Bắt đầu từ ngày 9/1, giải bóng rổ cấp THPT và THCS Hà Nội sẽ chính thức diễn ra tại nhà thi đấu Hoàng Mai. 105 đội sẽ thi đấu chỉ trong vỏn vẹn…15 ngày.
Theo đúng phương châm phổ cập và đẩy mạnh phong trào bóng rổ, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội phối hợp với Trung tâm thể dục thể thao Hà Nội tạo sân chơi thường niên cho các em đam mê trái bóng màu cam.
Năm nay, giải đấu sẽ có sự đồng hành của nhà tài trợ Milo. Thương hiệu sữa của Nestle cũng đang chung tay tổ chức giải đấu thường niên cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn Thủ đô.
Ở cấp THPT, giải đấu năm nay sẽ chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa những cái tên Trần Phú, Phan Đình Phùng, Yên Hòa hay Amsterdam đội bóng giàu thành tích nhất với 14/22 lần vô địch.
Cấp THCS, đương kim vô địch Trưng Vương sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Cầu Giấy, trường trước đó từng vô địch 2 năm liên tiếp.
Năm nay cũng là năm kỷ niệm lần thứ 22 giải đấu được tổ chức, tuy nhiên những bất cập từ trước đó xem chừng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đó là nhận xét của không ít người có chuyên môn từng tham gia tổ chức giải và chính những người trong cuộc năm nay.
105 đội bóng rổ trên toàn Thủ đô sẽ tụ họp vào ngày 9/1 tới đây. Tuy nhiên, chỉ có vỏn vẹn 15 ngày để các trường thi thố. Tính trung bình một ngày tại nhà thi đấu Hoàng Mai sẽ diễn ra trên dưới... 10 trận đấu.
Mỗi trận đấu vẫn diễn ra theo đúng quy định là 10 phút một hiệp và có 4 hiệp đấu. Như vậy nếu tính cả thời gian khởi động, 1 trận đấu sẽ kết thúc trong 1 tiếng đồng hồ.
Với 10 trận đấu liên tục diễn ra trong 10 tiếng, giải đấu buộc phải diễn ra xuyên buổi trưa và điều này rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác trọng tài, gây khó khăn cho khán giả muốn theo dõi trong giờ nghỉ ngơi, ăn trưa, và thậm chí làm khó chính các các VĐV nhí đến từ các trường.
Đấy là Chưa kể đến việc giải 16 CLB của Hội bóng rổ không chuyên Hà Nội cũng được tổ chức ở sân đấu này từ 18h30. Vì vậy để đảm bảo lịch thi đấu dày đặc, giải đấu dành cho các em học sinh sẽ diễn ra từ lúc 7h30 khi mùa Đông trời còn… tờ mờ sáng.
Thi đấu sớm và quãng đường di chuyển xa khiến nhiều em học sinh từng than thở phải ôm bụng đói ra sân, điều đã xảy không ít lần ở những năm trước. Chính những điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của đội bóng và xa hơn là của cả giải đấu.
Ngoài ra, vấn đề đấu loại trực tiếp cũng khiến rất nhiều trường…lăn tăn. HLV một trường cấp 3 chia sẻ: “Cả đội tập trung một năm trời tập luyện nhưng bốc thăm gặp đội mạnh là bị loại luôn sau 1 trận đấu. Chia bảng và thi đấu ít nhất 3 trận rõ ràng làm cho tâm lý của các em thoải mái hơn”.
Theo anh Vũ Văn Trọng, trọng tài thuộc Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, người từng theo dõi những diễn biến của giải đấu trong nhiều năm qua cho biết: “15 ngày là quãng thời gian quá ngắn để tổ chức cả một giải đấu với 105 đội bóng. Cần ít nhất 1 tháng mới có thể tổ chức giải đấu quan trọng nhất cho các em học sinh. Nên biến giải đấu thành sân chơi giao lưu, giúp các em có cơ hội cọ xát, học hỏi từ 3-4 trận, thay vì có thể chỉ chơi được 1 trận rồi... giải tán”.
“Cần phải có tư duy, cách làm chuyên nghiệp hơn để có thể phát triển phong trào bóng rổ học sinh mạnh mẽ hơn, nhất là khi Hà Nội đang có phong trào mạnh nhất cả nước. Không thể để tình trạng 1 năm thi đấu 1 giải học sinh và có những đội thi đấu có.....1 trận", vị trọng tài từng bắt VBA nhấn mạnh.
Bản thân những người làm giải cũng thẳng thắn thừa nhận họ rất đắn đo suy nghĩ về những bất cập này. Nhưng vì…cơ chế tổ chức nên giải đấu vẫn diễn ra với quy cách như vậy đã… 22 năm nay.
Tình trạng trên không chỉ rơi vào giải đấu dành cho các trường THPT, THCS. Giải Milo dành cho các em học sinh tiểu học cũng diễn ra với quy cách tổ chức gần như giống hệt.
Giải bóng rổ Milo học sinh tiểu học năm 2016 với 105 trường tham dự nhưng diễn ra thần tốc trong... 6 ngày 15, 16, 22, 23, 29 và 30 tháng 10.
Mặc dù Milo đã tổ chức vòng bảng ở 4 điểm trường để giảm tải số trận về một điểm trường, nhưng chừng đó thời gian vẫn là quá gấp gáp cho một giải đấu với hàng trăm trận.
Nhãn sữa của Nestle chia sẻ họ chỉ đứng ra tài trợ giải đấu còn mọi vấn đề về lịch thi đấu hay chuyên môn đều do Sở giáo dục đào tạo Hà Nội kết hợp với Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội quản lý.
Không thể không ghi nhận đóng góp của những đơn vị đang chung tay phát triển phong trào bóng rổ tại Hà Nội. Tuy nhiên, như những người trong cuộc nói: “Tư duy và cách làm giải đấu cần được thay đổi để sân chơi của các em ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với cái tên giải đấu bóng rổ hàng đầu Thủ đô dành cho các em học sinh”.