Chuyện đời giông bão của Đặng Hiếu Hiền - tượng đài boxing Việt Nam đầu tiên dự Olympic

N.Đ
thứ sáu 27-3-2020 2:30:00 +07:00 0 bình luận
Đặng Hiếu Hiền, huyền thoại boxing Việt Nam đầu tiên từng góp mặt ở một kỳ Olympic (Seoul 1988) đã từng có thời phải bỏ nghề để làm lơ xe...

Vào những năm thập niên 1980, cả đất nước đang ở trong tình trạng khó khăn và các vận động viên như Đặng Hiếu Hiền cũng không nằm ngoài hoàn cảnh chung đó. Điều kiện tập luyện, ăn uống,... đều rất thiếu thốn, thậm chí kham khổ. Đội boxing nhiều khi không có cả HLV và phải tự tập theo giáo án từ nước ngoài gửi về.

Võ sĩ Đặng Hiếu Hiền sinh ngày 20/10/1966 tại đất võ Bình Định. Thuở nhỏ vì thấp bé nhẹ cân, ông được cha cho đi học võ để tự vệ. Đặng Hiếu Hiền bước chân vào võ thuật lần đầu tiên với môn võ cổ truyền, sau đó dần chuyển sang võ tự do.

Sớm bộc lộ nhiều tố chất của một tay đấm, Đặng Hiếu Hiền nghe theo lời khuyên của thầy là võ sư Kim Dũng và chuyển sang tập boxing. Năm 1984, Đặng Hiếu Hiền trở thành hiện tượng khi giành HCV giải quyền anh Quy Nhơn (khi đó còn là thị xã) ở tuổi 18. Đây cũng là bước đệm để ông được triệu tập lên đội tuyển boxing quốc gia sau này.

Chuyện đời giông bão của Đặng Hiếu Hiền - tượng đài boxing Việt Nam đầu tiên dự Olympic
HLV Đặng Hiếu Hiền cùng học trò (Ảnh: Thanhnien)

Trong khoảng thời gian những năm 80, thể thao Việt Nam ở trong tình trạng thiếu thốn đủ điều. Tập luyện và ăn uống đều kham khổ, thậm chí, nhiều đội tập còn không có HLV và chỉ tập theo giáo án huấn luyện từ nước ngoài gửi về.

Dù gian khổ khó khăn là thế, những trở ngại này chỉ càng hun đúc tinh thần của Đặng Hiếu Hiền. Năm 1988, Đặng Hiếu Hiền cùng hai người đồng đội là Đỗ Tiến Tuấn và Tạ Quang đăng ký tham dự 2 giải đấu lớn được tổ chức tại Cuba, Giải quyền anh quốc tế Cardin lần thứ XXI và Giải quyền anh quốc tế MOA. Giải Cardil có khoảng 300 VĐV của 28 quốc gia trên thế giới tham dự và giải MOA có 150 VĐV của 14 quốc gia tham dự.

Đặc biệt hơn, cũng trong năm 1988, Đặng Hiếu Hiền đã làm nên kỳ tích khi hạ KO đối thủ người Tây Ban Nha tại thế vận hội Seoul 1988. Những tưởng khi lập nên nhiều thành tích như thế, sự nghiệp võ thuật của Đặng Hiếu Hiền sẽ rực rỡ hơn thì năm 1994 Đặng Hiếu Hiền phải giã từ nghiệp võ chỉ vì một sự cố đáng tiếc.

Clip thi đấu của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền tại Olympic Seoul 1988

Tại giải VĐQG năm 1994 tổ chức tại Hải Phòng, trong trận đấu giữa Đỗ Tiến Tuấn (người cùng dự Olympic với Hiếu Hiền) và Nguyễn Anh Tuấn, loạn đả đã xảy ra cả trên sàn đấu lẫn dưới khán đài. Các võ sĩ nhảy vào đánh nhau và tấn công cả trọng tài, trong khi đó, ban tổ chức cũng hoàn toàn mất sự kiểm soát trước những khán giả bị kích động mạnh.

Sự cố nghiêm trọng đó dẫn đến hậu quả nặng nề cho boxing: Tất cả các hoạt động của môn thể thao này bị đình chỉ vô thời hạn. Boxing coi như bị xoá sổ tại Việt Nam, các HLV và VĐV bơ vơ khi các địa phương giải tán đội. Họ chỉ có hai lựa chọn: Giải nghệ hoặc chuyển sang luyện tập môn võ khác, ví dụ như Wushu.

Đặng Hiếu Hiền năm đó mới 28 tuổi, mới từ giã sự nghiệp thi đấu ít lâu và đang là HLV tại Sở Thể dục thể thao Bình Định. Ông buộc phải nói lời chia tay boxing khi vẫn còn rất nhiều hoài bão và mong muốn truyền lại những kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ học trò.

Võ sĩ Hiếu Hiền trở về làm phụ xe cho hãng xe khách của gia đình. Ông nhớ lại: “Đó là những ngày tháng rất cơ cực, cơm đường cháo chợ khi đi theo các chuyến xe. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng với việc môn quyền anh bị cấm thi đấu, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội quay lại”.

Mãi đến năm 2002, sau 8 năm bị cấm, boxing mới được phép trở lại. Đặng Hiếu Hiền thời gian này quay lại làm HLV. Trong số các học trò của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền, nổi bật có Trần Phú Cường, người từng giành HCV Cúp các CLB boxing toàn quốc năm 2011 và HCB Giải boxing Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 (đều ở hạng cân 54kg).

Dù trải qua nhiều thăng trầm, Đặng Hiếu Hiền đã may mắn nhận được một cái kết có hậu khi đến cuối cùng, ông vẫn có thể sống trọn vẹn với đam mê của mình.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm