Chẳng phải ngẫu nhiên mà hiếm có ai dõi theo được từng bước đi của Ba Đình từ những ngày đầu cho đến tận nay. Đơn giản vì đội bóng lừng danh này đã trải qua hơn 3 thế hệ, hàng chục năm tồn tại, nếm trải đủ hương vị của thất bại và thành công. Một Ba Đình như vậy đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng những người yêu bóng rổ ở Hà thành.
Bắt nguồn từ Tây Luông
Nếu mọi thứ đều có một điểm xuất phát, vậy điểm xuất phát của Ba Đình từ đâu? Hãy trở về quá khứ gần 60 năm trước thời điểm đội Ba Đình ra đời, đến với con đường Nguyễn Trung Trực thuộc quận Ba Đình.
Ký ức của những con người yêu bóng rổ thời đó chắc chắn vẫn còn ghi nhớ hình ảnh ngôi đình Tây Luông – nơi khơi dậy niềm đam mê đầu tiên dành cho quả bóng cam của những người con đất Hà thành.
Những trận đấu nảy lửa giữa đội bóng Thể Công với các đội bóng của Trung Quốc thời bấy giờ đã đưa vào đầu những đứa trẻ của thời kỳ khó khăn một niềm đam mê lớn lao.
Ban đầu là đam mê rồi dần dần theo thời gian, những đứa trẻ ở đình Tây Luông thuở ấy ngày càng truởng thành và dần có mặt trong những đội bóng hay nhất của Hà Nội lúc bấy giờ như Thể Công, Bưu điện hay Hoá chất dầu khí... Trong số đó có Đặng Viết Sơn, đội truởng đầu tiên của đội Ba Đình.
Lão tướng Đặng Viết Sơn từng chơi cho đội bóng Hoá chất dầu khí từ năm 1960 cho đến năm 1964. Năm 1965, khi đã bước vào tầm tuổi 50, niềm đam mê bóng rổ trong bác Sơn như chưa hề suy giảm.
Ý định đầu tiên của bác Sơn đơn giản chỉ là tập hợp những người có đam mê giống mình để cùng nhau trao đổi, tập luyện, không làm phai nhạt tình yêu đối với trái bóng rổ.
Tiếp đó, ý tưởng này nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cựu sao thuộc các đội bóng lớn ở Hà Nội. Họ tập hợp bên nhau và về sau đã trở thành những nhân tố đầu tiên của đội bóng Ba Đình.
Năm 1970, sân thể thao (mùng) 10-10 được xây dựng. Đội cựu sao do đội trưởng Đặng Viết Sơn dẫn đầu đã có được một sân tập chính thức đầu tiên. Vốn mang trong mình kinh nghiệm, kỹ thuật từ thời còn là các ngôi sao ở những đội bóng khác nhau, các lão tướng đã biến sân 10-10 trở thành địa điểm có sức thu hút lớn đối với những người đam mê bóng rổ ở các khu vực lân cận.
Cứ đến những buổi chiều các ngày thứ Hai, Năm và Bảy, người ta lại nhìn thấy mấy chú nhóc cùng các cô gái cao lêu nghêu từ tuyển bóng rổ Hà Nội, những người nước ngoài ra sân chơi tạo nên bầu không khí vô cùng náo nhiệt tại sân 10-10. Không chỉ có kinh nghiệm, kỹ thuật bóng rổ mà còn có cả những tình bạn không biên giới được vun đắp trong quãng thời gian này.
Khó tin được rằng đội lão tướng ấy vẫn duy trì tập luyện trong gần 30 năm kể từ ngày xây dựng sân 10-10. Cho đến năm 1991, sau gần 30 năm đóng góp vào sự thúc đẩy phong trào bóng rổ ở Thủ đô, họ chính thức cho ra đời đội bóng Ba Đình để tham gia vào các giải đấu đầu tiên do Sở Thể Dục Thể Thao Hà Nội tổ chức dành riêng cho các đội bóng lão tướng.
Sở hữu nhiều cựu ngôi sao trong đội hình nên không có gì lạ khi đội lão tướng Ba Đình đã liên tục giành được những danh hiệu cao nhất trong các giải đấu do Sở Thể Dục Thể Thao Hà Nội tổ chức từ năm 1991 cho đến năm 1997.
Bên cạnh đó, đội lão tướng Ba Đình còn từng được mời vào miền Nam để thi đấu giao hữu và đã giành chiến thắng trước đội lão tướng Philippines. Một thời kỳ đáng tự hào kéo dài trong vòng 6 năm. Tới năm 1999, đội bóng lão tướng Ba Đình tan rã vì nhiều lí do, nhưng đồng thời đã mở ra một thời kỳ mới.
Tre già, măng mọc
Trước khi tan rã vào năm 1999, đội lão tướng Ba Đình đã kịp rèn luyện và cho ra đời lứa trẻ kế thừa đầu tiên mà dẫn đầu là đội trưởng Thịnh Tài. Những thiếu niên từ các trường học quanh khu vực như Phan Đình Phùng, Chu Văn An là thành phần cơ bản của đội tân Ba Đình này.
Đội bóng tân Ba Đình tham gia vào những giải đấu đầu tiên là giải Geru Star năm 2000, giải Kiến Trúc năm 2001 và do chưa có nhiều kinh nghiệm tại thời điểm này nên đội bóng chưa để lại được ấn tượng gì sâu sắc trong làng bóng rổ Hà Nội.
Những năm tiếp theo, đội bóng tân Ba Đình dần sở hữu trong đội hình khoảng hơn 10 cầu thủ đều có kinh nghiệm và kỹ thuật cao, trong số đó vẫn còn danh tiếng đến hiện tại như Nguyễn Thanh Tú hay Trần Mạnh Trung.
Nhưng có lẽ do mặt bằng trình độ các đội bóng thời bấy giờ rất cao hoặc cũng có thể do không có được sự gắn kết cần thiết nên Ba Đình tại thời điểm ấy chưa gặt hái được nhiều thành công.
Thành tích đáng kể đầu tiên của đội bóng tân Ba Đình là tại giải CLB Hà Nội lần 3 của Hội bóng rổ không chuyên Hà Nội được tổ chức tại Kiến Trúc. Trong giải đấu này, Ba Đình cùng bảng với Fun Fox’s, Cdunk và Reverse.
Sau trận thắng đáng nhớ trước ĐH Kiến Trúc - đội bóng sở hữu 2 cầu thủ cấp quốc gia mà lúc bấy giờ thường được gọi là “ông nội”, “ông ngoại” (Ma Kiên Hân và Nguyễn Thế Toản), Ba Đình đã tiến thẳng đến bán kết và để thua Cdunk, đội bóng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Trong trận đấu tranh giải 3-4 sau đó, Ba Đình đã vượt qua Thăng Long để có được huy chương đồng đầu tiên trong hệ thống giải các CLB Hà Nội.
Sau khi kết thúc giải CLB Hà Nội lần 3, Ba Đình tập trung kêu gọi và phát triển lứa trẻ. Trong 3 tháng hè, lần lượt 20 gương mặt trẻ từ các trường học như Trần Phú, Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Phan Huy Chú… đã trải qua một đợt tập luyện và sát hạch dưới dự dẫn dắt của lứa trước.
Năm 2004, Ba Đình đưa ra ý tưởng đăng cai và tổ chức giải trẻ đầu tiên mà từ đó đến nay vẫn được duy trì như một giải đấu thường niên trong hệ thống các giải Bóng rổ không chuyên khu vực Hà Nội.
Đội hình trẻ ra lò từ đợt sát hạch trước đó đã thổi vào Ba Đình một luồng sinh khí mới, sự kết hợp giữa lứa 83 cũ và lứa 87 mới đạt được thành công hơn cả kỳ vọng.
Cho đến năm 2009, với sự kết hợp thành công này, Ba Đình đã vuơn lên trở thành một trong những thế lực đáng sợ nhất ở cấp bóng rổ nghiệp dư khu vực Hà Nội thể hiện qua những thành tích vô địch giải HBL lần 2 và 4; quán quân giải CLB Hà Nội lần 5, 6; đăng quang giải Trẻ các CLB Hà Nội lần 2; Á quân các giải CLB Hà Nội lần 7 và giải Trẻ các CLB Hà Nội lần 3; hạng 3 giải Trẻ các CLB Hà Nội lần 5 cùng giải phong cách ở giải Trẻ các CLB Hà Nội lần 1.
Có thịnh tất có suy, sau quãng thời gian thống trị của mình, Ba Đình cũng đã dần đi đến cuối con dốc của đỉnh cao. Sau giải CLB Hà Nội lần 7, Ba Đình có chiều hướng sa sút và không có được danh hiệu gì thêm.
Một thời kỳ chuyển giao nữa của Ba Đình đang diễn ra, nhưng suy cho cùng thì hết con dốc này sẽ lại đến một con dốc khác nên muốn vượt qua mọi con dốc để vươn tới những đỉnh cao mới, đội bóng buộc phải bước từng bước một tiến lên.
Vào khoảng thời gian mà đội bóng ít được đặt kỳ vọng hơn trước, Ba Đình đã bất ngờ có được thêm 3 danh hiệu vô địch giải HBL bằng một thế hệ mới. Những nỗ lực cùng bản lĩnh của một đội bóng truyền thống thường được phát huy đúng lúc khiến cái tên Ba Đình không thể bị lu mờ theo năm tháng.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng sân 10-10, nơi mang nhiều kỷ niệm với Ba Đình, bị phá mất vào năm 2005 đã kéo theo nhiều tác động tiêu cực tới đội bóng. Lứa già sau giải CLB Hà Nội lần 8 có chiều hướng ra đi một loạt, đẩy Ba Đình vào tình thế khó khăn.
Chính ngay trong lúc đó, những người có tâm huyết đã đề ra mục tiêu rõ ràng và mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hệ quả là trong thời gian qua, Ba Đình đã xây dựng được một lối chơi mới, phát huy tối đa tinh thần đồng đội, duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên một cách lâu dài, không những chỉ trong sân bóng mà còn cả ở ngoài đời.
Thế nhưng, tâm nguyện của các thành viên nòng cốt ở Ba Đình không thu hẹp ở mục tiêu duy trì đội bóng. Với khát vọng lớn lao hơn, họ đều rất muốn chung tay góp phần phát triển nền bóng rổ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nâng mức sàn trình độ của tất cả lên một tầm cao mới.
(Webthethao.vn chân thành cảm ơn bác Đặng Viết Sơn, anh Nguyễn Thanh Tú, đội truởng Hoàng Thế Vinh và các thành viên của Ba Đình đã hợp tác giúp đỡ trong việc hoàn thành bài viết này)