-->> Boxing Việt Nam: Chuyện một giải đấu phải "cấp cứu" giữa giông bão (Kỳ 1)
-->> Boxing Việt Nam: Giải đấu dài chẳng giống ai với hạng cân... không tưởng (Kỳ 2)
-->> Boxing Việt Nam: Bức tranh xám và công văn xin lỗi của ông Chủ tịch (Kỳ 3)
-->> Boxing Việt Nam: Khi Liên đoàn và Bộ môn ở thế... xỏ găng lên đài (Kỳ 4)
Trong cuộc đối thoại với Webthethao, Tổng thư ký Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF), ông Vũ Đức Thịnh (trưởng Bộ môn Boxing, Tổng cục Thể dục Thể thao) cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và chỉ ra những vấn lùm xùm, nhức nhối trong cách điều hành quản lý của lãnh đạo VBF, mà tất cả cần phải sớm giải quyết dứt điểm ngay trong thời gian tới, bắt đầu bằng việc xúc tiến ngay công tác chuẩn bị cho kỳ Đại hội Liên đoàn vốn đã bị "lãng quên" hơn 1 năm qua.
Webthethao: Thưa ông Vũ Đức Thịnh, ở giải Boxing trẻ toàn quốc 2020 vừa qua xảy ra trường hợp VĐV Diễm Xương (đoàn Khánh Hòa) khai gian tuổi thi đấu và bị báo chí phát hiện, vậy ông đánh giá thế nào về sai phạm này?
Ông Vũ Đức Thịnh: Qua sự việc này tôi thấy cách xử lý của Ban tổ chức và Liên đoàn Boxing Việt Nam chưa được thỏa đáng. Vì khi phát hiện ra VĐV gian tuổi thi đấu, nhất là việc sử dụng chứng minh thư giả và HLV lại đổ lỗi cho VĐV "tự ý đi làm CMT giả", thì BTC phải giữ lại toàn bộ hồ sơ sự vụ để điều tra đến cùng.
Tôi đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao và từ đó có công văn yêu cầu giải trình gửi tới BTC địa phương Quảng Ngãi cũng như Liên đoàn. Đến nay mới có BTC địa phương trả lời, nhưng cũng rất chung chung, chưa có đề xuất xử lý sự việc trên như thế nào. Còn chúng tôi vẫn đang chờ cả ý kiến từ phía Liên đoàn.
Webthethao: Ngoài sự vụ nổi cộm của Diễm Xương, công tác trọng tài ở giải trẻ toàn quốc vừa qua tiếp tục là “nỗi bức xúc” với nhiều đoàn địa phương tham dự! Vậy cụ thể thực trạng vấn đền này thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Đức Thịnh: Phải thừa nhận rằng đội ngũ trọng tài ở giải trẻ toàn quốc mới đây vừa thiếu lại vừa yếu. BTC đã đi lấy tới một nửa là trọng tài ở Quảng Ngãi và những những người... gốc Quảng Ngãi đang làm việc tại TP HCM.
Việc đội ngũ trọng tài yếu kém dẫn tới những sự cố trên sàn đấu, ví như việc có một số đơn kiện khiếu nại kết quả thi đấu. Thậm chí có 2 trận phải mổ băng, chấm lại, dẫn tới việc phải "lật lại kết quả" đã chấm.
Đáng nói ở chỗ, khi mổ băng phân tích xem đi xem lại, kết quả rất rõ ràng nhưng nhiều trọng tài vẫn... chấm sai. Tôi đã chỉ ra những yếu kém của đội ngũ trọng tài nhưng ông Chủ tịch Liên đoàn lại giải thích rằng "đội ngũ trọng tài ở giải trẻ đảm bảo năng lực chuyên môn".
Thực tế là công tác tuyển chọn đào tạo đội ngũ trọng tài của Liên đoàn những năm qua không ổn. Tôi lấy thí dụ có trường hợp VĐV môn... bắn súng chuyển sang học một lớp tập huấn trọng tài trong ít ngày rồi đi bắt một giải cấp độ quốc gia.
Phải nói là ngay cả VĐV Boxing chuyển sang làm trọng tài cũng phải cần nhiều thời gian học hỏi, trau dồi kinh nghiệm bản lĩnh, chứ chưa nói đến VĐV ở các môn võ khác chuyển sang. Việc đội ngũ trọng tài yếu kém dẫn tới hệ quả tất yếu là nhiều kết quả sai lệch, khiến nhiều đoàn, VĐV bức xúc.
