đó, Mike cưới cô vợ đào mỏ của cậu ta, Robin. Robin can thiệp rất nhiều vào việc tập luyện của Mike, dưới danh nghĩa là "quản chồng", nhưng ai cũng biết cô ta muốn tiền."
"Sau đó nữa thì Don King bước vào câu chuyện. Mike lần lượt sa thải người quản lý Bill Cayton, và sau đó là đến tôi."
Mike Tyson làm thân với Don King, và quyết định để King trở thành người quản lý mới. Người quản lý đương nhiệm Bill Cayton, một trong số những người đã gắn bó với Mike từ thời Cus D'Amato còn sống, bất ngờ bị thôi việc. Sau đó không lâu, Kevin Rooney cũng bị đuổi khỏi đợt huấn luyện của Mike do dám "về phe" với Bill Cayton.
"Tôi nghĩ đó là một sự phản bội từ phía Kevin," Mike Tyson nói trong một phỏng vấn vào năm 1989.
"Kevin từng là, thậm chí vẫn là một người anh trai của tôi. Anh ta đáng lẽ không nên bôi nhọ Robin và Don King trên truyền hình. Tôi không giận dữ về điều đó, nhưng với tôi, đó là một sự phản bội. Kevin còn đâm đơn kiện tôi, và vậy là chấm hết một mối quan hệ."
"Đôi khi tôi ước giá như Cus còn sống. Nếu ông ấy còn sống, toàn bộ chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra," Kể lại chuyện cũ, Kevin Rooney thở dài.
Rooney thừa nhận mối quan hệ giữa ông và Mike Tyson đã đi xuống khá nhiều sau khi Mike thành công thống nhất những chiếc đai hạng nặng. Vụ việc của Bill Cayton chỉ là mồi lửa để những mâu thuẫn đó bùng cháy lên mà thôi.
"Đáng lý khi Cus qua đời, vẫn còn Bill Cayton và Jimmy Jacobs đóng vai trò người quản lý cho chúng tôi. Jimmy lo tiền nong giao thiệp bên ngoài, Bill chủ trì việc tập luyện và các hoạt động khác. Khi Jimmy mất, Robin và mẹ của cô ta bắt đầu rót mật vào tai Mike, rằng Bill và tôi đang trộm tiền của cậu ta, và Mike nên để họ quản lý chỗ tiền đó."
"Có lẽ, trong thâm tâm Mike không tin chúng tôi sẽ phản bội cậu ấy theo cách đó, nhưng cậu ta vẫn bị ảnh hưởng bởi cô vợ ra rả bên cạnh. Don King thì đơn giản là muốn loại trừ chúng tôi ra để ông ta độc chiếm quyền quản lý Mike."
Vắng Kevin Rooney, những bước di chuyển của Mike Tyson không còn sắc bén như xưa. Phong độ của Mike Thép sụt giảm thấy rõ qua trận đấu với Buster Douglas - trận đấu đầu tiên mà Mike phải nếm mùi thua cuộc trên võ đài quyền Anh chuyên nghiệp. Trong khi đó, những người ở lại với Mike Tyson - cô vợ Robin Givens và gã quản lý Don King - lại toàn là những kẻ đào mỏ.
"Tôi đã có những quyết định hết sức ngu xuẩn," Mike Tyson nhận định về chính mình trong cuốn tự truyện "Sự thật trần trụi".
Dù vậy, kể cả sau khi chấm dứt với Don King, Mike Tyson cũng không có ý định gặp lại Kevin Rooney, thậm chí chẳng buồn nhắc đến Rooney hay Bill Cayton trong những bản hồi ký. Tất cả những gì Mike Thép đề cập trong câu chuyện của ông là người cha tinh thần Cus D'Amato.
"Chúng tôi cũng đã già, Bill (Cayton) qua đời từ năm 2003 rồi," Kevin Rooney nói, thừa nhận rằng ông cũng có một phần lỗi lầm trong chuyện năm xưa.
"Từ hồi đó, Mike chưa bao giờ gọi cho tôi hay đến thăm. Nếu Mike muốn, cậu ta biết tôi ở đâu: tôi vẫn ở cái nhà mà tất cả chúng tôi đã ở từ những năm 80 ấy."