Slam Dunk: Bộ truyện tranh kinh điển truyền tình yêu bóng rổ

chủ nhật 15-1-2017 17:25:45 +07:00 0 bình luận
Một bộ truyện tranh có thể giúp mang bóng rổ đến với nhiều thế hệ trẻ hay không? Câu trả lời là “có” với trường hợp của Slam Dunk.

Một bộ truyện tranh có thể giúp mang bóng rổ đến với nhiều thế hệ trẻ hay không? Câu trả lời là “có” với trường hợp của Slam Dunk. 

Kể từ khi bộ truyện được phát hành vào năm 1990, tới năm 2010, tác giả Inoue Takehiko đã được Hiệp hội Bóng Rổ Nhật Bản dành tặng lời khen vì có công phổ biến môn thể thao này ra toàn nước Nhật. Tại Việt Nam, cả một thế hệ đông đảo bạn trẻ thuộc lứa 8x, 9x đều phải thú nhận rằng họ tới với bóng rổ là vì Slam Dunk.

Fan của bộ truyện này tại Việt Nam vô cùng lớn nhưng cũng không phải ai cũng biết Slam Dunk có vị thế rất cao trong xã hội. Nó nằm trong Top 10 bộ manga bán chạy nhất mọi thời đại dù chỉ có vỏn vẹn 31 tập cùng thời điểm phát hành diễn ra trong vòng 6 năm. Bản dịch tiếng Anh của Slam Dunk cũng được xếp trong Top 100 truyện tranh theo các bình chọn từ những tạp chí truyện tranh uy tín của Mỹ.

Sau đó, tác giả Inoue Takehiko cũng ra mắt 2 bộ truyện nữa cùng lấy chủ đề bóng rổ là Buzzer Beater và Real nhưng không gặt hái được nhiều thành công bằng Slam Dunk.

Tới năm 2012, Slam Dunk đạt mốc bán ra hơn 120 triệu bản chỉ riêng tại Nhật Bản, trở thành hiện tượng trong thể loại truyện tranh thể thao.

Quá trình sản xuất

Inoue Takehiko bắt đầu có ý tưởng vẽ Slam Dunk từ lâu bởi ông vốn yêu thích bóng rổ từ những năm trung học. Khi những trang đầu của bộ truyện được hoàn tất, tác giả đã rất ngạc nhiên khi ông nhận được nhiều lá thư từ độc giả nói rằng họ bắt đầu chơi môn thể thao này là từ manga.

Trước đó, người biên tập của Inoue Takehiko với tư tưởng cũ còn nói với ông rằng “bóng rổ là điều cấm ky trong thế giới (manga) này”, bởi khó ai tin bộ truyện với nội dung như vậy có thể bán chạy.

Ở những tập đầu của Slam Dunk, độc giả có thể nhận thấy nội dung chủ yếu vẫn theo lối kể truyện về trường học cùng các câu chuyện về băng nhóm học sinh với bóng rổ chỉ như trang sức làm nền.

Tác giả Inoue Takehiko.
Tác giả Inoue Takehiko.

Từ những lá thư ấy, Inoue Takehiko có thêm niềm tin để quyết định rằng ông sẽ nhấn sâu hơn vào các trận bóng rổ. Qua đó, có thể truyền tải được những cảm xúc hay suy nghĩ của các cầu thủ mỗi khi họ giành chiến thắng hay như lúc thất bại. Với bộ truyện này, Inoue muốn độc giả cảm nhận được bầu nhiệt huyết cũng như tăng thêm tình yêu đối với bóng rổ.

Ký ức của tác giả cũng ảnh hưởng tới Slam Dunk. Ban đầu, ông tìm đến bóng rổ chỉ bởi muốn lấy le với các bạn gái, nhưng về sau đã tự trở nên say mê. Đây cũng chính là câu chuyện của nhân vật chính Hanamichi Sakuragi, người chơi bóng rổ chỉ vì cô gái mình thích, rồi dần trở nên gắn bó sâu đậm.

Điều này được thể hiện qua hình ảnh khá xúc động ở đoạn cuối truyện. Khi Hanamichi ở tình trạng mất tỉnh táo sau chấn thương, cậu đã nắm vai cô bạn gái mình thích và nói: “Tớ thật sự thích. Lần này thì tớ nói thật”. Nhiều người lầm tưởng đây là lời tỏ tình với Haruko nhưng thực chất lại là lời tỏ tình của Hanamichi với bóng rổ.

Về hình mẫu của Hanamichi

Inoue Takehiko đam mê và theo dõi bóng rổ thường xuyên, vào những năm ông vẽ Slam Dunk, các siêu sao của giải bóng rổ NBA ở thời kỳ này có ảnh hưởng trong việc tạo ra các khuôn mẫu nhân vật của bộ truyện. 

Bức hình và bài viết gây nhầm lẫn về hình mẫu của Hanamichi.
Bức hình và bài viết gây nhầm lẫn về hình mẫu của Hanamichi.

Về Hanamichi, lời đồn gây nhầm lẫn phổ biến nhất nằm ở đoạn truyện tự chế trên internet về một cầu thủ thiên tài Nhật Bản có thật ngoài đời nhưng không may bị chết trẻ do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, bức ảnh được sử dụng như “Hanamichi đời thực” lại được xác nhận là gương mặt của Yoshiki Hayashi, thành viên của nhóm nhạc X Japan. Khi đối chiếu lại câu chuyện, người ta cũng để ý tới 1 chi tiết khó tin rằng Hanamichi đời thực mới 18 tuổi đã ghi tới 33 điểm ở trận gặp các cầu thủ chuyên nghiệp thuộc tuyển quốc gia Nhật Bản.

Thời gian sau này, đa phần đều chấp nhận đây chỉ là một câu chuyện tự chế và các fan hâm mộ dần để ý rồi nhận ra nét tương đồng giữa Hanamichi và cầu thủ nổi tiếng Dennis Rodman của NBA.

Rodman cũng chơi ở vị trí tiền phong, được mang biệt danh “cỗ máy bắt bóng bật bảng”, không giỏi ghi điểm, sức bật và phản xạ thuộc hàng không tưởng giúp anh tạo ra nhiều pha bóng khó tin để đời nhưng giống hệt Hanamichi.

Rodman trong mái tóc đỏ có nhiều pha bóng y xì Hanamichi.
Rodman trong mái tóc đỏ có nhiều pha bóng y xì Hanamichi.

Bên cạnh đó, Rodman cũng là cầu thủ màu mè hiếm thấy trong lịch sử NBA với mái tóc kỳ dị, nổi bật cùng tính cách Bad Boy, quả thực rất giống với Hanamichi. Ngoài đời, Rodman cũng từng 2 lần đoạt danh hiệu cầu thủ phòng ngự hay nhất năm khi còn ở Detroit Pistons trước khi gia nhập Chicago Bulls.

Cảm hứng tạo nên các nhân vật khác

Ngoài Hanamichi, hình mẫu rõ ràng thứ 2 tới từ trung phong Hiroshi Morishige của Meihou, được gợi cảm hứng từ Shaquille O’Neal. Cùng là quái vật không thể cản phá với sức mạnh vượt trội, dễ dàng đánh bại cả những đội bóng dày dạn kinh nghiệm và giàu thành tích ở giải đấu quốc gia, cả hai đều là lính mới năm đầu nhưng đã gây được hiệu ứng lớn.

Những năm 90, Michael Jordan làm mưa làm gió tại NBA và nhiều người phải công nhận nhân vật Rukawa hay Sawakita khá giống với “Vua bóng rổ” ở thời kỳ trẻ tuổi. Đặc biệt là Rukawa, với băng chỏ màu đen bên tay trái, mặc áo tập số 23, đi đôi Air Jordan V, màu áo chính thức Shohoku giống với Chicago Bulls và mối quan hệ cũng chẳng mấy thân thiết với Hanamichi (Jordan và Rodman ngoài đời cũng ít khi nói chuyện với nhau). Jordan ban đầu cũng là chuyên gia ghi điểm chơi solo nhưng dần dần đã thay đổi phong cách khi nhận thức được sức mạnh của phối hợp đồng đội.

Pha bóng này của Sawakita cũng được lấy mẫu từ pha bóng tương tự của Jordan.
Pha bóng này của Sawakita cũng được lấy mẫu từ pha bóng tương tự của Jordan.

Sawakita của Sannoh, cầu thủ xuất sắc nhất trong giới học sinh, cũng có thể mang hình mẫu của Jordan thời kỳ trưởng thành. Kỹ thuật ném rổ hoàn hảo, khả năng phòng thủ không hề sơ hở đều là những tố chất tương đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Sawakita giống với Afernee Penny Hardaway hơn về động tác và phong cách.

Ngoài ra, Akagi Takenori lại giống hình mẫu trung phong huyền thoại Patrick Ewings của New York Knicks. Sendoh của Ryonan với chiều cao, kỹ thuật hoàn hảo cùng nụ cười thường trực trên môi lại có nét giống với Magic Johnson của Los Angeles Lakers.