Webthethao: Nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, theo ông, vì sao công tác tổ chức giải trẻ toàn quốc vừa qua của Liên đoàn Boxing Việt Nam tiếp tục gặp những vấn đề như đã từng mắc phải trong quá khứ, đặc biệt là khâu chuyên môn trọng tài?
Ông Vũ Đức Thịnh: Thực ra chúng ta vẫn có những trọng tài Boxing chất lượng, giàu kinh nghiệm, nhưng khi Tổng cục TDTT chuyển giao quyền tổ chức các giải vô địch quốc gia cho Liên đoàn (2017), thì Liên đoàn lại phối hợp không tốt với Bộ môn Boxing.
Tôi có thể dẫn chứng ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, Bộ môn Boxing đã phối hợp rất tốt với Liên đoàn khi tuyển chọn được đội ngũ trọng tài rất tốt để bắt các trận đấu.
Năm đó môn Boxing rất thành công. Nhưng sau đấy gần một nửa số trọng tài đó không được Liên đoàn triệu tập đi làm nhiệm vụ, có lẽ do nhiều lãnh đạo trong Liên đoàn thấy "không chỉ đạo được" các trọng tài đó.
Webthethao:. Được biết, với vai trò trưởng Bộ môn Boxing Tổng cục TDTT và Tổng thư ký Liên đoàn Boxing VN, ông cũng ở trong thành phần BTC giải trẻ toàn quốc vừa qua, vậy vai trò và trách nhiệm của ông ở giải như thế nào?
Ông Vũ Đức Thịnh: Tôi rất bức xúc việc giải trẻ toàn quốc thay đổi thời gian tổ chức (dù là biện pháp bắt buộc do dịch Covid-19) nhưng Liên đoàn Boxing Việt Nam không thông báo với Vụ Thể thao thành tích cao 1, Bộ môn Boxing & Kickboxing để thống nhất lịch thi đấu.
Cùng thời điểm đó diễn ra giải Kickboxing VĐQG của Tổng cục TDTT tổ chức tại Bình Định, thế nên tôi chỉ kịp dự khai mạc giải trẻ ở Quảng Ngãi rồi phải về Bình Định điều hành giải Kickboxing.
Sau đấy khi kết thúc giải Kickboxing tôi lại ngược ra Quảng Ngãi và chỉ kịp dự chung kết, nhưng cũng đã kịp thời xử lý 2 trận đấu tranh cãi khiếu nại, buộc chấm lại kết quả thi đấu.
Ở đây, tôi phải thừa nhận một phần trách nhiệm cá nhân khi Liên đoàn và Bộ môn phối hợp chưa tốt.
Webthethao: Khi Liên đoàn Boxing Việt Nam ra đời năm 2015, điều này được đánh giá hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Boxing Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa và hoạt động hiệu quả theo mô hình xã hội hóa. Vậy theo ông, VBF đã hoạt động đúng với tôn chỉ, định hướng và sự hiệu quả như kỳ vọng ban đầu?
Ông Vũ Đức Thịnh: Khi thành lập Liên đoàn thì chúng tôi rất kỳ vọng Liên đoàn sẽ hỗ trợ bộ môn Boxing phát triển.
Chúng tôi cũng rất phấn khơi khi nhìn vào mục tiêu của Liên đoàn và đặc biệt kế hoạch mục tiêu của ông Chủ tịch (Trần Minh Tiến), người đã được Bộ môn và Tổng cục mời về.
Tuy nhiên, như báo chí vừa nhắc lại những ngày qua, khi thành lập Liên đoàn thì ông Chủ tịch tuyên bố Liên đoàn đã có 12 tỷ đồng tiền tài trợ các hoạt động của Boxing Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này thì... chưa thấy tỷ nào cả. Đó là vấn đề thứ nhất!
Thứ hai, đến lúc này Liên đoàn chưa hoàn thành bất kỳ mục tiêu quan trọng nào đề ra, ví như đưa Boxing Việt Nam phát triển, thành lập nhiều giải đấu, sân chơi cho Boxing... Nếu chúng tôi từng kỳ vọng bao nhiêu thì giờ thất vọng bấy nhiêu.
Điều duy nhất VBF làm được đó là tổ chức giải đấu cấp quốc gia cho lứa tuổi trẻ và lứa vô địch bằng nguồn tiền xã hội hóa. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc Liên đoàn vẫn vận động tài trợ để tổ chức giải là điều phải ghi nhận.
Nhưng đó là điểm sáng duy nhất. Còn lại, thí dụ việc hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho những VĐV trọng điểm, đạt thành tích cao của ĐTQG thì Liên đoàn cũng chưa làm được. Hồi đầu năm chúng ta có VĐV đi thi đấu và vượt qua vòng loại Olympic thì Liên đoàn cũng chưa có hỗ trợ gì đặc biệt, thậm chí chưa có nổi tấm bằng khen cho các cháu VĐV. Thực sự, chúng tôi thất vọng về nhiệm kỳ này của Liên đoàn!
