-->> Boxing Việt Nam: Chuyện một giải đấu phải "cấp cứu" giữa giông bão (Kỳ 1)
-->> Boxing Việt Nam: Giải đấu dài chẳng giống ai với hạng cân... không tưởng (Kỳ 2)
Bức tranh màu hồng chuyển xám xịt
Boxing Việt Nam đã có bề dày lịch sử tiếp nhận, hội nhập và phát triển, từ những năm 20 của thế kỷ trước ở cả hai miền. Cái nôi phát triển Boxing thời kỳ đầu là các thành phố cảng Hải Phòng ở phía Bắc còn trong Nam là Sài Gòn.
Ở thời kỳ cách đây hơn 30 năm, hai võ sỹ Đỗ Tiến Tuấn (Hải Phòng) cùng Đặng Hiếu Hiền (Bình Định) từng được đặc cách dự Olympic Seoul 1988 và tay đấm Hiếu Hiền còn thắng 1 trận trước võ sỹ chủ nhà Hàn Quốc.
Chỉ sau đó 1 năm đến lượt võ sỹ Tạ Quang giành tấm HCĐ ở kỳ Seagames 1989, đánh dấu một bước trưởng thành mới của Boxing nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khi mới chân ướt chân ráo hội nhập trở lại với thể thao đỉnh cao của khu vực.
Sự phát triển đang trên đà thuận lợi tưởng như mở ra chương mới huy hoàng cho Boxing Việt Nam thì xảy ra sự cố "vỡ sới" dẫn tới ẩu đả bạo loạn tại sân Lạch Tray ở giải VĐQG năm 1994. Bi kịch này đã đẩy Boxing vào thảm cảnh "8 năm cấm vận", khiến nhiều người phải treo găng bỏ nghề.
Đến khi được "xóa án", bật đèn xanh cho phát triển trở lại (2002) thì mọi thứ gần như phải gầy dựng lại từ con số 0.
Nhưng cũng rất nhanh, Boxing Việt Nam liên tiếp gặt hái thành tích đáng tự hào, đó là những tấm HCV SEA Games của Lương Văn Toản, Lừu Duyên, Hải Yến, Lê Thị Bằng, Trương Đình Hoàng..., HCV châu Á của Nguyễn Thị Tâm hay thậm chí HCV giải trẻ thế giới của Vương Thị Vỹ.
Sự phát triển nhanh chóng về thành tích đỉnh cao, bên cạnh việc nhiều VĐV còn thi đấu Boxing theo thể thức chuyên nghiệp ở các trận tranh đai khu vực châu Á, cùng với nhu cầu tập luyện - thi đấu ở nhiều cấp độ và đặc biệt là đòi hỏi cấp thiết từ việc huy động nguồn lực xã hội hóa thể thao giúp Boxing phát triển, tất cả dẫn tới hệ quả tất yếu là sự ra đời của Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) vào tháng 9/2015.
Nếu nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao khác ở Việt Nam gần như chỉ "tồn tại cho có" và đối mặt muôn vàn thách thức, đặc biệt là vấn đề tài chính thì LĐ Boxing Việt Nam khi thành lập đã có bệ đỡ ngân sách được đánh giá khá tốt.
Ngay tại Đại hội thành lập hồi tháng 9/2015, tân Chủ tịch VBF ông Trần Minh Tiến (TGĐ Công ty CP Lasta), đã thông báo Liên đoàn Boxing VN sau khi ra mắt đã nhận được tài trợ 12 tỷ đồng từ Công ty CP truyền thông đa phương tiện Lasta (8 tỷ), Tân Hiệp Phát (2 tỷ) và Nutifood (2 tỷ).
Điều này rõ ràng hứa hẹn tín hiệu vui cho Boxing Việt Nam trong việc có thêm kinh phí để tổ chức nhiều hơn các sân chơi trong nước giúp tìm kiếm đào tạo phát triển các lực lượng VĐV.
Khi đó, trả lời phỏng vấn bên thềm Đại hội, một trong năm Phó Chủ tịch VBF được bầu, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao của Tổng cục TDTT) cũng hồ hởi đánh giá rằng: "Việc thành lập Liên đoàn Boxing Việt Nam đem lại nhiều lợi ích cho rất nhiều người liên quan, trong đó nổi bật nhất là các VĐV".
"Họ sẽ có nhiều sân chơi trong nước hơn, đồng thời các VĐV trọng điểm có điều kiện đi tập huấn nước ngoài nhiều hơn so với trước đây để nâng cao thành tích. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại chỗ đứng vững chắc cho Boxing Việt Nam tại các sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic".
Ngày đó, sự ra đời của VBF - nơi hội tụ được nhiều chuyên gia, những người tâm huyết vớ sự phát triển của Boxing - quả thực đã vẽ ra một viễn cảnh xán lạn cho Boxing Việt Nam.
Thế nhưng, bức tranh ban đầu đầy gam màu hồng ấy cũng rất nhanh chóng trở nên... xám xịt, bởi cách điều hành quản lý tổ chức gây ra quá nhiều xung đột, mâu thuẫn, bất cập của VBF.
Khi trọng tài "biến" thua thành thắng
Đỉnh điểm khởi đầu là những lùm xùm hồi năm 2017, khi Liên đoàn Boxing Việt Nam chính thức đứng ra chủ trì việc tổ chức thi đấu giải VĐQG và giải trẻ. Tại giải Boxing VĐQG năm đó (9/2017) đã xảy ra một trong những scandal tai tiếng nhất lịch sử quyền anh Việt Nam.
Ở trận chung kết hạng 91kg nam, Võ Văn Quế (Quân đội) đã thi đấu lấn lướt nhà cựu vô địch SEA Games Lương Văn Toản (Công an nhân dân). Tuy nhiên, thay vì công bố võ sỹ Văn Quế thắng, tổ trọng tài điều khiển trận đấu lại "bẻ lái khó tin" để cho Văn Toản thắng với tỉ số 3-2 qua đó giành HCV.
Ngay sau khi trọng tài tuyên bố kết quả trên sàn, đoàn Quân đội không chấp nhận kết quả và khiếu nại. Ban tổ chức giải với sự có mặt của lãnh đạo Liên đoàn Boxing VN, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã ngay lập tức xem lại băng ghi hình và xác nhận Võ Văn Quế mới là người chiến thắng. Dù vậy, kết quả trận đấu vẫn không thay đổi, BTC vẫn trao HCV cho Lương Văn Toản.
Sau sự cố, ông Trần Minh Tiến - Chủ tịch Liên đoàn Boxing VN - đã phải gửi công văn xin lỗi Cục Quân huấn - Bộ Tổng tham mưu về sai sót của tổ giám định và công tác trọng tài khiến đoàn Quân đội mất HCV.
Công văn ông Tiến cho biết: “Ban tổ chức đã xem lại băng ghi hình và nhận thấy VĐV đoàn Quân đội - Võ Văn Quế đã thắng. Tuy nhiên, theo luật của Liên đoàn Quyền anh nghiệp dư thế giới (AIBA), khi kết quả trận đấu đã được công bố thì không hủy bỏ được. Ban tổ chức giải xin nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin lỗi Cục Quân huấn - Bộ Tổng tham mưu và đoàn Quân đội tham dự giải”.
Hành động xử lý vụng về, cứng nhắc, gây tranh cãi này của VBF đã khiến cho đoàn Quân đội "nóng mặt". “Chúng tôi luôn muốn sự công bằng trong thi đấu. Như vậy mới đảm bảo đúng tinh thần thượng võ" - HLV Huỳnh Viết Khánh (đội boxing Quân đội khi đó) nổi cáu trình bày.
"Hiện tại, chúng ta thi đấu ở Việt Nam và kết quả được thẩm định lại bằng băng hình thì không thể lấy cớ theo luật AIBA mà không cho khiếu nại. Nếu trọng tài bắt đúng, không ai bức xúc và khiếu nại”.
Được biết, VĐV Võ Văn Quế sau đó cũng không lên bục nhận huy chương bạc còn đoàn Quân đội bỏ về không nhận cờ lưu niệm nhất toàn đoàn nam.
Chưa dừng lại ở đó, ông Vương Trọng Nghĩa - tổng trọng tài của Giải boxing vô địch quốc gia 2017 cũng phải viết tâm thư xin "được kỷ luật" vì ông cảm thấy không vui cho sự tắc trách của tổ trọng tài.
“Hiện nay với cương vị là 1 trọng tài, tôi thấy đau lòng và thấu hiểu mỗi khi sự chiến thắng bị tước đi bởi nguyên nhân của sự không công tâm, vì hạn chế về năng lực hoặc vì một số lý do nào đó từ phía lực lượng trọng tài gây nên”, ông Nghĩa viết trong báo cáo.
Thực tế, trước giải VĐQG 2 tháng, ở giải Boxing trẻ toàn quốc diễn ra vào tháng 7/2017 do VBF lần đầu chủ trì tổ chức cũng xảy ra một loạt tranh cãi về cách điều hành của trọng tài.
Đã không ít lần các HLV địa phương phản đối kết quả chung cuộc, thậm chí phản ứng tới độ chỉ đạo học trò... ở lì lại luôn trên đài và nhất không chịu xuống sau khi trận đấu kết thúc.
Thậm chí, hình ảnh giải đấu còn bị "bôi đen" vì những sự vụ cãi vã và gây hấn giữa một số HLV địa phương với vị Phó Chủ tịch VBF Nguyễn Duy Hùng (phụ trách công tác trọng tài, trưởng ban giám sát giải), do bức xúc trước việc VĐV của mình không được thi đấu dù đăng ký đúng điều lệ.
Chưa hết, tới ngày thi đấu chung kết dù theo lịch có 22 trận đấu cho các lứa tuổi 16-17 và 14-15 thì cuối cùng chỉ có... 10 trận diễn ra còn lại phải hủy do VĐV bỏ cuộc.
Đáng nói ở chỗ, sự yếu kém trong khâu tổ chức như thế không được cầu thị nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm để nghiêm túc sửa sai để Boxing mang lại đúng những trận đấu công bằng, cao thượng, chất lượng như tôn chỉ các môn thi đấu Võ thuật phải hướng tới.
Đến tận giải trẻ toàn quốc 2020 vừa qua ở Quảng Ngãi công tác trọng tài - từ năng lực chuyên môn yếu kém đến sự cẩu thả trong cách đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đội ngũ này từ phía VBF - vẫn là "vấn nạn nhức nhối".
Chưa hết, scandal VĐV Nguyễn Thị Diễm Xương khai gian tuổi để từ sinh viên "biến" thành VĐV 18 tuổi lên sàn thi đấu, lọt qua hàng chục cặp mắt và các ban bệ tổ chức giải của VBF, bị báo giới khui ra càng khiến NHM Boxing ngán ngẩm.
Tất nhiên, ở đây cũng không thể không nhắc đến vai trò của Cơ quan quản lý thể thao cấp cao nhất về mặt nhà nước - Tổng cục TDTT và cụ thể là Bộ môn Boxing.
Thực tế, ông Vũ Đức Thịnh, trưởng Bộ môn Boxing của Tổng cục TDTT được trao giữ vai trò Tổng thư ký LĐ Boxing Việt Nam (VBF). Nhưng mọi công việc liên quan đến điều hành tổ chức các giải đấu, đảm bảo yếu tố chuyên môn cả về thi đấu lẫn công tác trọng tài, nhẽ ra phải thuộc thẩm quyền xử lý của vị TTK, thì nó lại trở nên "xa ngoài tầm với".
Không quá khi nói rằng "VBF như một thế giới riêng", ở trong tư thế "sẵn sàng xỏ găng lên võ đài" và như thể mặt trăng với mặt trời nếu đặt cạnh một bên là cơ quan quản lý về mặt nhà nước, Bộ môn Boxing của Tổng cục TDTT.
Điều này, thực tế, từng được đặt vấn đề, đưa ra "chỉ mặt đặt tên" cực kỳ gay gắt quyết liệt ở một hội thảo chuyên ngành về Boxing được tổ chức giữa lúc giải VĐQG diễn ra vào tháng 9/2017 ở Bắc Ninh...
(Còn nữa, Kỳ 4: Boxing Việt Nam: Khi Liên đoàn và Bộ môn ở thế... xỏ găng lên đài)