Sau khi áp đảo đối thủ bằng nhiều đòn đánh, võ sĩ của đơn vị Quận 7 mặc dù được các trọng tài bàn chấm thắng 2-1 toàn trận nhưng vẫn bị xử thua với lý do tới từ Ban trọng tài cho rằng: “Tuy đánh trúng điểm nhiều hơn nhưng lực đòn đánh không mạnh bằng đối thủ”. Không đồng ý với kết quả này, một HLV của Quận 7 đã cố gắng phân bua với Ban trọng tài ngay sau khi trận đấu kết thúc, trong khi đó, VĐV của đơn vị này vẫn đứng trên sàn đấu khiến các trận đấu tiếp theo cũng vì thế mà bị gián đoạn thêm 10 phút.
Từ khi nào mà lực đánh lại trở thành yếu tố chấm điểm then chốt của Boxing nghiệp dư AIBA?
Lời giải thích không thỏa đáng từ ban giám khảo đã mở ra hàng loạt những câu hỏi không có lời giải khác: Giữa lực đánh và kỹ thuật đánh, yếu tố nào quan trọng hơn để xác định chiến thắng? Làm sao để có thể xác định chính xác được rằng lực đánh của võ sĩ nào nặng hơn mà không có thiết bị đo lường chính xác? Nếu như lực đánh thật sự chiếm thế thượng phong, vậy tại sao còn phải chấm điểm kỹ thuật là 2-1? Điểm lực đánh và điểm kỹ thuật sẽ bù trừ cho nhau như thế nào nếu như một võ sĩ áp đảo về kỹ thuật và đối thủ còn lại áp đảo về sức mạnh?
Sự không rõ ràng đến từ chính những người giám khảo đã khiến bộ môn nghệ thuật như Boxing dần trở nên xấu xí hơn rất nhiều. Trên thế giới, Boxing có Floyd Mayweather, Vasyl Lomachenko,... đều là những tay đấm xuất sắc nhất hiện tại dù sức mạnh chỉ chiếm phần nhỏ trong lối chơi của họ. Nên nhớ rằng, cả Lomachenko và Mayweather cũng đều đã từng là những võ sĩ Boxing Olympic (AIBA Boxing). Họ đã giành chiến thắng nhờ vào kỹ thuật và điểm số trên võ đài, không phải dựa vào sức mạnh thuần túy.
Nếu giám định Olympic thực sự coi trọng lực đánh hơn kỹ thuật, Lomachenko sẽ chỉ mãi là một võ sĩ nghiệp dư thành tích yếu.
Cách tổ chức và cách chấm điểm quan liêu chủ quan này của các giám định giải Boxing năng khiếu - trẻ TPHCM liệu đã giết chết giấc mơ của bao nhiêu Lomachenko Việt Nam? Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có những Lomachenko hay những Mayweather nếu như giấc mơ và tài năng của họ bị vùi dập từ những ngày chập chững với đam mê.
Võ sĩ Việt là những người rất siêng năng, họ sẵn sàng đánh đổi cả máu và nước mắt trên phòng tập. Chuyện thắng thua từ lâu vốn không phải là lỗi của những người võ sĩ. Trách nhiệm này đến từ những người "cầm cân nảy mực" của trận đấu. Có thể đối với các giám định, đó chỉ là một buổi chấm điểm qua loa mệt mỏi, nhưng đối với võ sĩ, đó là tất cả công sức tập luyện cũng như mồ hôi và nước mắt của họ.