Webthethao: Một vấn đề khác báo chí cũng đã đề cập đó là rất lâu rồi Liên đoàn Boxing không họp Ban chấp hành, Thường vụ và đặc biệt đã quá thời hạn tổ chức Đại hội để bầu lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt hơn 1 năm qua, vậy với vai trò TTK, ông giải thích thế nào việc này?
Ông Vũ Đức Thịnh: Đáng nhẽ tháng 9/2019 phải tổ chức Đại hội Liên đoàn Boxing Việt Nam nhưng đến lúc này tức là hơn 1 năm rồi vẫn chưa thấy có động tĩnh gì cho LĐ rục rịch tổ chức Đại hội.
Chính vì lẽ đó, vừa qua Tổng cục TDTT cũng đã gửi công văn nhắc nhở Liên đoàn và vào ngày mai, mùng 3/12, lãnh đạo Tổng cục sẽ họp với Ban Thường vụ LĐ để định hướng sớm tổ chức Đại hội.
Hằng năm theo điều lệ phải họp Ban chấp hành 2 lần. Nhưng nhiều năm rồi Liên đoàn không họp Ban chấp hành, Thường vụ. Hầu như tất cả những vấn đề của Liên đoàn đều do Chủ tịch tự quyết tự xử lý, như thể đây là công ty con của ông Chủ tịch chứ không giống một Liên đoàn thể thao.
Với tư cách Tổng thư ký, tôi đã nhiều lần gọi điện, gửi thư đề nghị Chủ tịch Liên đoàn tổ chức họp Ban chấp hành và hằng năm phải tổng kết đánh giá hoạt động cũng như đề ra đường hướng mục tiêu phát triển, nhưng đều không được lắng nghe.
Tôi thừa nhận, với vai trò TTK tôi có một phần trách nhiệm, nhưng khi Chủ tịch Liên đoàn không chấp thuận (họp BCH) thì tôi cũng không thể làm gì hơn. Đó là nỗi bức xúc của cá nhân tôi và có lẽ là nhiều người khác trong BCH.
Webthethao:. Từ năm 2017 Tổng cục TDTT đã trao quyền tổ chức các giải VĐQG, giải trẻ Boxing toàn quốc cho Liên đoàn Boxing Việt Nam, ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
Ông Vũ Đức Thịnh: Chủ trương trao cho Liên đoàn là rất đúng đắn. Việc LĐ huy động được nguồn lực xã hội hóa để tổ chức giải đấu tôi đánh giá rất là tốt. Nhưng về khía cạnh chuyên môn và quản lý tổ chức của Liên đoàn không ổn.
Từ năm 2017 khi Liên đoàn được trao quyền chủ trì tổ chức các giải quốc gia thì giải nào cũng có sự cố như báo chí đã chỉ ra.
Tôi đã từng góp ý, theo luật của AIBA nhưng đây là các trận đấu ở Việt Nam thế nên nếu trọng tài chấm sai và có đơn khiếu kiện, chúng ta có Ban giám sát, lãnh đạo Liên đoàn..., thì tất cả phải mổ băng xem xét, đánh giá và nếu chấm lại kết quả ngược với ban đầu thì phải công bố kết quả đó.
Tuy nhiên, Chủ tịch LĐ lại không đồng ý với điều này và từ đó dẫn tới sự cố ông Chủ tịch đã phải gửi công văn xin lỗi tới Cục Quân huấn về sự cố trọng tài "bẻ cong" kết quả ở giải VĐQG 2017.
Nhưng điều đáng buồn nhất đó là các giải thi đấu của chúng ta nhẽ ra phải là ngày hội của giới Boxing thì lại trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Khi tổ chức giải, Liên đoàn lại yêu cầu địa phương hỗ trợ tăng cường an ninh, tăng cường công an cảnh sát bảo vệ, điều này gây nhiều chi phí tốn kém.
Tôi còn nhớ giải vô địch tổ chức ở Bắc Ninh, khi đó đồng chí Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn về dự đã chứng kiến cảnh cả đoàn xe cảnh sát cơ động rầm rầm đổ quân xuống địa điểm thi đấu. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng giật mình nói: "Đây là ngày hội của thể thao chứ có phải chống bạo loạn, trấn áp bạo động đâu mà hiện diện nhiều cảnh sát đến như vậy!".
Rõ ràng, nếu công tác tổ chức giải tốt thì đã không nảy sinh những mâu thuẫn, kiện cáo, thậm chí ẩu đả để rồi phải nhờ công an cảnh sát hỗ trợ đến vậy. Đó phải là ngày hội của Boxing chứ!
Webthethao: Chủ trương ban đầu trao quyền cho Liên đoàn là đúng, nhưng sau đó lại xảy ra những vấn đề bức xúc nổi cộm. Vậy từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Tổng cục TDTT, Vụ Thể thao thành tích cao 1 và Bộ môn Boxing sẽ nhìn nhận trách nhiệm của mình như thế nào và tới đây sẽ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề?
Ông Vũ Đức Thịnh: Đầu tiên Liên đoàn và Bộ môn phải phối hợp tốt với nhau và những người làm chuyên môn phải được tin tưởng làm đúng vai trò chuyên môn.
Thực ra tôi với vị trí TTK cũng là trưởng ban chuyên môn, nhưng trong nhiều giải đấu tôi không có vai trò gì thể hiện rõ chuyên môn. Dù là Phó ban tổ chức giải nhưng lại bị tách biệt hoàn toàn. Bộ phần điều hành chuyên môn là ông Nguyễn Duy Hùng (PCT Liên đoàn) và chị Thúy (Chánh Văn phòng LĐ).
Ban trọng tài cũng do LĐ lựa chọn điều hành, còn Bộ môn không được tham khảo ý kiến. Điều này dẫn tới việc nhiều trọng tài yếu kém được triệu tập và hậu quả là nhiều trận đấu bị sai lệch kết quả, khiến nhiều đoàn phản ứng dữ dội.
Nếu Liên đoàn ngồi lại với Bộ môn cùng bàn để tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt là khâu chuyên môn, trọng tài, thì đã tránh xảy ra nhiều lùm xùm như vậy.
Webthethao: Được biết, giữa tuần này sẽ khai mạc giải Boxing VĐQG (3/12), vậy công tác tổ chức đến thời điểm này ra sao và liệu vấn đề trọng tài ở giải này có thực sự đảm bảo về mặt chuyên môn, khách quan?
Ông Vũ Đức Thịnh: Nói thật cho tới tận trước ngày 30/11 tôi hoàn toàn không biết, không nhận được quyết đinh, thông báo nào, mà qua e-mail gửi tới Vụ trưởng tôi mới biết mình là Phó Ban tổ chức.
Tôi đã điện thoại hỏi phía LĐ và đồng chí Chánh VP đã xin lỗi vì... quên không gửi thông báo cho tôi. Sau đó Liên đoàn mới gửi thông báo việc tôi làm Phó Ban tổ chức ở giải Boxing VĐQG 2020 tại Bắc Ninh. Việc phối hợp Liên đoàn - Bộ môn của Tổng cục như vậy khiến tôi rất bức xúc.
Còn vẫn với những trọng tài cũ, cách điều hành tổ chức giải như vậy tôi nghĩ rất khó tránh xảy ra vấn đề, sự cố. Muốn giải quyết triệt để thì LĐ và Bộ môn phải ngồi lại tính toán và lựa chọn ra những trọng tài tốt nhất như đã từng làm trước đây.
Webthethao: Ông dự báo mặt bằng chất lượng giải năm nay sẽ ra sao, và liệu có còn tình trạng nhiều võ sỹ bỏ thi đấu, thậm chí là bỏ các trận đấu ở ngày chung kết như từng xảy ra?
Ông Vũ Đức Thịnh: Điều này sẽ xảy ra nhưng sẽ không nhiều trường hợp. Thí dụ như ở hạng cân của VĐV Trương Đình Hoàng, hiện không có VĐV nào có thể đứng sàn thi đấu tiệm cận với trình độ của Hoàng chứ chưa nói ngang ngửa.
Thế nên dễ có khả năng VĐV bỏ thi đấu hạng cân đó, như ở giải Cúp các CLB mạnh vừa qua Đình Hoàng không phải đánh trận nào vẫn có chức vô địch.
Webthethao: Vâng, cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Hy vọng giải Boxing VĐQG tới đây sẽ có nhiều trận đấu hấp dẫn, và công tác trọng tài phần nào được khắc phục.
Quan trọng hơn, sau cuộc làm việc tới đây giữa Tổng cục TDTT và Liên đoàn Boxing Việt Nam, sẽ sớm tổ chức được Đại hội Liên đoàn để nhìn nhận, đánh giá lại những sai sót, khuyết điểm từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện lại bộ máy LĐ và hướng đến những mục tiêu phát triển mới cho Boxing Việt Nam!