Hanoi Basketball League: Từ "sàn võ" thành lò đào tạo cho VBA

thứ tư 14-12-2016 15:09:38 +07:00 0 bình luận
Hanoi Basketball League (HBL) từ giải đấu mà VĐV không ngại... đấu võ giờ trở thành sân chơi ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn với những người yêu bóng rổ.

Hanoi Basketball League (HBL) từ giải đấu mà VĐV không ngại... đấu võ giờ trở thành sân chơi ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn với những người yêu bóng rổ và thậm chí cung cấp VĐV cho cả giải chuyên nghiệp VBA.

Năm 2004, cựu Chủ tịch Hội bóng rổ không chuyên Hà Nội (HBRKCHN) Toàn “Điếc”, cùng với Tú “Đen”, Trung “Chick”, Bobbie và Cường “Nhẻm” là những người góp công lớn khai sinh ra HBL với chỉ hơn 10 CLB tham dự. 

Những năm đầu tiên tổ chức HBL là câu chuyện giống vô vàn các giải thể thao nghiệp dư khác tại Việt Nam mắc phải đó là: không có tiền tài trợ, không có khán giả, không có trọng tài và cả việc đánh nhau trên sân. 

 

hbl

Những "huyền thoại" đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của HBL

Bóng rổ thời đó không phải là môn thể thao được nhiều người quan tâm, vì vậy chuyện đi kiếm nhà tài trợ theo cách giới bóng rổ không chuyên nói vui vẻ rằng “còn khó hơn lên Tây Trúc thỉnh kinh”.

Mở cửa miễn phí còn không có khán giả, thế nên nguồn thu từ tiền vé đúng là chuyện trên trời. Vì vậy, để duy trì cả 1 giải đấu với đủ thứ kinh phí “không tên” thì số tiền các đội đóng chưa bao giờ là đủ, những con người tâm huyết với bóng rổ thậm chí còn phải tự bỏ tiền túi để phát triển HBL.

Như cách mà cựu Chủ tịch HBRKCHN anh Tống Việt Phong nói: “Mình làm vừa vì mọi người vừa vì đam mê của chính mình nên hoàn toàn vui vẻ”. Đó cũng là cách suy nghĩ của những người thầm lặng đứng sau giải đấu.

hbl

Cựu chủ tịch HBRKCHN anh Tống Viết Phong (áo đỏ)

“Nhưng HBL không thể sống mãi nhờ sự giúp đỡ của các cá nhân. Đó chỉ là bước đi tạm thời và nếu cứ tiếp tục như vậy giải đấu sẽ chết yểu bất cứ lúc nào. Bản thân HBL sẽ phải tự nuôi sống được nó”, Việt Phong chia sẻ.

Thời điểm đầu tiên vị chủ tịch sinh năm 1984 bắt tay vào làm việc đó là trận chung kết HBL 2010 giữa Hidden Dragon và Dwarf trên sân Bách Khoa. Để phục vụ trận chung kết năm ấy, Việt Phong đã phải nhờ mối quan hệ riêng để mượn bạn dàn loa đến phục vụ khán giả.

Đầu trận mỗi đội một tay giúp mọi thủ tục nhanh chóng hoàn tất. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc lễ trao giải, Hidden vui sướng ra về với chiếc Cúp vô địch, Dwarf cũng nhanh chóng rời khỏi nhà thi đấu Bách Khoa với bộ mặt ảm đạm.

hbl
Tú "Đen" (áo đỏ) là một trong những người luôn trăn trở với HBL từ những ngày đầu

Và sau khi hô hào khản giọng thì đống bàn ghế, loa đài, phông bạt vẫn cứ để lại cho Việt Phong, bạn gái của anh và ông chủ dàn âm thanh dọn dẹp tới hơn 2h sáng hôm sau. Đó là kỷ niệm mà Phong nhớ mãi, đồng thời thôi thúc anh cần phải thay đổi lại cách làm HBL.

Dần dà, vị chủ tịch sinh năm 1984 tạo ra một đội ngũ gồm những Thắng Thế, Toàn Phong, Lê Minh Đức, Trần Minh Đức, Đức Sơn, Triệu Tùng là người chung tay giúp mọi công tác hậu trường cho HBL. Lâu dần, họ hiểu nhau và trở thành một ê kíp phục vụ đắc lực cho giải đấu.

Tuy nhiên, điều mà những người làm HBL trăn trở nhất là chuyện va chạm đánh nhau trên sân. Để giải quyết câu chuyện này thì khuyên nhủ, răn đe các VĐV cũng chẳng ăn thua bởi đó chỉ là phần ngọn. Phần gốc lại bắt nguồn từ chính…trọng tài.

hbl

Hidden Dragons đội vừa vô địch HBL 2016

“Bóng rổ là một môn thể thao vận động với cường độ cao dẫn đến nhiều lỗi trên sân. Nếu trọng tài bắt không chuẩn sẽ nảy sinh tâm lý ức chế cho các VĐV rồi thì trả đũa và rất nhanh chóng là đánh nhau. Trọng tài tốt thì chỉ cần thổi 1 tiếng còi đúng lúc sẽ làm nguội những cái đầu đang hiếu chiến” Việt Phong chia sẻ.

Rất may mắn là trong những người tâm huyết với HBL có anh Vũ Văn Trọng, người làm công tác trọng tài bên Liên đoàn bóng rổ Việt Nam. Nhờ có anh Trọng “Voi” đào tạo, HBRKCHN đã có nguồn lực trọng tài nhất định và bắt tốt.

Từ đó HBL đã giảm hẳn những màn ẩu đả trên sân. Tuy nhiên để ngăn ngừa triệt để chuyện đánh nhau, Việt Phong vẫn đặt ra quy định nếu đội nào vi phạm sẽ bị trừ hết tiền thế chân và đuổi khỏi mọi giải đấu của HBRKCHN đến hết năm.

hbl

Đội tuyển bóng rổ Hà Nội với các VĐV được lựa chọn từ HBL

Với những quy định mới khắt khe như vậy, tình trạng đánh nhau trên sân giảm dần tới hết hẳn. Và đến bây giờ Tống Việt Phong đã có thể yên tâm chia tay vị trí chủ tịch HBRKCHN để tập trung lo cho công việc và gia đình khi HBL đã đi vào ổn định.

Năm nay là mùa cuối cùng Việt Phong làm HBL và đó cũng là cột mốc đánh dấu số đội tham dự kỷ lục với 50 đội (38 nam, 12 nữ). Song hành với số lượng là chất lượng giải đấu cũng được đánh giá tốt nhất từ trước đến nay.

Không có sự đánh giá nào chính xác bằng sự thừa nhận của khán giả. Những năm gần đây, kể từ vòng tứ kết đánh tập trung luôn có hơn 300 CĐV đến sân Hoàng Mai theo dõi các trận đấu.

hbl
Trọng "Voi" (ngoài cùng bên phải), người có đóng góp rất lớn giúp HBL ngày càng "chuyên nghiệp" hơn ở công tác trọng tài

Cdunk hay Ba Đình những năm đầu vô địch HBL chỉ mang về cái cờ lưu niệm thì tới nay các đội có giải đều nhận được phần thưởng, Nhất là 5 triệu đồng, Nhì 3 triệu và Ba 2 triệu. Số tiền ấy chưa thấm tháp là bao, nhưng nó là sự ghi dấu bước đầu của một giải đấu có thể thấy tương lai sáng lạn phía trước.

Có tiền, có giải, sự chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao không chỉ ở công tác tổ chức, trọng tài, thi đấu, tất cả giúp cho nhiều VĐV trưởng thành vượt bậc từ sân chơi HBL. Và như thế có thể hiểu vì sao những ngôi sao như Hoàng “Ca”, Đạt “Doc” của Hidden Dragons, Hưng “Bún” của Sags hay Nguyễn Tuấn Anh “Cò” của Dwarf có cơ hội tỏa sáng tại đấu trường chuyên nghiệp VBA trong màu áo Hà Nội Buffaloes.

Không chỉ ở cung cấp VĐV cho VBA, trợ lý Vinh “Tẩm” hay bác sỹ Anh Chiến, những người ít nhiều từng lăn lộn với sân chơi HBL, giờ cũng đang đóng góp công sức không nhỏ để tạo nên sức mạnh của “Chú trâu”.

hbl

Anh em Hoàng - Đạt trưởng thành từ Hidden Dragon

Không chỉ có Hà Nội Buffaloes, ngay cả đội tuyển bóng rổ Hà Nội cũng được hưởng lợi khi đa số quân của đội tuyển Thủ đô được nhặt ra từ HBL như anh em Hoàng Đạt, Trung “Kon”, Tùng “kon”, Lợi “Bôn”,…

Kể từ mùa giải 2017, HBL sẽ đứng dưới sự điều hành của tân chủ tịch HBRKCHN Linh “Bốp”. Khi phong trào bóng rổ đang ngày càng được quan tâm và phát triển, rõ ràng là có rất nhiều cơ hội mới cho chàng chủ tịch sinh năm 1989 thể hiện khả năng của mình.

hbl

Tống Việt Phong sẵn sàng trợ giúp vị tân chủ tịch trẻ Linh "Bốp"

Vẫn còn rất nhiều điều mà HBL cần hướng tới nhưng không thể phủ nhận từ một giải đấu chỉ có hơn chục đội với vô vàn những khó khăn tưởng như có lúc phải tan rã giờ đang phát triển từng bước vững chắc.

Để có được một HBL như hôm nay, đó không chỉ là nhờ những đóng góp của vị cựu chủ tịch Toàn “Điếc” hay Tống Việt Phong mà còn là sự thầm lặng chung tay của rất nhiều người tâm huyết với bóng rổ Thủ đô.

   

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm