Bóng rổ Trung Quốc (phần 7): Hoa kiều thất thế

thứ tư 12-9-2018 16:20:22 +07:00 0 bình luận
Dù được bóng rổ Trung Quốc chào đón, nhưng Hoa kiều chưa bao giờ cạnh tranh nổi với cầu thủ quốc nội.

Nếu như lực lượng cầu thủ kiều bào vẫn luôn có đóng góp quan trọng với những nền bóng rổ khác trên thế giới thì ở Trung Quốc lại cho thấy điều ngược lại. Không chỉ riêng Trung Quốc, mà những nước có nền bóng rổ phát triển mạnh mẽ ở châu Âu hay Úc... cũng đang như vậy.

Trình độ chuyên môn

Vận động viên kiều bào luôn gặp khó khăn khi trở về cống hiến cho nền thể thao quê hương do những trở ngại như lối sống văn hóa, khác biệt về tư duy và thậm chí là bị chèn ép bởi các thế lực. Nhưng lý do mà cầu thủ bóng rổ Hoa kiều không thể vươn mình để trở thành đối trọng với những cầu thủ quốc nội lại thuộc về chuyên môn.

Nghe thật phi lý khi mà những con người được đào tạo bởi các nền bóng rổ mạnh hơn lại không thể cạnh tranh với những cầu thủ được đào tạo tại chính Trung Quốc. Điều đó lại là sự thật!

Hầu hết những cầu thủ Hoa kiều đã và đang thi đấu ở Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc (CBA) đều từng tham gia tập luyện và thi đấu ở các đội bóng trung học hay đại học Mỹ, chỉ có một số ít từng thi đấu ở châu Âu. Chưa có bất cứ một Hoa kiều nào xuất thân từ môi trường bóng rổ đường phố được góp mặt ở CBA. 

Bóng rổ Trung Quốc (phần 7): Hoa kiều thất thế - Ảnh 1.

Zhou Qi và Ding Yanyuhang hiện đang là những cầu thủ NBA.

Nhưng theo đánh giá của nhiều người hâm mộ bóng rổ Trung Quốc, Hoa kiều có trình độ chơi bóng không tương xứng với cầu thủ quốc nội. Trong khi đó, số lượng cầu thủ quốc nội Trung Quốc được thi đấu ở NBA cũng bắt đầu tăng dần. 

Zhou Qi và Ding Yanyuhang là hai cầu thủ đang thi đấu ở NBA. Abudushalamu Abudurexiti từng khoác áo Golden State Warriors ở NBA Summer League 2018 và được dự đoán sẽ thi đấu ở NBA trong mùa giải 2019-20. Yi Jianlian cũng đã thi đấu ở NBA trong 5 mùa giải trước khi trở về CBA. Yi Jianlian thậm chí đã có thể tiếp tục thi đấu ở NBA, nếu như không đơn phương chấm dứt hợp đồng với Los Angeles Lakers trước khi mùa giải 2017-18 khởi tranh.

Allen Khuu, người Việt gốc Hoa đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc cho biết: "Thực tế thì số lượng cầu thủ Hoa kiều ở CBA chỉ đếm trên đầu ngón tay, và có trình độ thuộc dạng trung bình khá. Quá khó để Hoa kiều có thể làm nên chuyện tại CBA."

Nhưng nghiệt ngã thay, những cầu thủ được gọi Hoa kiều lại đa phần là người Đài Loan (Trung Hoa Đài Bắc) - vùng đất từ lâu vẫn luôn bị Trung Quốc xem như là một phần lãnh thổ.

Nói không với quy định Heritage Player (Hoa kiều)

Chính vì sự phát triển lớn mạnh của nền bóng rổ Trung Quốc mà CBA đã quyết định xem Hoa kiều như một cầu thủ quốc nội - tùy theo giấy tờ nhân thân. Những ngày đầu thành lập, CBA nhận thấy rằng trình độ của Hoa kiều và các cầu thủ châu Á khác so với những cầu thủ quốc nội không khác biệt, nếu như không muốn nói là kém hơn.

Cho nên ở CBA không hề có khái niệm gọi là nội binh hoặc ngoại binh, mà chỉ có 2 loại cầu thủ: Không phải người châu Á và người châu Á - lực lượng sau gần 100% là người Trung Quốc. Mỗi đội chỉ được phép sử dụng tối đa 2 cầu thủ không phải người châu Á trong đội hình. Một đội bóng được sử dụng cầu thủ không phải người châu Á thứ ba với điều kiện người đó phải có 5 mùa giải thi đấu ở CBA trở lên. 

Chính điều này đã vô tình khiến cánh cửa CBA vô cùng hẹp với Hoa kiều. Allen Khuu, người Việt gốc Hoa đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc còn cho biết thêm: "Cầu thủ Hoa kiều ở CBA gần như không đủ tài năng và trình độ để cạnh tranh với những người Trung Quốc chính thống, chứ đừng nói đến việc cạnh tranh với các cầu thủ không phải người châu Á."

Bóng rổ Trung Quốc (phần 7): Hoa kiều thất thế - Ảnh 2.

Lin Chih-Chieh là Hoa kiều hiếm hoi khẳng định được tài năng giữa rừng cầu thủ Trung Quốc.

Trong khi đó, các đội Trung Quốc có thừa tiền nên không dại gì phí tiền để đầu tư vào những cầu thủ châu Á khác. Thay vào đó, họ đem về những cựu ngôi sao NBA, hoặc ngôi sao ở các giải đấu châu Âu - những người có trình độ chơi bóng cao hơn rất nhiều. Mọi quy định về sử dụng cầu thủ trở nên quá đơn giản với Trung Quốc khi mà trình độ cầu thủ nước này thuộc hàng đầu châu Á. 

Nếu như ở VBA hay ABL, việc sử dụng những cầu thủ kiều bào (heritage player) nhằm giúp cân bằng giải đấu thì điều lệ đó chỉ khiến cho CBA đi xuống về mặt chất lượng. Trình độ của cầu thủ Hoa kiều ở CBA là không thật sự tốt, và việc áp dụng điều lệ này sẽ không giúp nâng cao trình độ chuyên môn của giải đấu.

Lin Chih-chieh chính là trường hợp Hoa kiều hiếm hoi có thể thi đấu sòng phẳng tại CBA, nhưng bản thân cầu thủ này cũng là người Đài Loan và được tính là một cầu thủ châu Á. Lin Chih-chieh là hậu vệ dẫn bóng chủ lực và làm đội trưởng của Zhejiang Lions ở CBA. Cầu thủ 36 tuổi có trung bình 14,0 điểm, 2,9 kiến tạo và 1,4 cướp bóng trong 7 mùa giải.

__________

Nhiều cầu thủ Hoa kiều đã dùng tới gốc gác thứ hai hoặc thứ ba của mình để tìm cơ hội thi đấu ở những nền bóng rổ kém phát triển hơn Trung Quốc rất nhiều. Nhưng cũng không nhiều Hoa kiều có thể làm được điều đó, vì không phải ai cũng có nhiều gốc gác như vậy.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm