Nếu nhắc đến phong trào bóng rổ học đường ở Thủ đô, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Hà Nội Amsterdam, CLB từng một thời là "vô đối"...
Hà Nội Amsterdam đưa môn bóng rổ vào giảng dạy từ năm 1995, sớm nhất Thủ đô thời bấy giờ. Đó có lẽ là nguyên nhân lý giải cho thành công mà trường Ams đạt được. Tại Ams, các bạn học sinh đam mê bóng rổ không thua kém bóng đá.
Chính vì vậy, nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất thuộc dạng “khủng” cho bộ môn bóng rổ. Ngoài sân thi đấu trong nhà đạt tiêu chuẩn với sức chứa hơn 500 chỗ ngồi, trải dài theo trường là 3 sân ngoài trời khác để các em học sinh thoải mái phát triển niềm đam mê của mình.
Một thời vàng son...
Ở cấp THCS, đội nam trường Ams vô địch 9/14 lần tổ chức. Đặc biệt là chiếc HCV Hội khỏe Phù Đổng miền Bắc năm 2003. Trong khi đó, giải bóng rổ các trường THPT thành phố Hà Nội vừa kỷ niệm 21 năm ra đời thì 2/3 thời gian tổ chức ấy, tức là 14 lần, Hà Nội Amsterdam đã rinh Cúp về trường.
Khó quên nhất là quãng thời gian 14 năm từ 1995 – 2008, Ams vô địch 13 lần, Việt Đức là trường duy nhất làm gián đoạn cuộc vui của Ams vào năm 2001. Giới bóng rổ học đường hồi ấy có một quy luật bất thành văn là: “Thắng Ams còn huy hoàng hơn chức vô địch” .
Đó là lý do Việt Đức vô địch nhưng không được nhắc đến nhiều bằng Hai Bà Trưng, đội bóng đánh bại Ams tại bán kết. Trên khắp các diễn đàn bóng rổ tại Hà Nội hồi ấy đi tìm nguyên nhân Ams thất bại và ca ngợi kỳ tích mà Hai Bà Trưng làm được là chủ đề bàn tán "Hot" nhất.
Ngày ấy, mỗi khi Ams thi đấu, những trận thắng cách biệt lên tới 20 đến 30 điểm là chuyện thường, mặc dù đó chưa phải là đội hình mạnh nhất của Ams. Tức là trong số 12 người giỏi nhất của trường, đội bóng rổ trường Ams sẽ chỉ lấy 5-7 người trong số ấy đi đánh giải Hà Nội, các suất còn lại sẽ giành cho các em lớp 10, 11 đi đánh để tích lũy kinh nghiệm.
Giờ nhìn lại, ngoài 2 đội hình được HLV hiện tại của Hà Nội Amsterdam, Linh "bốp" chọn ra thì cũng không thể không nhắc đến một loạt cái tên như Tú "kon", Toàn "điếc", Nguyễn Vinh Khoa, Bằng "thuồi", Hoài Anh, Chiến "béo", Thành "choi", Hiếu "thú", Long "con"... những người đã góp phần làm nên tên tuổi lẫy lừng của Ams.
Đáng chú ý thời điểm những năm 2010 đổ về trước, giải nội bộ trường Ams còn được đánh giá cao hơn cả giải các trường PTTH Hà Nội. Toàn trường thời đỉnh điểm có tới 24 đội tới từ các lớp. Đánh “sứt đầu mẻ trán” và chất lượng chuyên môn thuộc diện "đỉnh của Thủ đô".
Nhưng điều làm nên danh tiếng của bóng rổ trường Ams chính là chức vô địch giải Đại học năm 1998. Hà Nội Amsterdam là đội cấp 3 duy nhất được mời và ẵm luôn chức vô địch. Đó là chức vô địch đầu tiên và duy nhất của một trường cấp THPT tại giải đấu này. Bởi sau năm ấy, giải bóng rổ Đại học không... “dám” mời Ams tham dự.
Nuôi dưỡng truyền thống
Với bề dày truyền thống, quá khứ hào hùng, Ams là tên tuổi lẫy lừng trong quá khứ. Nhưng nuôi dưỡng truyền thống ấy không phải chuyện đơn giản. Hầu hết học sinh của Ams đều đi du học ngay sau khi hết phổ thông. Việc vạch sẵn mục tiêu khiến nhiều em không còn quá tập trung vào bóng rổ.
“Chơi bóng rổ ở Việt Nam có hay mấy thì sang nước ngoài cũng không ăn thua, riêng về thể hình đã quá chênh lệch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em” đó là chia sẻ của Linh Bốp, HLV bóng rổ trường Ams. Ngoài ra, những thú vui khác cũng chi phối niềm đam mê với bóng rổ.
Thay vì hàng ngày hàng giờ hết mình với bóng rổ bất kể mưa hay nắng, sân cát hay bê tông như những lứa đàn anh trước năm 2010, học sinh của Ams nói riêng và nhiều trường khác nói chung có rất nhiều thú vui sau những giờ học trên lớp như xem phim, cafe, chơi games,... đó là nguyên nhân chính khiến trình độ bóng rổ bị cào bằng.
Không còn thế độc tôn của Ams và ngôi vô địch giải bóng rổ cấp THPT Hà Nội cũng liên tục đổi chủ. Nhưng với truyền thống và ngọn lửa tự tôn của mình, đội bóng rổ trường Ams vẫn luôn nằm trong top 4 đội mạnh nhất giải đấu. Trường cũng mời được Chủ tịch hội bóng rổ không chuyên Hà Nội, Linh "bốp" một cựu Amser về dẫn dắt đội tuyển của trường từ năm 2014.
Trong 7 năm gần nhất, Amsterdam chỉ có 1 lần giành giải vô địch bóng rổ THPT Hà Nội vào năm 2013. Tuy nhiên, Ams vẫn thể hiện được đẳng cấp của mình khi có 5 năm lọt vào chung kết nhưng 4 lần gục ngã trước Việt Đức 2009, 2010, Kim Liên năm 2014 và Chu Văn An năm 2015.
“Mình vẫn hay kể cho các em về quá khứ của bóng rổ Ams, cho các em đọc những lời bình luận trên các diễn đàn bóng rổ nói về các đàn anh. Không phải vì cần các em giành giải này giải kia như các đàn anh đi trước mà muốn các em giữ nhiệt huyết trong tập luyện, thi đấu và giữ trong mình ngọn lửa tự hào về ngôi trường có truyền thống bóng rổ bậc nhất Thủ đô” – HLV Linh “bốp” kết lại.