Đội bóng nào vô địch giải quốc gia

Shohoku trong tình trạng kiệt sức sau chiến thắng kỳ tích trước Sannoh đã bị Aiwa loại ở trận kế tiếp. Và sau đó, nội dung không còn đề cập tới giải quốc gia nữa mặc dù có nhắc tới việc Kainan đứng thứ nhì toàn quốc. Vậy đội bóng nào là nhà vô địch của giải đấu năm đó?

Siêu sao Atsuchi Tsuchia của Daiei.
Siêu sao Atsuchi Tsuchia của Daiei.

Nhìn vào bảng đấu, khi Kainan tiến vào chung kết, dễ dàng nhận thấy họ đã vượt qua được ứng viên nặng ký, Học Viện Aiwa của siêu sao Moroboshi tại bán kết hoặc tứ kết. Trong đoạn viết được tác giả hé lộ, đội bóng Meihou của quái thú Hiroshi Morishige (hình mẫu từ Shaquille O’Neal) đã để thua Daiei với cách biệt sít sao tại tứ kết.

Daiei cũng được nhắc tới trong đoạn do thám và tìm hiểu các đối thủ khu vực khác, mà trong đó nổi bật lên siêu sao trẻ Atsushi Tsuchia. Daei cũng chính là đội bóng làm Toyotama, đối thủ trận đầu của Shohoku phải thất bại khốn đốn ở cấp khu vực.

Theo xâu chuỗi, chính Daiei sẽ đánh bại Kainan trong chung kết và trở thành nhà vô địch của giải đấu.

Các dòng giày trong Slam Dunk

Những đôi giày được chú ý nhất đều thuộc về Hanamichi. Đôi đầu tiên cậu mua được chỉ mất có 30 yen nhưng lại là đôi Air Jordan VI dùng cũ của ông chủ tiệm giày. Đôi thứ hai khi được Haruko dẫn đi chọn có màu đỏ đen chính là đôi Air Jordan I. 

Air Jordan V của Rukawa và Air Jordan I của Hanamichi.
Air Jordan V của Rukawa và Air Jordan I của Hanamichi.

Bên cạnh đó, Rukawa cũng sử dụng Air Jordan V. Shohoku có nhiều cầu thủ dùng giày Air Jordan nhất. Những cầu thủ đội bóng khác thường mang các đôi thuộc dòng Converse như Aero Jet RS 2, Accelerator hoặc dòng ASICS Tiger SL.

Năng lực MVP của Hisashi Mitsui

Nếu so với Hanamichi và Rukawa, vai trò của Mitsui trong Slam Dunk có phần mờ nhạt hơn nhưng năng lực tiềm ẩn của anh thì vô hạn. Cầu thủ số 14 của Shohoku chơi ở vị trí hậu vệ ghi điểm và nổi tiếng nhờ khả năng ném 3 điểm. Trong cả bộ truyện, chỉ có Jin của Kainan mới có thể đặt ngang tầm với Mitsui trong tuyệt chiêu này.

Hisashi Mitsui từng là cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu trung học.
Hisashi Mitsui từng là cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu trung học.

Điều đó không có nghĩa Mitsui chỉ có duy nhất khả năng ném xa. Từng là MVP của giải trung học, Mitsui tuy không phải mẫu cầu thủ sức mạnh nhưng các kỹ năng khác cũng vô cùng toàn diện.

Đặc biệt ở kỹ năng phòng thủ, anh rõ ràng là một nhân vật cực kỳ lợi hại. Khi đấu tập, Mitsu từng thắng Rukawa, bắt chết Hanamichi, phong tỏa hiệu quả năng lực ghi điểm của Fukuda trong trận gặp Ryonan, dù thể lực, thể hình không so được với những cầu thủ trên.

Nhược điểm của Mitsui nằm ở sức bền và khoảng thời gian nghỉ chơi bóng quá lâu sau chấn thương. Nếu ở thời kỳ sung mãn, Mitsui rất có thể sẽ trở thành siêu sao lớn nhất của Shohoku. Rukawa từng đặt mục tiêu trở thành cầu thủ số 1 Nhật Bản, cậu bắt đầu bằng việc khiêu chiến Mitsui, một phần nào đó công nhận Mitsui ở tầm cao cần vượt qua.

Mitsui nằm trong danh sách cực hiếm những người được Rukawa thầm khen ngợi. Khi anh ném thành công liên tiếp những cú 3 điểm trong trận gặp Sannoh, Rukawa đã phải nghĩ trong đầu 2 từ “lợi hại”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm